Thứ Bảy, 20/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Áp lực chi phí có thể ngăn đà phục hồi sản xuất của châu Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) – Dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy, nhiều nhà sản xuất ở châu Á dường như đang phục hồi vững chắc hơn. Sản lượng và đơn đặt hàng của doanh nghiệp tăng mạnh.

Tuy nhiên, áp lực chi phí gia tăng có thể bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp và làm dấy lên lo ngại lạm phát nếu nhà sản xuất chuyển chi phí sang người tiêu dùng.

Dây cáp ngầm dưới biển được sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Dữ liệu chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global cho thấy sự cải thiện của hoạt động sản xuất ở các cường quốc công nghiệp như Hàn Quốc và Trung Quốc trong tháng 5. Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 5 ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đều ở mức cao nhất trong hai năm.

“Sự phục hồi sản xuất của châu Á có vẻ sẽ được củng cố trong tháng này”, chuyên gia kinh tế Erica Tay của ngân hàng Maybank (Malaysia) nói và cho biết lĩnh vực sản suất ở Indonesia và Philippines cũng đang khởi sắc.

Hôm 3-6, S&P Global cho biết, sự phục hồi đơn đặt hàng tại nhà máy đã thúc đẩy sản lượng sản xuất ở Hàn Quốc tăng mạnh nhất trong gần 3 năm.

“Lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc dường như đã lấy lại sức mạnh”, Joe Hayes, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global nói.

Nhu cầu tốt hơn trong và ngoài nước đã thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Hàn Quốc, với chỉ số PMI cho thấy sự tăng trưởng trở lại sau khi báo hiệu sự suy giảm trong hai tháng. Hayes cho biết, dữ liệu khảo sát PMI vẽ ra một bức tranh đầy hứa hẹn của các nhà máy ở Hàn Quốc. Việc tuyển dụng tăng trưởng trở lại và hoạt động mua hàng tăng lên.

Trong khi đó, dữ liệu PMI sản xuất của Trung Quốc do Caixin Media Co. và S&P Global khảo sát cũng cho thấy lĩnh vực này tăng trưởng nhanh tháng thứ tư liên tiếp.

Wang Zhe, chuyên gia kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group, cho biết chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng trước đạt mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 6-2022. Sản lượng của các nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức cao nhất trong 23 tháng. Doanh nghiệp lạc quan hơn, bày tỏ kỳ vọng cao về nhu cầu trong và ngoài nước trong năm tới.

Tại Nhật Bản, chỉ số PMI do Ngân hàng au Jibun khảo sát, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất được cải thiện lần đầu tiên trong một năm vào tháng 5. Điều đó phản ánh tăng trưởng việc làm và hàng tồn kho trước sản xuất cũng như lượng đơn đặt hàng.

Hoạt động sản xuất của Đài Loan tiếp tục cải thiện, với dữ liệu phản ánh xu hướng tăng trưởng sản lượng và lượng đơn đặt hàng mới trong khu vực. Theo Paul Smith, giám đốc kinh tế của S&P Global Market, đây là sự thay đổi đáng chú ý so với tình hình suy thoái sản xuất của Đài Loan trong vài năm qua.

Sản lượng và lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng ở Indonesia, trong khi, lĩnh vực sản xuất của Philippines tiếp tục cải thiện.

Tuy nhiên, những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở châu Á kèm với áp lực chi phí gia tăng. Ví dụ, ở Ấn Độ, trong tháng 5, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 13 năm nhưng áp lực chi phí cũng tăng theo.

Theo Maitreyi Das, nhà kinh tế toàn cầu của ngân hàng HSBC, các nhà sản xuất chỉ có thể chuyển một phần tăng chi phí sang cho người tiêu dùng, chấp nhận giảm lợi nhuận.

“Đây là một rủi ro cần được theo dõi”, Erica Tay của ngân hàng Maybank nói. Tại Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất cho biết có rất ít khả năng chuyển chi phí cao hơn sang khách hàng. Giá kim loại, nhựa và năng lượng tăng, dẫn đến chi phí đầu vào trung bình của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 5 tăng mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Tại Nhật Bản, nhiều nhà sản xuất hàng hóa đang đối mặt với áp lực chi phí ngày càng tăng do đồng yen yếu gây áp lực lên giá nhập khẩu.

“Kết hợp với tiền lương tăng, đà tăng của chi phí đầu vào thúc đẩy chi phí đầu ra của các nhà sản xuất ở Nhật Bản tăng mạnh nhất trong một năm vào tháng 5”, Pollyanna De Lima, nhà kinh tế của S&P Global nói.

Theo Paul Smith, giám đốc kinh tế của S&P Global Market, doanh nghiệp ở Đài Loan đang đối mặt với sự gia tăng trở lại của lạm phát chi phí đầu vào, đạt mức cao nhất trong 22 tháng trong tháng 5. Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang cảm thấy khó khăn khi sự phục hồi của các điều kiện sản xuất toàn cầu thúc đẩy giá hàng hóa nguyên liệu tăng.

Các dấu hiệu về áp lực chi phí sản xuất cao hơn có thể làm hàng hóa tiêu dùng tăng giá, tạo nên sự không chắc chắn đối với triển vọng cắt giảm lãi suất ở châu Á. Phần lớn các ngân hàng trung ương của khu vực này giữ nguyên lãi suất, chờ đợi lạm phát quay trở lại mục tiêu, tăng trưởng vững chắc hơn và có thêm manh mối rõ ràng về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng tiền tệ.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới