Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ cân nhắc dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu gạo

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới có khả năng dỡ bỏ các hạn chế đối xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Đây có thể là trong một động thái đánh dấu sự hạ nhiệt hơn nữa của làn sóng bảo hộ lương thực toàn cầu sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ấn Độ chiếm 40% thương mại lúa gạo toàn cầu. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin Bloomberg hôm 10-1 dẫn lời một nguồn tin cho biết giới chức trách Ấn Độ đang tích cực xem xét dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối một số loại gạo khi giá gạo trong nước ổn định hơn nhờ nguồn cung cải thiện. Nguồn tin này nói rằng hiện nay, nguồn gạo dự trữ của chính phủ đủ để đáp ứng nhu cầu của các chương trình phúc lợi.

Cuối tháng 11 năm ngoái, New Delhi đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo hữu cơ (ngoại trừ gạo thơm basmati hữu cơ).

Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại lúa gạo toàn cầu. Bất kỳ quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo nào của Ấn Độ cũng có thể làm suy giảm giá gạo tiêu chuẩn ở châu Á, vốn đang giao dịch gần mức cao nhất kể từ giữa năm 2021.

Động thái nới lỏng xuất khẩu gạo đang được giới chức trách Ấn Độ thảo luận khi những lo ngại về lạm phát lương thực dần lắng xuống. Theo dữ liệu của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá cả lương thực toàn cầu trong tháng cuối cùng của năm 2022 trở về mức gần bằng với thời điểm đầu năm dù nguồn cung trải quan một năm gián đoạn do chiến tranh ở Ukraine và thời tiết khắc nghiệt.

Bộ Thực phẩm và Bộ Thương mại Ấn Độ từ chối bình luận thông tin trên.

Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với gạo trắng và gạo lứt xuất khẩu vào tháng 9 năm ngoái, đồng thời cấm bán gạo 100% tấm ra nước ngoài. Các hạn chế xuất khẩu này ảnh hưởng đến khoảng 60% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Ngoài ra, trong năm ngoái, Ấn Độ cũng áp đặt các hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo Ấn Độ tăng mạnh hôm 10-1 khi giới đầu tư kỳ vọng bất kỳ sự nới lỏng nào trong hoạt động xuất khẩu gạo đều sẽ thúc đẩy doanh số bán gạo.

Cổ phiếu của KRBL, một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, tăng giá tới 3,2%. Cổ phiếu của hai nhà xuất khẩu gạo khác, LT Foods và Chaman Lal Setia Exports tăng giá lần lượt 4% và  5,4%.

Trước đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (AIREA) dự kiến kêu gọi chính phủ loại bỏ một số hạn chế đối với xuất khẩu gạo do nguồn cung lúa gạo trong nước tăng lên sau các vụ thu hoạch thuận lợi. AIREA cũng có kế hoạch xin cấp hạn ngạch xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo 100% tấm và đề nghị loại bỏ mức thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu, theo B.V. Krishna Rao, Chủ tịch của AIREA.

Nguồn cung lúa gạo trong nước ngày càng tăng giúp chính phủ Ấn Độ tăng cường mua mặt hàng lương thực này để phục vụ các chương trình phúc lợi khác nhau. Các cơ quan liên bang của Ấn Độ đã mua 53 triệu tấn gạo chưa xay xát trong niên vụ 2022-2023, tính đến ngày 1-1, tăng 11% so với một năm trước đó, theo dữ liệu của Tổng Công ty lương thực Ấn Độ (FCI), đơn vị chịu trách nhiệm phân phối lương thực trợ giá cho 800 triệu người dân Ấn Độ theo Đạo luật An ninh lương thực quốc gia và các chương trình phúc lợi khác.

Giới chức trách Ấn Độ cũng đang xem xét bán khoảng 2 triệu tấn lúa mì từ kho dự trữ nhà nước cho các khách hàng trong nước bao gồm các nhà máy bột mì để kiểm soát giá cả.

Ấn Độ là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nước này xuất khẩu gạo đến hơn 150 nước trên thế giới trong niên vụ kinh doanh 2021-2022.

Trong một báo cáo gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2023 có thể giảm về mức 19,5 triệu tấn sau khi đạt mức kỷ lục 21 triệu tấn trong năm ngoái. Gạo của Ấn Độ có giá bán chưa đến 400 đô la/tấn, vẫn rẻ hơn so với gạo xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.

FAO dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ giảm hơn 12 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong khi đó, USDA và Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC) dự báo mức giảm sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ hiện tại là 9-10 triệu tấn.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới