Ấn Độ muốn tăng gấp đôi GDP lên 5.000 tỉ đô la trong 5 năm
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Hôm 15-6, tại cuộc họp của hội đồng điều hành thuộc Viện quốc gia về chuyển đổi Ấn Độ (NITI Aayog), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra mục tiêu đầy tham vọng: nâng GDP của nền kinh tế đông dân thứ hai thế giới từ 2.710 tỉ đô la Mỹ hiện nay lên mức 5.000 tỉ đô Mỹ vào năm 2024. Ông Modi nói rằng đây là mục tiêu “đầy thách thức nhưng có thể đạt được”.
Ông Modi có thể chưa bao giờ bị chỉ trích là người thiếu tham vọng nhưng mục tiêu GDP đạt 5.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2014 vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông là quá tham vọng đến mức phi hiện thực nếu căn cứ vào tình hình kinh tế Ấn Độ hiện nay cũng như các dữ liệu kinh tế trong quá khứ.
Hiện nay, quy mô nền kinh tế của Ấn Độ vào khoảng 2.710 tỉ đô la Mỹ. Để đạt được mốc 5.000 tỉ đô Mỹ trong năm tới, tổng giá trị GDP của Ấn Độ phải tăng 85% so với mức hiện tại, trong khi đó, trong 6 năm qua, tổng giá trị GDP của Ấn Độ chỉ tăng 44%.
Nếu nhìn ở góc độ khác, để đạt được mốc 5.000 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Ấn Độ phải đạt mức 13% trong 5 năm tới. Để duy trì mức siêu tăng trưởng này không chỉ đòi hỏi guồng máy kinh tế trong nước phải hoạt động ở tốc lực cao ở mọi lĩnh vực mà còn đòi hỏi có lực đẩy lớn từ nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng hiện trạng bức tranh nền kinh tế trong nước lẫn toàn cầu không ủng hộ tham vọng của ông Modi. Hôm 17-6, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings hạ dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ xuống còn 6,6% trong năm tài chính 2019 so với mức dự báo 6,8% đưa ra lần trước với lý do tăng trưởng trong khu vực sản xuất và nông nghiệp đang chậm lại.
![]() |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) chủ trì cuộc họp của hội đồng điều hành thuộc Viện quốc gia về chuyển đổi Ấn Độ (NITI Aayog) ở New Delhi hôm 15-6. Ảnh: Hindustan Times |
Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ mức 3,5%, xuống cón 3,3% vì chiến tranh thương mại và Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Điều đáng nói hơn nữa là gần đây, trong một báo cáo nghiên cứu do Trung tâm Phát triển quốc tế thuộc Đại học Harvard phát hành, ông Arvind Subramanian, cựu trưởng cố vấn kinh tế của chính phủ Ấn Độ giai đoạn 2014-2018 cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ bị thổi phồng 2,5 điểm % mỗi năm trong giai đoạn 2011-2017.
Báo cáo nghiên cứu này gây ra sự tranh cãi và phản đối ở trong nước vì cho rằng phương pháp tính toán GDP của ông Subramanian không đúng.
Ấn Độ có thể và nên có tham vọng nâng nâng mức tăng trưởng kinh tế hàng năm lên mức hai con số. Không đạt được mức tăng trưởng bền vững ở mức hai con số, Ấn Độ ít có hy vọng tạo ra đầy đủ việc làm cho một triệu thanh niên gia nhập lực lượng lao động mỗi tháng. Trừ phi tận dụng được lợi thế của cơ cấu dân số vàng hiện tại, Ấn Độ không bao giờ có khả năng trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cận trên.
Song các điều kiện tiên quyết để đạt được tốc độ tăng trưởng thần tốc từng giúp mang lại sự thịnh vượng cho các con hổ kinh tế châu Á và Trung Quốc vẫn chưa định hình ở Ấn Độ. Các thị trường ủng hộ cho thị trường bất động sản và lao động ở Ấn Độ chưa hình thành. Nguồn cung năng lượng và cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn chưa đạt được các tiêu chuẩn cần thiết để xây dựng một nền sản xuất tầm cỡ thế giới.
Dù các chính phủ liên tiếp của Ấn Độ hô hào sự cần thiết phải cung cấp cho thanh niên nền tảng giáo dục và các kỹ năng nghề cần thiết để giúp họ thành công trong một nền kinh tế hiện đại, kết quả của các nỗ lực này cho đến nay vẫn gây thất vọng.
Các khu vực nội địa rộng lớn của Ấn Độ, nơi tỷ lệ tăng trưởng dân số đạt mức cao nhất, vẫn nghèo. Song trong hai cuộc tổng tuyền cử vừa qua, các khu vực này với lực lượng cử tri nông dân hùng hậu, quyết định các thành phần và xu hướng của Chính phủ Ấn Độ. Do vậy, bộ máy nhà nước Ấn Độ hiện nay vẫn thiếu nguồn lực và sức mạnh vì nó được cài đặt cho một kinh tế nông nghiệp rộng lớn hơn là cho một mô hình sản xuất công nghệ cao và tầm cỡ toàn cầu.
Khoảng cách chênh lệch thu nhập ở các vùng miền Ấn Độ đang ngày càng nới rộng. Có những khu vực ở Ấn Độ phát triển năng động như các nước Đông Nam Á nhưng có những khu vực khác có tình hình kinh tế giống như vùng hạ Sahara của châu Phi.
Sự chênh lệch đó càng khiến Ấn Độ phải quyết tâm đạt được mức tăng trưởng hai con số. Điều này đòi hỏi nền kinh tế Ấn Độ phải chạy nước rút nhưng giới phân tích cho rằng Ấn Độ có lẽ nên đặt các mục tiêu tăng trưởng dễ quản lý hơn, chẳng hạn 8% mỗi năm trong vài năm tới trước khi nghĩ đến các mục tiêu lớn hơn.
Theo Bloomberg, HW News