Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

An toàn hàng không phải bền vững từ gốc

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hai tuần sau khi công bố chỉ số an toàn hàng không Việt Nam cao hơn mức trung bình thế giới(1), một sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi hai máy bay hành khách có nguy cơ đâm vào nhau do nhầm lẫn của đài không lưu. Nguyên nhân nhầm lẫn do số hiệu của máy bay gần giống nhau - một tình trạng đã được cảnh báo từ năm ngoái nhưng chưa được xử lý.

Sự cố xảy ra hôm 19-6 do kiểm soát viên không lưu Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh ra lệnh nhầm cho một máy bay phải điều chỉnh độ cao để tránh máy bay khác. Lý do để xảy ra sự nhầm lẫn là thời điểm đó trong khu vực kiểm soát có hai máy bay mang số hiệu (call sign) HVN 1575 và HVN 1557.

Kiểm soát viên không lưu đã ra lệnh nhầm yêu cầu máy bay HVN 1575 thay đổi độ cao trong khi đúng ra phải là máy bay HVN 1557. Do lệnh này, sau khi đổi độ cao thì máy bay HVN 1575 và máy bay Vietjet số hiệu VJC 244 bay ngược chiều nhau nhưng lại trên cùng độ cao và chỉ còn cách nhau 15 ki lô mét. May mắn là nhờ hệ thống cảnh báo cả trên đài không lưu lẫn trên máy bay đều báo động sớm, hai máy bay đã tránh được nhau kịp thời(2).

Đây không phải là lần đầu sự cố nhầm lẫn này xảy ra.

Cách đây một năm, vào tháng 6-2023, tại sân bay Nội Bài cũng đã xảy ra vụ máy bay của hãng Thai Air Asia cất cánh đang ở tốc độ 235 ki lô mét/giờ thì lại có một máy bay khác đáp xuống và chạy cắt ngang đường băng cất cánh. Nguyên nhân sự cố này là do phi công của Thai Air Asia làm sai lệnh nhưng đài kiểm soát sân bay Nội Bài lại không phát hiện kịp thời để ngăn chặn. May mắn là máy bay cất cánh đã lên kịp độ cao đủ tránh va chạm với máy bay đang hạ cánh.

Nguy cơ nhầm lẫn số hiệu máy bay không phải là mới. Cách đây gần một năm, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific, Vietravel về thực hiện giải pháp giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn các chuyến bay có số hiệu gần giống nhau.

Theo thống kê của VATM, tình trạng phổ biến là số hiệu chuyến bay có tên hãng hàng không khác nhau nhưng phần số lại giống hoặc gần giống nhau như HVN 123 và BAV 123 hoặc tên gọi các chuyến bay cùng một hãng hàng không nhưng các số giống nhau hoặc gần giống nhau, các số có cách phát âm gần giống nhau như HVN 7344 và HVN 1344, HVN 1351 và HVN 1531.

Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra, Cục Hàng không đề nghị các hãng hàng không Việt Nam rà soát việc lập kế hoạch và lịch bay, không để các chuyến bay có số hiệu tương tự, dễ nhầm lẫn hoạt động cùng thời gian, trong cùng vùng kiểm soát.

Cũng trong văn bản nói trên, Cục Hàng không đề nghị phải có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi số hiệu đối với các chuyến bay có tên gọi gần giống nhau để giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn và nâng cao khả năng đảm bảo an toàn bay.

Việc hai chuyến bay số hiệu HVN 1575 và HVN 1557 trong vụ sự cố nói trên xuất hiện trong cùng khung giờ và không phận sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy, khuyến cáo của Cục Hàng không Việt Nam dường như chưa được quan tâm đúng mức để thực hiện ngay.

Để an toàn hàng không bền vững thì không chỉ dừng lại ở mức đề nghị mà phải giải quyết tận gốc. Chẳng hạn, Cục Hàng không phải buộc các hãng bay thực thi ngay quy định về sửa đổi số hiệu máy bay, không để gây nhầm lẫn như trường hợp HVN 1575 và HVN 1557 trong vụ sự cố nói trên.

(1) https://www.vietnamplus.vn/chi-so-an-toan-hang-khong-cua-viet-nam-cao-hon-muc-trung-binh-cua-the-gioi-post957440.vnp

(2) https://tuoitre.vn/khong-luu-nham-so-hieu-chuyen-bay-2-may-bay-vi-pham-phan-cach-an-toan-20240621212257486.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới