Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Áo Bà Ba: Sự kết nối để giữ gìn bản sắc văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế

Như Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sinh ra, trưởng thành, học tập, làm việc rồi thành danh ở nhiều miền đất khác nhau của Việt Nam và nước ngoài, thẩm thấu những nền văn hóa khác nhau nhưng khi nói về chiếc áo bà ba, mười diễn giả của buổi giao lưu văn hóa “Áo Bà Ba Xưa và Nay: Những cung bậc cảm xúc” đều có cùng một cảm nhận, áo bà ba đẹp, gợi cảm và vẻ đẹp đó cần được gìn giữ, phát huy vì nó chính là hồn cốt văn hóa Nam bộ để tạo ra sức mạnh cho sự phát triển văn hóa, xã hội và kinh tế.

Nhiều câu chuyện về chiếc áo bà ba đã được các diễn giả chia sẻ qua nhiều góc nhìn của mỗi thế hệ với những cảm xúc khác nhau, nhưng những người dự khán buổi giao lưu vẫn cảm nhận được rằng dù xã hội đang ngày càng phát triển theo hướng hiện đại thì chiếc áo mộc mạc này vẫn luôn được gìn giữ, nâng niu để có thể gắn kết giữa quá khứ với hiện tại, truyền thống và thời trang, để được lưu giữ như một di sản văn hóa cho muôn đời sau.

Vẻ đẹp tự thân và vĩnh cửu

Mở đầu buổi giao lưu, nhà nghiên cứu văn hóa HUỲNH NGỌC TRẢNG – “bảo chứng” cho những công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa nghệ thuật Nam bộ, vẫn đầy nhiệt huyết cho rằng ngay từ khi mới xuất hiện, chiếc áo bà ba, tự thân nó đã mang một vẻ đẹp vĩnh cửu.

Theo ông, văn hóa Nam bộ đã hình thành và phát triển cùng với vùng đất này từ hơn 300 năm qua. Các thực thể văn hóa luôn biến thiên khi xã hội tiếp nhận một nền văn hóa mới, để làm cho cuộc sống phong phú hơn. Nhưng cũng có những thực thể văn hóa được điều chỉnh, được biến đổi để thích ứng, để phù hợp với xu thế mới. “Cuối thế kỷ 19, cộng đồng người Hoa lai Malaysia (còn gọi là cộng đồng người bà ba) di cư đến Nam kỳ để sinh sống, làm nghề xây dựng và buôn bán lúa gạo. Họ mang theo loại trang phục giản dị, phù hợp với công việc của mình đến vùng đất mới và lạ thay nó cũng phù hợp với cộng đồng người Việt. Chiếc áo đó, với vẻ đẹp dung dị của nó đã tồn tại và được lưu truyền đến tận hôm nay – chiếc áo bà ba”, ông nói.

Tiến sĩ NGUYỄN NAM, giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Đông Á, cho rằng chiếc áo bà ba dù xuất hiện từ bao giờ và xuất xứ từ đâu thì đến nay nó vẫn đang tồn tại và là “sản phẩm” của chính người Việt. Chiếc áo rất đơn sơ và mộc mạc nhưng khi được khoác lên mình, nó sẽ làm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ.

“Người phụ nữ trong trang phục bà ba, lộ ra chiếc cần cổ cao cao, thanh tú, vừa kín đáo vừa gợi cảm. Đẹp vô cùng!”, tiến sĩ Nguyễn Nam nói và khẳng định chiếc áo bà ba là “duy nhất”, là “thuộc về” người dân và nền văn hóa Nam bộ.

Nhà văn XUÂN PHƯỢNG đồng tình với nhận định của tiến sĩ Nguyễn Nam. Bà kể, năm 1972 nữ minh tinh Hollywood Jane Fonda sang thăm Việt Nam để ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Lúc đó, nhà văn được giao nhiệm vụ tư vấn trang phục cho ngôi sao Hollywood. Jane Fonda vốn không muốn có khoảng cách – kể cả khoảng cách trong trang phục với những nơi bà sẽ đến, với những người bà sẽ tiếp xúc. Nhà văn đã đưa nữ minh tinh đi may 3-4 bộ áo bà ba. Jane Fonda rất thích. Suốt thời gian ở Việt Nam, bà luôn “diện” áo bà ba để đi thăm quân dân ở các chiến trường, tiếp xúc với báo chí quốc tế, cũng như gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam. “Là phụ nữ ngoại quốc nhưng khi khoác lên mình chiếc áo bà ba, Jane Fonda trông thật quyến rũ và gần gũi”, nhà văn hồi tưởng.

Còn với vùng đất Nam bộ, khi nhìn thấy những người con gái trong chiếc áo bà ba duyên dáng, bà ví von: “Đẹp như những cánh bướm đầy sắc màu, đem lại sự bình an cho vùng sông nước hiền hòa này”.

Là học sinh miền Nam, học tập và làm việc ở miền Bắc, NSND TRÀ GIANG ít có cơ hội tiếp cận với chiếc áo bà ba nhưng chiếc áo ấy luôn tồn tại trong sâu thẳm tâm trí bà qua chính hình ảnh người mẹ của mình. Bà tâm sự: “Mẹ tôi suốt một đời chỉ mặc áo bà ba. Hôm nay tôi lại được trở về với miền ký ức ấy và cảm nhận rõ ràng hơn vẻ đẹp mộc mạc của nó”.

Bà kể, khi được chọn vào vai chị Tư Hậu trong bộ phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, suốt sáu tháng làm phim bà luôn mặc áo bà ba. Có thể nói, bà là người đầu tiên đưa chiếc áo bà ba từ đời thường lên màn bạc, và cùng với bộ phim “Chị Tư Hậu” áo bà ba đã ra với thế giới. Đến sau này, khi tham gia “Huyền thoại người mẹ”, “Dòng sông hoa trắng” hay “Vĩ tuyến 17 – Ngày và đêm” – bộ phim giúp bà đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow năm 1973, hình ảnh và tên tuổi của NSND Trà Giang luôn gắn liền với chiếc áo bà ba.

“Trên phim ảnh và cả trong cuộc sống, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn đẹp giản dị. Với chiếc áo bà ba, họ kiên cường trước quân thù mà lại hiền hậu trong đời thường”, NSND thổ lộ.

Thạc sĩ LÊ MINH TIẾN, giảng viên trường Đại học Mở TPHCM, trong lần thứ hai được mặc áo bà bà ba thì lại nhớ về người bà của mình. Anh được người dẫn chuyện trong buổi giao lưu, chuyên gia truyền thông-nhà báo Vũ Mạnh Cường ví như “người nổi loạn” khi anh kể lại câu chuyện mình đã từng “dám” mặc chiếc áo bà ba của bà nội để đến trường trong một buổi học phụ đạo cho kỳ thi cuối cấp.

Theo thạc sĩ Lê Minh Tiến, có những thứ thuộc về văn hóa luôn bất biến vì nó là cái tạo nên hồn cốt, căn tính, bản sắc của một nền văn hóa. “Chiếc áo bà ba là một trong những thứ tạo nên vẻ đẹp, tạo nên hồn cốt văn hóa của Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng, xác định ranh giới văn hóa quốc gia với các nền văn hóa khác, không bao giờ thay đổi”, thạc sĩ Lê Minh Tiến nói.

Văn hóa “nhân hậu” là động lực để phát triển kinh tế “có hậu” và bền vững

Tiến sĩ BÙI CHÍ TRUNG, người có gần 55 năm sinh sống và làm việc ở đất nước mặt trời mọc, hiện là Giáo sư Đại học Aichi Shukutoku, Nhật Bản nhấn mạnh sự gắn kết và tầm quan trọng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của một quốc gia nói chung, một tỉnh thành nói riêng.

“Mỗi làng quê mỗi sản phẩm” (One Commune One Product-OCOP) là một khái niệm cần được nghiên cứu. Và ông cho rằng, Hậu Giang với Festival Áo Bà Ba sắp diễn ra vào cuối tháng 9-2023 có thể xem xét OCOP như là một cơ hội để tạo ra thương hiệu riêng cho Hậu Giang: sử dụng sợi lá khóm để dệt vải may áo bà ba, biến chiếc áo này thành một “Fashion Products”, như Philippines đã từng có loại áo quốc phục (Baron Tagalog) dệt bằng sợi lá dứa cùng với sợi gai, sợi tơ rất nổi tiếng, thông dụng và đắt tiền; hoặc như ở Okinawa (miền nam Nhật Bản) có truyền thống dệt áo Kimono bằng sợi lá chuối, được bán với giá 2.000-3.000 đô la Mỹ/chiếc…

“Tuy nhiên, OCOP ở đây phải là sản phẩm tốt nhất (The Best One), không nơi nào có được. Khóm Hậu Giang phải là khóm ngon nhất và áo bà ba được may từ vải sợi lá khóm phải là áo bà ba đẹp nhất, tốt nhất. Có như vậy chúng ta mới có thể vừa phát triển kinh tế vừa quảng bá chiếc áo bà ba ra thị trường thế giới”, tiến sĩ Bùi Chí Trung nói. “Hy vọng Hậu Giang không chỉ là dòng sông ở phía sau, mà trong tương lai Hậu Giang sẽ là vùng đất phúc hậu, con người nhân hậu và cuộc sống có hậu”.

Tiến sĩ ETHAN C. BROWN, giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, tâm sự: “Mỗi lần tìm hiểu về văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của Việt Nam, tôi luôn ngạc nhiên và tràn đầy cảm hứng tính cực vì tính sáng tạo, tính cộng hưởng và sự giao thoa của nó”.

Là một người Mỹ gốc Anh, tiến sĩ Ethan C. Brown cho rằng: “Tổ tiên chúng tôi cũng đã từng có những truyền thống, những giá trị văn hóa đặc trưng. Nhưng nhiều giá trị văn hóa lâu đời đó đã dần biến mất. Tôi cảm thấy buồn vì đó là những mất mát lớn và rất lo lắng không biết phải làm gì để khôi phục những giá trị đó”.

Tại buổi giao lưu, tiến sĩ Ethan C. Brown, trong trang phục áo bà ba tím do nhà thiết kế Minh Hạnh thiết kế, đã đan xen nhiều cảm xúc - xúc động, hân hoan và một chút trầm tư để gửi lời nhắn nhủ: “Chiếc áo bà ba mà chúng ta đang mặc không phải là đại diện cho một bộ trang phục lỗi thời mà nó là chiếc áo đã được tái sinh (reborn) với sự khéo léo và trí tuệ của nhà thiết kế. Nhờ đó, trang phục truyền thống được giữ gìn và xuất hiện trong diện mạo mới, hiện đại hơn. Sự tái sinh còn có ý nghĩa của sự đổi mới, sáng tạo và tính hiện đại”.

Dù mới đến Việt Nam ba tháng, tiến sĩ Ethan C. Brown cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên tham dự buổi giao lưu: “Để không bị mất gốc văn hóa bản địa thì sự kết nối là điều đáng quý. Giao lưu, lễ hội… chính là sự kết nối giữa thế hệ hiện tại với ông bà, tổ tiên để nhắc nhở chúng ta phải yêu thương, duy trì, giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa tốt của một dân tộc”.

Không chỉ thừa nhận vẻ đẹp của chiếc áo bà ba, doanh nhân trẻ toàn cầu HUY NGUYỄN còn đau đáu nỗi niềm làm sao để truyền tải những giá trị văn hóa của người Việt đến những thế hệ sau của kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. “Trong thời đại thế giới phẳng, công nghệ 4.0 thì dòng chảy văn hóa đang có xu hướng chảy ngược về Việt Nam. Giới trẻ trong nước tiếp cận với văn hóa nước ngoài đôi khi còn nhiều hơn tiếp cận văn hóa của chính đất nước mình. Điều đó khiến tôi luôn trăn trở”, anh tâm sự.

Là người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, Huy Nguyễn có niềm tin mãnh liệt rằng công nghệ là cánh cửa có thể giúp chúng ta đi tắt, đón đầu để quảng bá văn hóa Việt Nam ra cùng thế giới. “Toàn cầu hóa đã và đang dần gắn kết toàn thế giới lại gần nhau hơn, do đó các sản phẩm vật lý hữu hình (sản phẩm offline) cần được hỗ trợ đưa lên thế giới số (sản phẩm online) và ngược lại để tạo ra nhiều giá trị hơn. Tôi cùng các cộng sự đã và đang phát triển các giải pháp công nghệ, làm cầu nối để các sản phẩm vật lý xuất hiện trên thế giới số, là cách tiếp cận và quảng bá toàn cầu cho sản phẩm Việt Nam, trong đó có chiếc áo bà ba”, Huy Nguyễn cho biết.

Trong khi đó, tiến sĩ VŨ KHÁNH VY, cô gái Hậu Giang có hơn mười năm sinh sống và làm việc ở Mỹ nhưng vẫn luôn tự hào khi mặc những trang phục truyền thống của Việt Nam, luôn có ý thức giữ gìn và quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới mỗi đi dự các sự kiện chuyên ngành hoặc công tác đến một quốc gia hay một vùng đất mới.

Là tiến sĩ chuyên ngành Dược lý-Dược lâm sàng, Khánh Vy có nhiều trăn trở cho cây khóm Hậu Giang. “Những sản phẩm nông sản của Hậu Giang rất có giá trị, nếu được phát huy sẽ có rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt là với trái khóm, tôi đang ấp ủ một dự án về y dược học cho loại trái cây đặc sản này của Hậu Giang”, tiến sĩ Khánh Vy tiết lộ.

Nhà thiết kế MINH HẠNH cho rằng: “Quá khứ đáng trân trọng của chiếc áo bà ba là nền tảng để chúng ta có thể bước tiếp trong hiện tại và tương lai. Và với góc nhìn của một nhà thiết kế, tôi cho rằng áo bà ba đủ điều kiện để trở thành một chiếc áo thời trang bởi tính đơn giản, sự thanh lịch và khả năng thích ứng với thời đại cũng vì tính mạnh mẽ của nó. Chiếc áo bà ba còn có một sức sống rất mãnh liệt. Nhiều bạn trẻ, các nhà thiết kế thời trang đã có những ý tưởng rất sáng tạo để tạo ra những giá trị mới cho chiếc áo bình dị này”.

Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, làm thế nào để phát triển trang phục truyền thống không phải là câu chuyện đi tìm danh xưng để thành di sản văn hóa phi vật thể mà là cụ thể hóa việc nâng cao đời sống của người dân, tạo công ăn việc cho làm người dân địa phương… Câu chuyện này, muốn làm được cần phải có những con người tâm huyết, có kiến thức và nền tảng văn hóa cao, sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình vì những giá trị của bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc.

Người dẫn chuyện, chuyên gia truyền thông-nhà báo VŨ MẠNH CƯỜNG đúc kết: “Buổi giao lưu thật sự đã truyền cho tất cả chúng ta một tình yêu lớn lao dành cho chiếc áo bà ba và mảnh đất Hậu Giang hiền hòa này. Nhiều người trong mười vị diễn giả đã phải bỏ dở công việc của mình ở nước ngoài, hay tạm hoãn những chuyến công tác để tham dự buổi giao lưu hôm nay. Vì thế, những tâm tư, tình cảm cũng như những đề xuất đầy tâm huyết của các vị thật đáng trân trọng, để chiếc áo bà ba mãi vẫn trong tâm trí của mọi người Việt và được quảng bá rộng rãi hơn với các nền văn hóa của thế giới”.

Giao lưu văn hóa “Áo Bà Ba Xưa và Nay” diễn ra vào ngày 16-9-2023 tại Đài Truyền hình Hậu Giang, nằm trong khuôn khổ của Festival Áo Bà Ba Hậu Giang 2023 (từ 29-9 đến 1-10-2023), do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức với sự hỗ trợ của Công ty VietMode, ISC–Innovation Services Center và Saigon Times Foundation nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh Hậu Giang.

Tham dự buổi giao lưu có nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng, NSND Trà Giang, giáo sư Bùi Chí Trung, tiến sĩ Nguyễn Nam, thạc sĩ Lê Minh Tiến, tiến sĩ Ethan C. Brown, tiến sĩ Vũ Khánh Vy, doanh nhân trẻ toàn cầu Huy Nguyễn, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh. Dẫn chuyện là chuyên gia truyền thông-nhà báo Vũ Mạnh Cường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới