Thứ Hai, 28/07/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Áp dụng Sandbox IPO trong Trung tâm tài chính quốc tế: Giải pháp đổi mới có tính khả thi cao

TS. Nguyễn Đức Kiên (*) - TS. Trần Anh Tuấn (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là lựa chọn con đường tăng trưởng dài hạn thông qua việc nâng cao năng suất lao động, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng. Tuy nhiên để hướng tới mục tiêu lớn cần các bước đi nhỏ và vững chắc với lộ trình hợp lý, trong đó phải bắt đầu từ việc tận dụng chính nguồn lực trong nước

Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được triển khai tạI TPHCM và thành phố Đà Nẵng. Ảnh: LÊ VŨ

Việt Nam với tiềm năng phát triển khoa học công nghệ, cùng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã có khoảng 3.800 doanh nghiệp ở nhiều cấp độ, quy mô, nên các lĩnh vực liên quan tới công nghệ, đổi mới sáng tạo... chính là thế mạnh mà chúng ta cần tập trung phát triển và thu hút vốn thông qua trung tâm tài chính quốc tế.

Dùng nguồn lực nội địa để hút vốn quốc tế

Theo Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TPHCM, đề án phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM, sẽ trải qua ba giai đoạn: Xây dựng nền tảng cho trung tâm tài chính quốc gia (2025-2030); Phát triển thành trung tâm tài chính khu vực (2031-2035); Trở thành trung tâm tài chính quốc tế và toàn cầu (sau năm 2035).

Việc đặt ra lộ trình phát triển cho trung tâm tài chính quốc tế là phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm Tài chính quốc tế của Tổ chức TheCityUK, đơn vị từng lập báo cáo tư vấn cho TPHCM, từng chia sẻ rằng lịch sử các trung tâm tài chính trên thế giới đều đi từ việc sở hữu nền sản xuất thực chất, tức các hỗ trợ của trung tâm tài chính phải gắn liền với hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế của địa phương.

Vì vậy, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế phải có lộ trình. Ở cấp độ đầu tiên, các trung tâm tài chính trên thế giới đều tập trung chuyên môn hóa vào thị trường và các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Sau khi khai thác được lợi thế thị trường nội địa mới hướng tới quy mô khu vực và quốc tế. TPHCM đang ở giai đoạn đầu tiên của hành trình này.

Chia sẻ tại một hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về mô hình phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM mới đây, PGS.TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol - Vương quốc Anh, cũng cho rằng tham vọng làm trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam không có gì là quá sức, yếu tố “quốc tế” không quá cao xa so với vị thế đang được xếp hạng trong nhóm “khu vực” hiện nay của TPHCM. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ đặt mục tiêu hướng tới những trung tâm dẫn đầu toàn cầu như London, New York, Tokyo ngay trong vài năm, lại dễ dẫn đến những sai lầm do nóng vội và đặt mục tiêu sai.

Trong bối cảnh xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM hiện nay, vấn đề thu hút nguồn vốn là rất quan trọng. Đặc biệt Nghị quyết 57 cũng đã đặt ra các mục tiêu và giải pháp mang tính cách mạng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó yêu cầu phải tận dụng vốn đầu tư nhà nước, dành 2% GRDP cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Đối với TPHCM, 2% GRDP tương đương khoảng 38.600 tỉ đồng, trong đó 60% từ vốn xã hội và 40% là đầu tư công, như vậy chính quyền thành phố phải sắp xếp 15.600 tỉ đồng cho khoa học công nghệ, đây là nguồn vốn lớn. Và theo chia sẻ của ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội TPHCM: “...kể cả có bố trí được vốn thì đầu tư cho cái gì cũng rất khó”. Bởi lẽ để thu hút nhà đầu tư thì chúng ta phải có sản phẩm, danh mục cho nhà đầu tư rót tiền vào. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có giới hạn, ông Vũ cho rằng cần sớm ban hành các chính sách linh hoạt để huy động nguồn vốn xã hội, tận dụng hiệu quả phương thức “vốn công hợp với vốn tư”.

Vì vậy ngay trong giai đoạn 1 (2025-2030), Việt Nam cần tập trung vào việc xây dựng nền tảng cho trung tâm tài chính quốc gia bằng cách tận dụng nguồn lực nội địa và thu hút vốn đầu tư quốc tế.

Phát triển công nghệ - nâng cấp thị trường vốn: Lợi đôi đường

Các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là startup và kỳ lân công nghệ, đóng vai trò cốt lõi trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đang hứa hẹn là một trong những động lực chính cho sự phát triển của trung tâm tài chính.

Tại Việt Nam, những tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, VNG hay VinAI không chỉ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp mà còn góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ sự phát triển bền vững. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) cùng với các thành phần khác trong hệ sinh thái sẽ tương tác chặt chẽ, tạo thành chuỗi giá trị liên hoàn. Có thể dẫn chứng mô hình hệ sinh thái điện toán đám mây tại Seattle (Mỹ) với sự dẫn dắt của Amazon - đã hội tụ nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google, Facebook và hàng loạt startup đổi mới sáng tạo khác.

Hiện nay, các công ty công nghệ của Việt Nam đang nằm trong danh mục đầu tư triển vọng của giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên các quy định hiện hành liên quan tới huy động vốn quốc tế, đặc biệt là quy định về chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ. Theo điều 15 Luật Chứng khoán, doanh nghiệp muốn IPO phải có lãi trong hai năm liên tục và không có lỗ lũy kế. Điều này gây khó khăn lớn vì startup công nghệ thường lỗ trong giai đoạn đầu do chi phí cao cho R&D. Với các kỳ lân công nghệ cần huy động hàng chục đến hàng trăm triệu đô la Mỹ, quy định hiện hành gần như là “hàng rào kỹ thuật không thể vượt qua”.

Từ thực tế đó, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) đề xuất bổ sung quy định “các doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể huy động vốn thông qua IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, kể cả trong trường hợp còn lỗ lũy kế hoặc chưa có lợi nhuận đáng kể” vào Nghị quyết để áp dụng cho trung tâm tài chính quốc tế theo cơ chế Sandbox IPO. Cơ chế Sandbox IPO có thể áp dụng ngay từ năm 2026, phù hợp với lộ trình của Nghị quyết 57, để thu hút các nhà đầu tư trong khu vực rót vốn vào các doanh nghiệp công nghệ và hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam. Giải pháp này sẽ giúp thử nghiệm cải cách, trong khi hạn chế rủi ro vì không áp dụng chung cho cả thị trường.

Việc sửa đổi quy định IPO, cụ thể là áp dụng cơ chế Sandbox IPO, không chỉ giúp tháo gỡ những “rào cản kỹ thuật” của quy định hiện hành mà còn mở ra cơ hội cho Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu. Bằng cách giảm áp lực lợi nhuận tức thời, các doanh nghiệp công nghệ có thể tập trung nhiều hơn vào hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo - yếu tố then chốt trong thời đại số.

Các lợi ích của Sandbox IPO hứa hẹn rất lớn. Đối với doanh nghiệp: Cho phép các startup chứng minh tiềm năng cũng như khả năng xây dựng mô hình kinh doanh bền vững mà không bị ràng buộc bởi yêu cầu lợi nhuận ngắn hạn. Đối với hệ sinh thái tài chính: Môi trường linh hoạt này sẽ giúp Big Tech dễ dàng xoay vòng vốn qua các hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hoặc IPO, góp phần làm tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư. Đối với nhà đầu tư: Với chính sách giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ cảm thấy thuận lợi hơn khi tham gia vào thị trường chứng khoán và thị trường vốn tại Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế chuyển mình toàn cầu, sáng kiến Sandbox IPO hứa hẹn sẽ là công cụ đắc lực, giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả nguồn lực nội địa và thu hút vốn đầu tư quốc tế. Nếu được triển khai thành công, cơ chế này sẽ góp phần định hình lại hệ thống tài chính, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh năng động, sáng tạo và hấp dẫn đầu tư, thắt chặt mối quan hệ giữa các thành phố tài chính hàng đầu trên thế giới.

(*) Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển kinh tế số
(**) Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới