Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Áp lực lạm phát 2024 – cầu kéo, chi phí đẩy hay vì mở rộng cung tiền?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 của Việt Nam chỉ tăng 3,25% so với năm 2022; lạm phát cơ bản (đã loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 4,16%, đều thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra. Lạm phát năm 2024 có thể chịu áp lực từ đâu: cầu kéo, chi phí đẩy hay mở rộng cung tiền?

Việc giảm thuế 50% bảo vệ xăng dầu từ ngày 1-1-2024 giúp hạ giá bán lẻ trong nước, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Ảnh: LÊ VŨ

Tổng cầu vẫn yếu

Từ kết quả kiểm soát lạm phát thành công trong những năm qua nói chung và năm 2023 nói riêng, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng lạm phát trong năm 2024 sẽ tiếp tục thấp hơn mục tiêu đề ra, được đặt trong khoảng 4-4,5%. Chẳng những vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc điều hành lạm phát trong năm 2024 còn thuận lợi hơn, dựa trên bối cảnh nền kinh tế thời gian tới.

Hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát trong năm 2024 của nước ta sẽ dao động trong khoảng 3-4%.

Kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tiếp tục trì trệ do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ trong hơn hai năm qua, kinh tế Mỹ thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng của các nước này sẽ tiếp tục ở mức thấp, nên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam dù phục hồi nhưng dự kiến chỉ tăng trưởng ở mức tương đối.

Tương tự, tổng cầu trong nước cũng đối mặt với thách thức tốc độ tăng suy yếu, khi thu nhập người lao động, hộ gia đình thời gian qua giảm sút. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231.800 tỉ đồng, chỉ tăng 9,6% so với năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều mức tăng lên đến 20% của năm 2022.

Trong khi đó, áp lực lạm phát từ ảnh hưởng bởi yếu tố tỷ giá dự kiến không còn đáng kể như những năm trước đây. Năm 2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch cắt giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm, do đó đô la Mỹ trên thị trường quốc tế có thể đi xuống, tạo điều kiện cho việc điều hành tỷ giá “dễ thở” hơn.

Về chính sách tài khóa, việc các chính sách hỗ trợ miễn, giảm một số loại thuế, phí vẫn được duy trì cũng sẽ tác động tích cực lên tình hình lạm phát. Theo Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15, bắt đầu từ ngày 1-1-2024, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho đến hết ngày 31-12-2024. Việc kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng được giảm từ 10% xuống còn 8% trong sáu tháng đầu năm 2024.

Áp lực chi phí đẩy và mở rộng cung tiền

Trong khi lạm phát cầu kéo - tức lượng cầu lớn hơn lượng cung khó có thể xảy ra, áp lực lạm phát chi phí đẩy đang gây ra nhiều mối lo ngại hơn.

Dù có ý kiến cho rằng với triển vọng kinh tế thế giới không mấy khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, nhưng cũng cần lưu ý rằng thị trường dầu thô có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nếu xung đột quân sự lan rộng tại Trung Đông và gây đứt gãy nguồn cung ứng. Nếu giá dầu leo thang trở lại, cũng có thể đẩy giá các mặt hàng năng lượng khác tăng theo, đây là một kịch bản cần phải dè chừng.

Những cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen vào các tàu thuyền đi lại ở Biển Đỏ gần đây đang gây ra nhiều lo ngại, khi không chỉ đẩy giá vận chuyển hàng hóa đường biển từ châu Á sang châu Âu tăng vọt, cước phí bảo hiểm cũng tăng lên, mà còn có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa tạm thời và gây sức ép lên giá cả, do thời gian vận chuyển lâu hơn khi nhiều tàu buộc phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

Cần biết rằng một lượng lớn nguồn cung năng lượng, dầu cọ và ngũ cốc của châu Âu đi qua kênh đào Suez ở Biển Đỏ, do đó đây là tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu. Trong khi đó, lưu lượng vận chuyển qua một tuyến đường biển quan trọng khác là kênh Panama cũng bị hạn chế bởi tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều dự báo cũng cho thấy nguồn cung lương thực toàn cầu sẽ vẫn căng thẳng trong năm 2024, do El Nino và các lệnh hạn chế xuất khẩu, với giá gạo đã leo lên đỉnh 15 năm.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2023, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất giảm 1,88% so với năm trước, trong khi chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 4,73%. Điều này đã góp phần giữ lạm phát ở mức thấp trong năm 2023, nhưng sự đảo chiều có thể diễn ra trong năm 2024 khi giá hàng hóa toàn cầu có thể chịu sức ép tăng lên trở lại nếu các căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự leo thang. Bởi vì, các nước khi không đạt mục tiêu quân sự sẽ tìm cách gây bất ổn lên thị trường hàng hóa, cấm xuất khẩu lương thực, tấn công các cơ sở sản xuất để gây sức ép.

Một yếu tố khác cũng sẽ tác động lên lạm phát trong giai đoạn tới là xu hướng chuyển dịch sang sản xuất xanh, sạch và bền vững, buộc các quốc gia, doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất. Kết quả là giá các nguyên, nhiên, vật liệu cần thiết để xây dựng tương lai xanh tăng mạnh vì cung không đủ cầu, mà thuật ngữ “lạm phát xanh” (greenflation) đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.

Thực tế trong thời gian gần đây, những nỗ lực nhằm xây dựng một nền kinh tế sạch đang thúc đẩy nhu cầu về một số nguyên liệu và khoáng sản, trong khi nguồn cung của chúng đồng thời bị thắt chặt đẩy giá tăng cao. Đơn cử như tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang phải giảm bớt lượng khí phát thải để thực hiện cam kết về khí hậu, theo đó cắt giảm dần nhiệt điện than và tập trung phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn, khiến chi phí đầu tư cho các dự án năng lượng đáp ứng tiêu chí này cao hơn.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục; cũng như việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7-2024, cũng sẽ có những tác động nhất định lên lạm phát năm 2024.

Cuối cùng, với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện kỷ lục trong năm 2023 vừa qua (23,18 tỉ đô la Mỹ), áp lực mở rộng cung tiền đang lớn hơn và nếu không kiểm soát tốt cũng có thể gây sức ép lên lạm phát. Lưu ý rằng tổng phương tiện thanh toán trong năm 2023 tính đến ngày 21-12-2023 ghi nhận mức tăng mạnh 10,03%, gấp 2,6 lần mức 3,85% của năm 2022. Và trong quá khứ, Việt Nam từng phải đối mặt với lạm phát cao, từ hệ quả dòng vốn FDI tăng vọt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới