(KTSG Online) - Một số cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, tổ chức giao thông chưa hợp lý dẫn đến dễ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào một nguyên nhân tai nạn khác là tình trạng lái xe không an toàn trên cao tốc đang tăng nhanh và cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này.
Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn hôm 18-2 vừa qua khiến người mẹ cùng hai con tử vong bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông ở một số đoạn cao tốc. Tuy nhiên, tai nạn trên cao tốc ngoài nguyên nhân do “con đường”, còn có hai nguyên nhân do “con người” gây ra, đó là nạn tài xế chạy ẩu và tình trạng người lái xe thiếu kỹ năng chạy trên đường cao tốc.
Chỉ trong ba năm gần đây đã có thêm khoảng một ngàn cây số đường cao tốc được đưa vào sử dụng, nhiều nhất là các đoạn thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông (CT.01) tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Mạng lưới cao tốc xuất hiện nhanh và nhiều tạo thuận lợi cho giao thông nhưng cũng đặt ra vấn đề mới cần chú trọng: kỹ năng lái xe trên đường cao tốc.
Khác với các nước phát triển, chương trình dạy lái xe hơi ở Việt Nam không có phần dành riêng cho hướng dẫn các biện pháp an toàn phải tuân thủ và các kỹ năng cần biết khi lái xe trên cao tốc. Điều này cũng dễ hiểu vì chương trình dạy lái xe đã có cách đây khá lâu, khi cao tốc còn rất ít và lái xe hơi vẫn còn được xem là công việc của tài xế chuyên nghiệp.
Trong ba năm gần đây thì mọi việc thay đổi khá nhanh, ngày càng có nhiều người dân biết lái xe và mua xe tự lái hoặc thuê xe để tự lái. Những dịp nghỉ lễ, tết dài ngày là thời điểm các tài xế gia đình này lái xe về quê, đi du lịch và tất nhiên là đa số sẽ chọn đi cao tốc cho thoải mái.
Ngoài một số trường hợp tai nạn trên cao tốc do cố tình lái ẩu, việc thiếu kỹ năng lái xe trên cao tốc do tài xế không được hướng dẫn trong quá trình học và thi bằng lái là vấn đề cần sớm giải quyết.
Lái xe trên đường cao tốc đòi hỏi người lái phải tập trung cao độ và phản xạ nhanh với tình huống phát sinh để tránh xe khác va quẹt. Ngoài việc phải quan sát bảng báo, vạch kẽ đường khi xe chạy với tốc độ cao, tài xế còn gặp phải những yếu tố gây khó quan sát như lái xe vào buổi tối mà không có đèn đường hay khi gặp trời mưa lớn xối xả như trút nước, nhất là mưa vào ban đêm.
Ngoài những kỹ năng căn bản như vậy, lái xe trên đường cao tốc còn đòi hỏi phải nắm vững những quy tắc an toàn như giữ khoảng cách an toàn với xe trước, kỹ năng khi vượt xe, khi chuyển làn, hay dừng xe nếu chẳng may bị trục trặc máy móc, bánh xe bị xẹp phải thay chẳng hạn.
Người cầm lái trên đường cao tốc còn phải nắm vững những kiến thức bổ sung khác như về “điểm mù” của xe tải nặng, xe container để vượt an toàn.
Không ít người chủ quan cho rằng mình đã chạy xe thành thạo thì có thể lái xe ở bất cứ nơi đâu, nhưng thực tế lại khác xa. Chạy xe hơi trong thành phố thường phải tập trung quan sát xe gắn máy và không thể chạy quá nhanh. Vì vậy, việc chuyển làn nhiều lúc không cần giữ khoảng cách lớn với xe phía sau, kể cả khi chạy ẩu tạt đầu thì xe sau vẫn có thể thắng kịp để nhường.
Khi lái xe trên cao tốc, một số tài xế vẫn giữ thói quen chuyển làn ở khoảng cách quá gần với xe phía sau nên va quẹt là khó tránh khỏi. Đó là chưa kể nếu tạt đầu xe tải nặng, xe container thì xác suất va quẹt cao hơn nhiều vì các xe này vừa có nhiều “điểm mù”, vừa khó thắng xe đứng lại được ở khoảng cách gần như xe con.
Một thói quen rất xấu khác là các xe cứ bám sát nhau trên cao tốc dẫn đến các vụ đụng “dồn toa” có khi đến hàng chục xe một lúc. Không ít trường hợp khi xe sau cố ý chạy chậm lại để giữ khoảng cách an toàn thì ngay lập tức có xe chuyển làn “điền vào chỗ trống”.
Cả ba nguyên nhân dẫn đến tai nạn do thiết kế đường cao tốc, tài xế chạy ẩu và tài xế thiếu kỹ năng cần giải quyết đồng bộ.
Sau nhiều vụ tai nạn trên cao tốc gần đây, hôm 20-2, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu rà soát lại phương án tổ chức giao thông theo hướng tối ưu với điều kiện hạ tầng hiện có.
Đối với tài xế chạy ẩu trên cao tốc, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu sửa các quy định xử phạt theo hướng cứng rắn hơn, bao gồm cả kéo dài thời hạn tước bằng lái và tăng mức tiền phạt, đồng thời gia tăng việc phạt nguội qua camera.
Song song đó cần tăng cường kiểm tra việc bắt buộc tất cả hành khách phải thắt dây an toàn, phạt nặng cả hành khách lẫn tài xế vi phạm. Hiện nay tuy luật có quy định bắt buộc nhưng rất nhiều hành khách ngồi các hàng ghế sau thường không thắt dây an toàn. Trong khi đó, theo thống kê, thắt dây an toàn có thể giảm tới 45% chấn thương nghiêm trọng và giảm tới 75% rủi ro tử vong.
Quan trọng nhất vẫn là việc bổ sung kiến thức, kỹ năng lái xe trên cao tốc vì tài xế có đủ kỹ năng lái xe an toàn sẽ hạn chế được tai nạn xảy ra. Đây là việc mà mỗi người lái xe có thể tự làm được ngay vì sự an toàn cho bản thân và người đi chung xe. Người lái xe cần tìm hiểu các hướng dẫn cách "lái xe phòng thủ" (defensive driving) để bảo vệ an toàn, tránh va quẹt tối đa khi chạy xe.
Mong là các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp để đưa ra các chương trình hướng dẫn một cách bài bản và dễ áp dụng để giúp người dân phổ cập kỹ năng lái xe an toàn trên cao tốc như một giải pháp góp phần hạn chế tai nạn.
Ngoài ra, cũng cần sớm bổ sung phần dạy kỹ năng chạy xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe hơi để phù hợp với điều kiện đường cao tốc đã trở thành phổ biến hiện nay.
Chương trình dạy lái xe hơi của Việt Nam thiếu những hướng dẫn dễ nhớ, dễ áp dụng. Tài liệu của Việt Nam khuyến cáo tài xế phải ước lượng đang chạy tốc độ bao nhiêu thì phải giữ khoảng cách an toàn với xe chạy trước là bao nhiêu mét, cách này vừa khó nhớ vừa khó áp dụng vì ước lượng khoảng cách khi xe đang chạy tốc độ cao là việc không dễ chút nào.
Trong khi đó, tài liệu của Mỹ đơn giản và dễ áp dụng hơn nhiều, đó là “quy tắc 4 giây”: không cần quan tâm đến tốc độ xe, khi xe trước chạy qua một điểm mốc (chẳng hạn như bảng báo bên đường hay vạch sơn trên mặt đường) thì tài xế xe sau bắt đầu đếm 1001, 1002, 1003… nếu đếm đến 1004 xe sau mới qua điểm mốc thì hai xe cách nhau đủ an toàn. Ở khoảng cách này, xe sau có 4 giây để thắng trong mọi tình huống mà không sợ đụng vào đuôi xe trước.
Tương tự, khi cần chuyển làn thì tài xế xe trước nhìn kính chiếu hậu giữa (trong xe). Khi đầu xe sau xuất hiện hoàn toàn trong kính chiếu hậu giữa thì đủ khoảng cách chuyển làn an toàn.
Đơn giản thôi. Đối với công việc, chuyển từ “LÀM CHO CÓ” sang “LÀM CHO CHUẨN”. Đối với con người, từ chỗ “TINH TƯỚNG” sang “TINH TẤN”.
Mọi thứ bây giờ sao có vẻ mù mờ quá. Đường sá, không những chất lượng kém, mà còn lẫn lộn với đường ngang, lối tắt, khó an toàn trên xa lộ. Ngay chuyện phạt nguội, người đi xe cũng không rõ vi phạm chỗ và lúc nào ? Ở nước người, luôn có bảng thông báo to và rõ “camera here”, còn ta thì không biết đường nào mà lần ? Công khai, minh bạch, tiện lợi, khi nào mới chuẩn hóa được ?