Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Áp lực chi phí đè nặng lên các công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giám đốc điều hành các công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới nhận định áp lực chi phí sẽ tiếp tục kéo dài qua sang năm, làm gia tăng thêm các thách thức trong ngành bao gồm bất ổn về kinh tế và chính trị, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và lãi suất tăng cao.

Công nhân làm việc ở mỏ vàng Loulo-Gounkoto của Barrick Gold tại Mali. Ảnh: Barrick

Nhận định nói trên của họ được nêu ra tại Diễn đàn Vàng Denver thường niên lần thứ 34 diễn ra ở bang Colorado (Mỹ) hồi giữa tháng 9. Các lãnh đạo ngành khai thác vàng tham dự diễn đàn đều có chung quan điểm rằng môi trường kinh tế hiện tại là chưa từng có. Các nhà sản xuất vàng đang vật lộn với tác động từ chính sách siết chặt tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến đồng đô la Mỹ mạnh lên và đẩy giá vàng xuống. Giá vàng đang chịu áp lực và cổ phiếu ngành khai thác vàng cũng giảm mạnh. Một chỉ số theo dõi cổ phiếu của các công ty khai thác vàng đã giảm 16% trong năm nay, tính đến ngày 21-9, trong khi đó, chỉ số theo dõi cổ phiếu của các công ty khai thác kim loại quí nói chung chỉ giảm 7,9%.

Mark Bristow, Giám đốc điều hành Barrick Gold, nhà khai thác vàng lớn thứ hai thế giới, có trụ sở tại Canada, nói: “Chúng ta đang trải qua thời điểm đáng chú ý khi các nền kinh tế và môi trường địa chính trị trên toàn cầu chạm đến một điểm uốn khác. Lần cuối cùng mà chúng ta đối mặt với sự bất ổn lớn như vậy là hồi Chiến tranh thế giới thứ hai”.

Tại Diễn vàng Vàng Denver, các nhà đầu tư cho biết họ đang cảm thấy tuyệt vọng khi giá vàng và cổ phiếu ngành khai thác vàng ngày càng đi xuống, dù họ chấp nhận rằng triển vọng trong ngắn hạn vẫn rất thách thức do đồng đô la Mỹ mạnh hơn.

Tác động từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine là những động lực quan trọng dẫn đến lạm phát trên thế giới phát triển lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cũng làm gia tăng áp lực chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giám đốc điều hành các công ty khai thác vàng hàng đầu thế giới cho rằng các vấn đề đó có thể sẽ còn kéo dài khi Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất.

“Hiện tại, chúng ra đang ở trong một môi trường kinh tế rất biến động”, Tom Palmer, Giám đốc điều hành Newmont Corp (Mỹ), nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới, cho biết khi ám chỉ đến đà tăng mạnh mẽ của lạm phát, lãi suất và cuộc chiến ở Ukraine.

Palmer dự báo lạm phát chi phí lao động, nhiên liệu và năng lượng, cũng như vật liệu và hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì trong phần lớn năm 2023.

Chi phí gia tăng đang gây khó khăn cho các công ty khai thác vàng và hoạt động của họ trên khắp thế giới. Công ty khai thác vàng Gold Fields (Nam Phi) đang chật vật ứng phó với chi phí lao động tăng cao, khiến chi phí hoạt động tăng lên ở Úc, nơi công ty này có 9 mỏ vàng.

Theo Chris Griffith, Giám đốc điều hành Gold Fields, dù giá nhiên liệu hạ nhiệt, các vật liệu quan trọng khác trong khai thác, bao gồm chất nổ và thuốc thử, vẫn chưa giảm xuống do lạm phát dai dẳng.

Griffith nói: “Chúng ta có thể sẽ vẫn thấy lạm phát duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian đáng kể”.

Fed đã theo đuổi chiến lược thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ để giảm lạm phát và điều này đã đẩy tăng lợi suất trái phiếu và giá đồng đô la Mỹ. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang chạy theo Fed để chống lạm phát và bảo vệ đồng tiền của họ. Theo Shaun Usmar, Giám đốc điều hành Triple Flag Precious Metals Corp, nhà khai thác vàng của Canada, các hành động đó có thể gây khó khăn cho những nhà khai thác vàng và những công ty phát triển các mỏ vàng không có nguồn lực tài chính để hấp thụ chi phí hoạt động và vốn đầu tư tăng lên.

Usmar cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Những công ty đó đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ lao dốc. Các thị trường vốn đang trở nên khó tiếp cận và nếu tiếp cận được, chi phí vay nợ cũng rất đắt”.

Theo Usmar, người từng là Giám đốc tài chính của Barrick Gol trong giai đoạn 2014- 2016, một môi trường như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thâu tóm và sáp nhập, đặc biệt là đối với những công ty khai thác vàng có nhiều tiền mặt và đang có nhu cầu mở rộng công suất khai thác.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Vàng Denver dự báo giá vàng thỏi sẽ đạt trung bình 1.806,1 đô la Mỹ/ounce vào cuối năm nay, cao hơn đáng kể so với giá vàng giao ngay, 1.660,98 đô la Mỹ/ounce vào thời điểm thị trường đóng cửa vào hôm thứ Sáu vừa qua.

Joseph Cavatoni, đại diện của Hội đồng Vàng thế giới, nhận định các nhà đầu tư tổ chức bao gồm các ngân hàng trung ương sẽ quan tâm đến việc nắm giữ vàng như là một hành động chiến lược trong bối cảnh vĩ mô bất ổn hiện nay.

Tuy nhiên, Cavatoni dự đoán “một chuyến đi gập ghềnh” của vàng  từ nay đến cuối năm với giá kim loại quí này biến động mạnh cho đến khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đưa ra những thông tin rõ ràng hơn về cuộc chiến chống lạm phát của họ.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới