Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ảnh hưởng vĩ mô – thị trường bước vào nhịp chỉnh?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau chuỗi tăng kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến nay đã bắt đầu xuất hiện tín hiệu phân phối và điều chỉnh trong những phiên gần đây. Các nhà đầu tư lo ngại gì?

Với chuỗi tăng dài từ đầu tháng 11 năm ngoái đến nay của thị trường, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh hàng chục phần trăm và trong trạng thái quá mua liên tục, dễ dẫn đến các hoạt động chốt lời. Ảnh: LÊ VŨ

Điều chỉnh trước kháng cự

Xanh đầu phiên, giảm mạnh về cuối phiên và đóng cửa trong sắc đỏ là diễn biến quen thuộc của TTCK Việt Nam trong những phiên gần đây. Đơn cử như phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước (8-3-2024), chỉ số VN-Index dù có lúc tăng sáu điểm nhưng sang phiên chiều bất ngờ đảo ngược rớt mạnh và đóng cửa giảm hơn 21 điểm, gần 1,7%. Diễn biến tương tự tiếp tục lặp lại trong phiên đầu tuần này (11-3), khi VN-Index cũng có lúc tăng bảy điểm vào đầu phiên nhưng kết thúc vẫn giảm gần 12 điểm, gần 1%.

Như vậy, chỉ trong hai phiên giảm mạnh liên tiếp nói trên, VN-Index đã mất xấp xỉ 33 điểm. Đáng chú ý là khối lượng giao dịch cũng tăng vọt, đặc biệt trong phiên ngày 8-3 khi có đến hơn 1,3 tỉ cổ phiếu được sang tay trên sàn HOSE, đánh dấu ngày có thanh khoản cao nhất trong năm tháng rưỡi qua. Các phiên giảm mạnh cùng thanh khoản tăng cao mang nhiều tín hiệu phân phối rõ ràng, khiến các nhà đầu tư lo ngại thị trường đã bước vào nhịp điều chỉnh.

Với chuỗi tăng dài từ đầu tháng 11 năm ngoái đến nay của thị trường, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh hàng chục phần trăm và trong trạng thái quá mua liên tục, dễ dẫn đến các hoạt động chốt lời. Theo các chuyên gia phân tích, thực tế thị trường đã bắt đầu xuất hiện tín hiệu phân phối từ khoảng hai tuần trước với thanh khoản đột biến. Nhịp kéo rướn hai tuần qua tập trung chủ yếu ở các trụ và dần có tín hiệu suy yếu, thể hiện qua điểm số không tăng thêm được bao nhiêu và ngày càng đuối dần về cuối phiên.

Thực tế nhóm ngân hàng - nhóm dẫn sóng thị trường thời gian qua - đã có dấu hiệu phân phối trong ngắn hạn. Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán dường như cũng suy yếu và kiệt sức sau màn bứt tốc gần đây.

Còn theo góc nhìn kỹ thuật, vùng 1.280 điểm là ngưỡng kháng cự mạnh, khi tương ứng với mốc 61,8% của chỉ báo Fibonacci Retracement kéo từ đỉnh cao đạt được vào đầu tháng 4-2022 về vùng đáy của tháng 11-2022. Đây cũng tiệm cận với đường kháng cự trên của kênh xu hướng tăng thiết lập từ tháng 11 năm ngoái đến nay, do đó áp lực bán tăng mạnh tại vùng giá này đẩy thị trường điều chỉnh trở lại cũng là điều bình thường.

Đáng lưu ý, các hoạt động chốt lời diễn ra khi đang có nhiều thông tin tích cực, từ việc Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường ngay trong năm 2025, đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào vận hành chính thức đến việc các doanh nghiệp niêm yết liên tục công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, mục tiêu tăng vốn, chia cổ tức được hé lộ trước thềm đại hội đồng cổ đông sắp diễn ra hàng loạt trong hai tháng tới.

Áp lực tỷ giá, lãi suất

Nhưng nhà đầu tư cũng có lý do lo ngại trước một số dữ liệu vĩ mô đang có dấu hiệu chuyển biến tiêu cực trở lại.

Tỷ giá đã liên tục đi lên trong hai tháng qua, đặc biệt tăng nhanh từ đầu tháng 3 đến nay. Giá bán đô la Mỹ trên thị trường tự do đầu tuần này đã leo lên mức 25.700/đô la, cao nhất từ trước đến nay, đồng thời kéo mức tăng so với đầu năm nay lên xấp xỉ 3,8%. Giá niêm yết tại các ngân hàng cũng đi lên dù ghi nhận mức tăng khiêm tốn hơn, gần 1,6% so với đầu năm.

Tỷ giá leo thang gây áp lực lên TTCK là điều từng diễn ra trong quá khứ, khi không chỉ làm gia tăng rủi ro tỷ giá đối với các doanh nghiệp vay ngoại tệ hoặc phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên - nhiên liệu nhập khẩu, mà còn ảnh hưởng đến chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong phiên giảm mạnh thứ Sáu tuần trước, khối ngoại bán ròng 640 tỉ đồng trên cả ba sàn.

Tỷ giá tăng cũng tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất. Dù thanh khoản hệ thống nhìn chung vẫn dồi dào, tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm nay (đến ngày 16-2) vẫn đang ghi nhận mức âm 1%, nhưng đã xuất hiện động thái tăng lãi suất tiết kiệm đơn lẻ tại một vài ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sau thời điểm tăng đột biến trong những ngày cuối tháng 2, với lãi suất qua đêm vượt mốc 4% hôm 21-2, dù gần đây đã giảm trở lại về quanh 1,5% nhưng rõ ràng vẫn cao hơn nhiều nếu so với mốc 0,1-0,2% giai đoạn cuối năm 2023 - đầu 2024.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ hút tiền qua kênh phát hành tín phiếu sau bốn tháng tạm dừng. Cụ thể, vào ngày 11-3, nhà điều hành đã phát hành gần 15.000 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo hình thức bán hẳn và theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Ngày 12-3, phát hành tiếp gần 15.000 tỉ đồng tín phiếu cùng kỳ hạn.

Động thái phát hành tín phiếu của nhà điều hành có nét tương đồng so với hồi tháng 9 năm ngoái khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng cũng đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào với tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Theo đó, mục đích phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước có lẽ nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn. Dù vậy, động thái này nếu tiếp tục kéo dài rõ ràng sẽ gây áp lực ngắn hạn lên thanh khoản hệ thống và tác động đến mặt bằng lãi suất.

Ngoài ra, lạm phát tháng 2 cũng có dấu hiệu tăng nhanh hơn do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 2-2024 là tháng có Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2024 tăng 1,04% so với tháng trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước.

Trước các dấu hiệu tiêu cực về tỷ giá, lãi suất, lạm phát trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm, rủi ro nợ xấu tiếp tục gia tăng, TTCK nói chung và đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng rõ ràng đã chịu tác động tiêu cực. Thực tế nhóm ngân hàng - nhóm dẫn sóng thị trường thời gian qua - đã có dấu hiệu phân phối trong ngắn hạn. Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán dường như cũng suy yếu và kiệt sức sau màn bứt tốc gần đây.

Cụ thể, chỉ số giá cổ phiếu nhóm ngân hàng đã có đến bảy phiên giảm trong vòng tám phiên giao dịch từ ngày 29-2 đến 11-3, trong đó có bốn phiên giảm liên tiếp là ngày 6,7,8 và 11-3. Riêng hai phiên thị trường giảm mạnh là 8-3 và 11-3, chỉ số giá cổ phiếu nhóm ngân hàng rớt hơn 3,5%. Là nhóm có vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số chung, sự lao dốc của cổ phiếu ngân hàng rõ ràng đã gây ảnh hưởng kéo thị trường chung đi xuống và tác động tiêu cực lên các nhóm khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới