Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Án lệ số 69: khẳng định quyền của trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp NDA

Trần Quốc Thái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - NDA là một thỏa thuận quan trọng nhằm mục đích bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp trong đó quy định hai nhóm nghĩa vụ chính gồm (i) bảo vệ thông tin mật và (ii) không làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Trong trường hợp tranh chấp phát sinh, các bên có thể thỏa thuận chọn trọng tài thương mại để giải quyết. Tuy nhiên, liệu trọng tài thương mại có quyền giải quyết tranh chấp NDA, điều này vẫn còn gây tranh cãi cho đến khi có Án lệ số 69.

Án lệ đã đưa ra câu trả lời

Ngày 1-10-2023, Tòa án Nhân dân tối cao đã công bố bảy án lệ mới, có hiệu lực từ ngày 1-11-2023. Án lệ là những quyết định của Tòa án Nhân dân tối cao về một vụ việc cụ thể, giúp làm rõ quy định còn có cách hiểu khác nhau, hay chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý để các tòa án khác nghiên cứu và áp dụng tính thống nhất.

Đáng chú ý có Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền của trọng tài thương mại (Trọng tài) trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh (Án lệ số 69)(1). Án lệ này dựa trên Quyết định 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12-6-2018 của Tòa án Nhân dân TPHCM.

Bối cảnh vụ việc

Công ty R và bà T ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) và NDA. Theo NDA, bà T cam kết không thực hiện công việc tương tự công việc kinh doanh cạnh tranh với công ty R trong vòng 12 tháng sau khi chấm dứt HĐLĐ, đồng thời tranh chấp phát sinh sẽ được trọng tài giải quyết.

Sau đó, công ty R khởi kiện bà T ra VIAC - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - yêu cầu bồi thường khi bà T vi phạm quy định của NDA sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trọng tài chấp nhận yêu cầu của công ty R. Bà T không đồng ý và yêu cầu Tòa án Nhân dân TPHCM (Tòa án) hủy phán quyết trọng tài. Một trong các căn cứ được bà T đưa ra là vụ tranh chấp không thuộc quyền giải quyết của trọng tài.

Nhận định của tòa án

Trong vụ việc này, tòa án không chấp nhận lý do vụ tranh chấp không thuộc quyền giải quyết của trọng tài vì:

Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài giữa bà T và công ty R là hợp pháp và có giá trị pháp lý. Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 (Luật TTTM 2010), trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Trong vụ việc này, công ty R là thương nhân, có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại theo Luật Thương mại 2005. Do đó, thỏa thuận trọng tài giữa bà T và công ty R có hiệu lực.

Thứ hai, bà T không phản đối quyền của trọng tài trong suốt quá trình tố tụng trọng tài. Theo Luật TTTM 2010, bị đơn có quyền phản đối quyền của trọng tài nếu cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài. Trong vụ việc này, bà T cho rằng vụ tranh chấp là tranh chấp lao động, thuộc thẩm quyền của tòa án. Tuy nhiên, bà T không đưa ra bất cứ phản đối nào về quyền của trọng tài trong suốt quá trình tố tụng. Do đó, có thể hiểu rằng bà T đã đồng ý với quyền giải quyết của trọng tài.

Án lệ số 69 đã đưa ra “đáp số” cho bài toán xác định quyền giải quyết của Trọng tài đối với tranh chấp NDA được ký kết giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ ba, NDA là thỏa thuận độc lập với HĐLĐ. Bà T cho rằng NDA là một phần không thể tách rời của HĐLĐ. Tuy nhiên, tại phiên xử của VIAC, luật sư của bà T đã khẳng định lại quan điểm NDA là một thỏa thuận độc lập với HĐLĐ. Do đó, tòa án xác định NDA là một thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc quyền giải quyết của trọng tài.

Nội dung Án lệ số 69

Dựa trên nhận định của tòa án, người viết cho rằng, kết luận pháp lý sau có giá trị pháp lý đối với tòa án các cấp: Trường hợp có tranh chấp về thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh (NDA) giữa người sử dụng lao động và người lao động, có thỏa thuận trọng tài, trong đó nếu người sử dụng lao động là thương nhân, có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại theo Luật Thương mại năm 2005, đồng thời một bên không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của trọng tài trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, thì xác định NDA là một thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài như sự lựa chọn của các bên từ khi ký kết.

Như vậy, Án lệ số 69 đã đưa ra “đáp số” cho bài toán xác định quyền giải quyết của trọng tài đối với tranh chấp NDA được ký kết giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Tranh chấp liên quan đến NDA được gỡ rối “một phần”

Trước khi Án lệ số 69 tồn tại

Phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, giúp giải quyết dứt điểm tranh chấp. Nếu một bên không muốn thi hành thì chỉ có cách yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, để hủy phán quyết trọng tài thì phải có lý do được quy định tại điều 68.2 Luật TTTM 2010, trong đó, đáng chú ý là “Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài”.

Trước khi có Án lệ số 69, có quan điểm cho rằng điều 187 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 (trước đó là điều 200 BLLĐ 2012) không trao quyền cho trọng tài giải quyết “tranh chấp lao động” cá nhân. Quyền này chỉ thuộc về Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, và tòa án nhân dân. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng tranh chấp NDA là một loại tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Do pháp luật lao động đã quy định rõ ba phương thức giải quyết tranh chấp, nên các bên không thể có lựa chọn nào khác, kể cả trọng tài.

Ngược lại, có nhiều người ủng hộ quyền giải quyết của trọng tài. Điều 2.2 Luật TTTM 2010 quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu trong tranh chấp có ít nhất một bên tham gia hoạt động thương mại. Điều này có nghĩa là, chỉ cần một bên có hoạt động thương mại, bất kể tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực nào, kể cả lao động, đều có thể được giải quyết bằng trọng tài. Do đó, tranh chấp NDA thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài vì người sử dụng lao động (NSDLĐ) là chủ thể có hoạt động thương mại.

Gỡ rối “một phần” - Trọng tài thương mại được quyền giải quyết

Trước đây, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết tranh chấp NDA của trọng tài. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong thực tiễn xét xử. Án lệ số 69 đã đưa ra hướng xử lý, xác định NDA “độc lập” với HĐLĐ. Điều này đồng nghĩa, tranh chấp NDA không bị giới hạn bởi ba phương thức giải quyết tranh chấp theo pháp luật lao động.

Đáng tiếc, Án lệ số 69 lại chưa đưa ra tiêu chí, cách thức và điều kiện để xác định “tính độc lập của NDA so với HĐLĐ”. Trong tình huống Án lệ, có vẻ tòa án xác định sự “độc lập” này dựa vào lập luận của một bên: “Luật sư của bà T đã khẳng định lại quan điểm NDA hoàn toàn độc lập với các Hợp đồng lao động giữa công ty R và bà T. Do đó, Hội đồng xét đơn xác định thỏa thuận NDA là một thỏa thuận độc lập…”?!

Trong thực tế, việc xác định liệu NDA có độc lập với HĐLĐ hay không vẫn còn nhiều quan điểm tranh cãi. Điều này dẫn đến câu hỏi, liệu các điều khoản trong NDA có thể ảnh hưởng đến kết luận về thẩm quyền giải quyết của trọng tài theo Án lệ số 69 không?

“Độc lập” theo nghĩa của từ điển tiếng Việt là “tự một mình tồn tại, hoạt động, không nương tựa hoặc phụ thuộc vào ai, vào cái gì khác”(2). Trong khoa học pháp lý, tính “độc lập” của một văn bản, thỏa thuận được hiểu rằng một mình văn bản, thỏa thuận đó là riêng biệt, có đủ hiệu lực pháp lý ràng buộc các bên tham gia, không phụ thuộc thêm bất kỳ một văn bản nào khác. Để xem xét tính “độc lập” của NDA trong bối cảnh tồn tại quan hệ lao động, người viết xét hai trường hợp sau:

Thứ nhất, theo điều 21.2 BLLĐ 2019, doanh nghiệp có quyền thỏa thuận với NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ về việc không tiết lộ bí mật này. Thỏa thuận không tiết lộ bí mật này có thể được quy định trong HĐLĐ hoặc bằng văn bản khác tách biệt với HĐLĐ. Chúng ta không xét trường hợp NDA là các điều khoản thuộc HĐLĐ vì đã rõ sự “không độc lập” giữa hai đối tượng này. Xét riêng trường hợp NDA là một văn bản riêng, theo quan điểm của người viết, có thể dựa vào thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xác định khi nào thì NDA “độc lập” với HĐLĐ.

Trong thời hạn thực hiện HĐLĐ, NDA là một phần không tách rời của HĐLĐ, ghi nhận thỏa thuận về nghĩa vụ của NLĐ khi thực hiện HĐLĐ. Hơn nữa, vi phạm nghĩa vụ bảo mật còn được coi là hành vi vi phạm pháp luật lao động theo điều 4.3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH. Do đó, việc bảo mật thông tin được coi là có liên quan trực tiếp đến việc giao kết và thực hiện HĐLĐ. Điều này cho thấy mối liên hệ giữa NDA và HĐLĐ là không thể phủ nhận.

Ngược lại, trường hợp NLĐ vi phạm thỏa thuận sau khi chấm dứt HĐLĐ, theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường với trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan. Dù quan hệ lao động đã chấm dứt, nhưng một bên vẫn có quyền dân sự đối với bên vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự.

Người viết thấy rằng, chính quy định trên phần nào đã làm cho NDA trở nên “độc lập” với HĐLĐ và do đó, các tranh chấp phát sinh từ NDA sau khi đã chấm dứt quan hệ lao động có thể là tranh chấp dân sự hoặc thương mại, không còn là tranh chấp lao động thuần túy.

Thứ hai, về nội dung thỏa thuận không làm việc cho đối thủ cạnh tranh trong NDA, pháp luật lao động Việt Nam chưa có quy định cụ thể. Án lệ số 69 cũng chưa đưa ra tiêu chí nào để xác định thỏa thuận này có “độc lập” với HĐLĐ hay không. Vậy, liệu chúng ta có thể coi quan hệ giữa các bên trong NDA là quan hệ lao động phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa NLĐ, NSDLĐ hay không?

Câu trả lời là không chắc chắn. Nếu tính về thời điểm ký NDA, trường hợp thỏa thuận được ký kết trước khi có quan hệ lao động có khả năng được coi là giao dịch dân sự hơn, vì lúc đó hai bên tự do thỏa thuận với nhau, không bị ràng buộc hoàn toàn bởi quan hệ lao động. Nếu tính ở thời điểm tranh chấp, thì phần lớn tranh chấp NDA chỉ phát sinh khi quan hệ lao động chấm dứt. Một khi HĐLĐ chấm dứt thì giữa các bên không còn tồn tại quan hệ lao động. Như vậy, quan hệ giữa các bên trong NDA khó được coi là quan hệ lao động.

(1) https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet?dDocName=TAND313970
(2) Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn Ngữ học, NXB Đà Nẵng 2003

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới