Ấn Độ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
Chánh Trung
(KTSG Online) – Các doanh nghiệp đến từ Ấn Độ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam mặc dù tình hình kinh doanh của họ gặp không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh trong thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ chia sẻ thông tin về tình hình đầu tư tại Việt Nam tại hội thảo được tổ chức gần đây tại TPHCM. Ảnh: Chánh Trung |
Vừa qua Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (Incham), Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Baker & McKenzie Vietnam, Ernst & Young Vietnam, Marico South East Asia và đại diện nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang hoạt động tại Việt Nam đã có buổi gặp gỡ thảo luận về tình hình đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam hiện nay.
Bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) cho biết, tính đến năm 2020, Ấn Độ xếp hạng 26 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Quốc gia này đang có gần 300 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư ước tính vào khoảng 900 triệu đô la Mỹ, tập trung ở các ngành nghề như công nghiệp sản xuất, năng lượng, khai thác. Trong năm qua, điểm sáng trong thu hút FDI Ấn Độ chính là việc tập đoàn công nghệ HCL công bố chính thức hoạt động tại Việt Nam và dự định đầu tư 650 triệu đô la vào Việt Nam, kèm thêm đào tạo khoảng 10 ngàn lao động trình độ cao trong vòng năm năm tới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12-2020, Ấn Độ có gần 300 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu đô la. |
Ông Robert M.King (Ernst & Young Việt Nam) cho biết Việt Nam đang có nhiều lợi thế so sánh so với các nước trong khu vực về thuế, môi trường đầu tư, chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực. hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các đối tác. Đây là cơ sở rất tốt để các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư lâu dài vào Việt Nam.
Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 10 lần từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, lên hơn 11 tỉ đô la vào năm 2019, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,6 tỉ đô la. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu là yếu tố cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng khi các thị trường phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ cần nắm bắt cơ hội hợp tác trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa nguồn cung để thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Ông Frederick R. Burke (Baker & McKenzie Việt Nam) thì cho rằng khi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế giới được ký kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam. Ông đánh giá Việt Nam là quốc gia có độ tăng trưởng đáng kinh ngạc và sự cởi mở của người dân đem lại những lợi thế về du lịch, người lao động, trở thành điểm đến cạnh tranh trong khu vực. Vì thế đầu tư vào Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi và khả năng phát triển tốt.
Tuy nhiên các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng các khó khăn mà nhà đầu tư Ấn Độ hiện vẫn đang mắc phải khi hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều như sự hiểu biết về pháp luật, rào cản ngôn ngữ, nguồn nhân lực, và cả những tác động của dịch bệnh Covid-19.
Dù tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên Việt Nam đã kiểm soát tốt và hoàn thành “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra. Đồng thời những cải cách mới trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên thân thiện hơn. Từ đây mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới đặc biệt là cho các nhà đầu tư Ấn Độ đang tìm kiếm điểm đến lý tưởng. Các nhà đầu tư Ấn Độ cho biết dù còn gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội cũng như đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới đây.
Quan hệ thương mại, là một trong 5 trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Ấn Độ, đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua. Tổng kim ngạch XNK tăng 2,06 lần từ 5,43 tỉ đô la năm 2016 lên 11,21 tỉ đô la năm 2019; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỉ đô la năm 2016 lên 6,67 tỉ đô la năm 2019. Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, thương mại Ấn Độ - Việt Nam đạt 13,7 tỉ đô la vào năm tài chính 2018-19, trong đó Ấn Độ xuất khẩu 6,5 tỉ đô la và nhập khẩu 7,2 tỉ đô la, thương mại năm 2019-20 có giảm chút ít xuống còn 12,4 tỉ đô la.
Trong năm 2020 xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện có tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực đạt 1,31 tỉ đô la tăng 5,8% so với 1,23 tỉ đô la cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 804 triệu đô la giảm 24,6%; xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 373,78 triệu đô la giảm 47,7%; xuất khẩu kim loại thường và sản phẩm đạt 265,98 triệu đô la giảm 49,4%. Xuất khẩu Chè có bước tăng trưởng đột biến đạt 4,96 triệu đô la, tăng 300,6 % so với cùng kỳ; xuất khẩu hạt điều tăng 21,3%; xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 32,3%; xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 22,6%.
Về lĩnh vực du lịch, hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ phát triển mạnh trong những năm qua, trao đổi khách giữa hai nước tăng nhanh. Giai đoạn 2016-2019, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng trung bình 25% một năm và khách Việt Nam đến Ấn Độ tăng trung bình 17% một năm.
Ấn Độ là thị trường rộng lớn với hơn 1,3 tỉ dân và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2019. Quan hệ hữu nghị truyền thống Ấn Độ - Việt Nam đã phát triển sâu sắc và mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi được nâng cấp lên thành Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016. Mặc dù hai nước có điều kiện tự nhiên tương đồng, nhưng thị trường hai bên có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam có thể xuất khẩu vào Ấn Độ các mặt hàng nông sản, trái cây tươi, thực phẩm chế biến. |