Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ có thể lấp khoảng trống nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tốc độ tăng trưởng ì ạch của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nhu cầu các hàng hóa quan trọng toàn cầu như sắt thép, nhôm, đồng, than, dầu thô... Nhưng với triển vọng kinh tế xán lạn, Ấn Độ có thể bù đắp phần nào sự thiếu hụt nhu cầu đó, theo nhận định của ngân hàng ANZ.

Nhu cầu thép của Trung Quốc được dự báo lập đỉnh trong vài năm tới và bắt đầu suy giảm vào cuối thập niên này. Trong khi đó, sản lượng thép của Ấn Độ dự kiến tăng lên 300 triệu tấn/năm vào năm 2030 so với mức 125 triệu tấn vào năm 2022. Ảnh: Caixin

Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích của ANZ nhận định, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt xa Trung Quốc và quốc gia Nam Á này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cuối thập niên 2020. Điều đó có nghĩa là nhu cầu hàng hóa của Ấn Độ sẽ tăng lên và có thể bù đắp hơn một nửa nhu cầu mất mát từ Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

“Nhu cầu hàng hóa của Ấn Độ dự kiến tăng nhanh nhờ nhân khẩu học thuận lợi, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, mở rộng sản xuất và xuất khẩu cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng”, các nhà phân tích của ANZ viết.

Trong năm nay, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất. Theo dữ liệu của ANZ, tỷ lệ đô thị hóa của nước này dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2030 từ mức 35% hiện tại.

Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng sẽ thúc đẩy nhu cầu các kim loại công nghiệp và hàng hóa năng lượng.

ANZ ước tính, nhu cầu hàng năm của Ấn Độ đối với các hàng hóa quan trọng như dầu mỏ, than, khí đốt, đồng, nhôm và thép, dự kiến tăng trung bình mỗi năm hơn 5% từ nay đến năm 2030.

Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc đối với những mặt hàng tương tự sẽ chậm lại, chỉ tăng 1-3% mỗi năm khi tăng trưởng GDP của nước này dự kiến giảm xuống 3,5% vào cuối thập niên hiện tại. GDP quí 2-2023 của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 7,3% mà các nhà kinh tế dự báo.

ANZ dự đoán, nhu cầu của Ấn Độ sẽ tăng lên rõ rệt nhất ở dầu mỏ và than, hai mặt hàng mà nước này nhập khẩu đến 80% nhu cầu.

“Ấn Độ sẽ tăng cường khử carbon vào năm 2030, nhưng nỗ lực đó có thể thất bại do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh của đất nước. Một phần đáng kể nhu cầu năng lượng của Ấn Độ có thể phải dựa vào nhiên liệu hóa thạch”, các nhà phân tích của ANZ nhận định.

Tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Ấn Độ trong năm 2024 ước tính tăng gần 5% so với mức hiện tại, lên 233.805 nghìn tấn, theo dự báo của Cơ quan phân tích và lập kế hoạch xăng dầu của Ấn Độ.

Theo kịch bản dự báo bất ngờ của ANZ, ngay cả khi tăng trưởng của Trung Quốc không chậm lại trong năm tới, Ấn Độ ước tính sẽ bù đắp 60% nhu cầu than và 66% dầu mỏ của Trung Quốc suy giảm vào năm 2030.

Chính phủ Ấn Độ ngày càng chú trọng vào phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu sắt thép.

“Nhu cầu của Ấn Độ đối với nhiều kim loại và hàng rời (nông sản, vật liệu, hóa chất, dầu thô...) có thể tăng mạnh”, báo cáo của ANZ cho hay.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý khoảng trống nhu cầu lớn mà Trung Quốc để lại đối với thép và nhôm có thể khó lấp đầy hơn.

“Đối với nhôm và thép, Ấn Độ có thể bù đắp cho nhu cầu thiếu hụt của Trung Quốc ở mức không lớn lắm, đơn giản là vì quy mô tiêu thụ các mặt hàng này ở Trung Quốc rất lớn”.

Trung Quốc tiêu thụ hơn 50% sản lượng thép và các kim loại công nghiệp toàn cầu.

ANZ cho biết trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì vị thế là “người khổng lồ” trên thị trường hàng hóa toàn cầu, thì Ấn Độ có thể đóng vai trò là “người có ảnh hưởng đáng kể”.

Hồi tháng 5, tập đoàn khai khoáng Vale (Brazil), nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ lập đỉnh trong vài năm tới và bắt đầu suy giảm vào cuối thập niên này.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất lớn nhất thế giới nhưng các nhà sản xuất thép lớn khác trên thế giới bao gồm Ấn Độ sẽ thu hẹp khoảng cách. Do vậy, Vale sẽ nhắm đến thị trường Ấn Độ để bù đặp cho sự sụt giảm nhu cầu quặng sắt ở Trung Quốc.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Financial Times hôm nay (31-7), Vandita Pant, Giám đốc tài chính của tập đoàn khai khoáng BHP (Úc) ghi nhận hoạt động sản xuất thép ở Ấn Độ đang bùng nổ. Bà tiết lộ khoảng BHP đang xuất khẩu khoảng 40% sản lượng than cốc (được sử dụng ở nhà máy thép sử dụng) sang Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ dự kiến tăng sản lượng thép lên 300 triệu tấn mỗi năm vào cuối thập niên này, từ mức 125 triệu tấn năm ngoái. Nhu cầu thép ở Ấn Độ tăng mạnh nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Ấn Độ được kỳ vọng đóng vai trò cốt lõi cho tăng trưởng mảng kinh doanh than của BHP trong những năm tới.

Theo CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới