Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Apple muốn mở rộng sản xuất thiết bị ở Ấn Độ và Đông Nam Á

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hãng công nghệ Apple, nhà sản xuất iPhone, iPad và máy tính laptop MacBook, đã thông báo với các nhà sản xuất gia công rằng hãng muốn tăng sản lượng thiết bị ở bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á và Ấn Độ.

Theo các nguồn tin được tờ Wall Street Journal trích dẫn, chính sách phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh là một trong những lý do thúc đẩy Apple lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Công nhân kiểm tra một chiếc iPhone được lắp ráp tại ở một nhà máy của Foxconn ở TP. Trịnh Châu, Trung Quốc. Ảnh: Fox Business

Chuyển bớt chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc

Hơn 90% sản phẩm của Apple như iPhone, iPad và laptop MacBook đang được sản xuất tại Trung Quốc. Giới phân tích nhận định sự phụ thuộc quá lớn của Apple vào Trung Quốc là một rủi ro tiềm ẩn vì chính sách khó đoán của nước này cũng như mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Bắc Kinh và Washington.

Bất kỳ động thái nào của Apple, công ty có vốn hóa lớn nhất Mỹ, nhằm mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc cũng có thể tác động đến các công ty phương Tây khác vốn cũng đang xem xét giảm sự phụ thuộc sản xuất hoăc nguồn cung nguyên vật liệu vào Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh không chỉ trích việc Nga tấn công quân sự vào Ukraine và triển khai các lệnh phong tỏa ở hàng loạt thành phố để kiểm soát đại dịch Covid-19.

Người phát ngôn của Apple từ chối bình luận thông tin mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, hồi tháng 4, khi được hỏi về tình hình chuỗi cung ứng, Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook nói: “Chuỗi cung ứng của chúng tôi thực sự trải rộng trên toàn cầu, vì vậy, sản phẩm của chúng tôi được sản xuất ở khắp mọi nơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tối ưu hóa chuỗi cung ứng”.

Thực tế, Apple đã có ý định đa dạng hóa địa điểm sản xuất để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc ngay cả trước khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng toàn cầu vào đầu năm 2020. Nhưng kế hoạch này gặp khó khăn do tác động của đại dịch. Giờ đây, các nguồn tin cho biết Apple một lần nữa thúc đẩy nó và gợi ý cho các nhà sản xuất gia công những địa điểm bên ngoài Trung Quốc mà họ nên xem xét xây dựng nhà máy mới.

Các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã gây ra tình trạng thắt nút cổ chai trong chuỗi cung ứng của nhiều công ty phương Tây. Tháng trước, Apple cảnh báo rằng sự trỗi dậy của đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc đe dọa làm tổn thất doanh thu của Apple đến 8 tỉ đô la trong quí hiện tại.

Các biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc đã khiến Apple phải hạn chế gửi các lãnh đạo và kỹ sư đến nước này trong hai năm qua, vì vậy, Apple gặp khó khăn trong việc kiểm tra trực tiếp các địa điểm sản xuất. Các vụ mất điện hồi năm ngoái cũng làm tổn hại danh tiếng của Trung Quốc như là nơi sản xuất đáng tin cậy.

Nhiều công ty phương Tây khác cũng đối mặt các vấn đề tương tự ở Trung Quốc nhưng Apple, với quy mô khổng lồ, có lợi thế mặc cả với các nhà sản xuất gia công hơn, theo nhận định của Ming-chi Kuo, nhà phân tích chuỗi cung ứng ở Công ty TF International Securities.

Ming-chi Kuo nói: “Chỉ có duy nhất một công ty như Apple có thể thúc ép sự chuyển dịch chuỗi cung ứng”.

Tuy nhiên, có nhiều lý do đằng sau việc Apple duy trì vai trò của Trung Quốc như là một trung tâm sản xuất của công ty này trong thời gian dài. Trung Quốc có những lợi thế khó sánh kịp, bao gồm lực lượng lao động lành nghề khổng lồ, chi phí sản xuất thấp so với Mỹ và mạng lưới sâu rộng của các nhà cung cấp linh kiện khó có thể tái tạo ở những nơi khác trong thời gian ngắn. Nguồn lao động có chất lượng ở Trung Quốc cao hơn toàn bộ của nhiều nước khác ở châu Á, ngoại trừ Ấn Độ.

Một thuận lợi khác nữa là Apple có thể bán nhiều iPhone và máy tính được sản xuất tại Trung Quốc ngay tại chính thị trường đông dân nhất thế giới. Trung Quốc thường xuyên chiếm khoảng 20% doanh thu toàn cầu của Apple.

Ấn Độ và Việt Nam được nhắm tới

Các nguồn tin cho biết  Ấn Độ và Việt Nam, vốn đã là những địa điểm nhỏ trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của Apple, nằm trong số những nước được Apple ưu tiên chọn làm sự lựa chọn thay thế cho một phần hoạt động sản xuất ở Trung Quốc. Theo các  nguồn tin, với dân số lớn và chi phí lao động thấp, Ấn Độ đang được Apple xem như là “một Trung Quốc tiếp theo”.

Các công ty lắp ráp gia công hàng điện tử hàng đầu của Đài Loan như Foxconn và Wistron đã thiết lập nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất iPhone chủ yếu để phục vụ thị trường nội địa của Ấn Độ, nơi doanh thu của Apple đang tăng trưởng nhanh chóng. Tháng trước, Apple cho biết hãng đã bắt đầu sản xuất dòng iPhone mới nhất, iPhone 13 series, ở Ấn Độ.

Hiện tại, Apple đang trao đổi với một số nhà cung cấp về việc mở rộng sản xuất ở Ấn Độ để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết một trở ngại đối với các công ty sản xuất gia công hoạt động ở Trung Quốc là họ gặp khó khăn trong việc thiết lập nhà máy ở Ấn Độ vì quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh đang căng thẳng.

Binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc xung đột chết chóc ở khu vực biên giới còn tranh chấp giữa hai nước vào năm 2020. Gần đây, căng thẳng của hai nước lại nóng lên sau khi giới chức trách Ấn Độ tịch thu 726 triệu đô la ở các tài khoản ngân hàng của Công ty Xiaomi Technology India, đơn vị thành viên của Xiaomi, nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc với cáo buộc công ty chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Vì lý do đó, các công ty gia công sản xuất ở Trung Quốc đang có mối quan hệ làm ăn với Apple, muốn chọn Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á khác để mở rộng công suất.

Ấn Độ là nơi sản xuất 3,1% sản lượng iPhone toàn cầu vào năm ngoái và tỷ lệ này sẽ tăng lên 6-7% trong năm nay, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint. Trung Quốc chiếm hầu hết sản lượng iPhone còn lại. Luxshare Precision Industry, một trong những công ty sản xuất gia công ở Trung Quốc, đang sản xuất tai nghe AirPods cho Apple tại Việt Nam.

Trong cuộc họp báo gần đây với các nhà đầu tư, các lãnh đạo của Luxshare Precision Industry thừa nhận một số khách hàng lo ngại về vấn đề nguồn cung điện và các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết Apple đã nói với các đối tác sản xuất rằng hãng muốn họ phải triển khai nhiều quy trình sản xuất sản phẩm mới hơn bên ngoài Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, các địa điểm sản xuất của Apple bên ngoài nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể trở thành các trung tâm sản xuất toàn diện, thay vì bắt chước các quy trình đã được phát triển ở Trung Quốc.

Các bước đi cho quy trình đó đòi hỏi các nhà cung cấp phải đầu tư lớn, điều mà họ đang dè đặt trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu đang u ám do giá cả hàng hóa đắt đỏ, chiến sự ở Ukraine và thị trường chứng khoán suy sụp.

Lãnh đạo của một công ty sản xuất gia công cho biết việc bảo tồn tiền mặt là điều quan trọng trong những thời kỳ bất ổn nhưng các nhà cung cấp phải đi theo Apple đến những địa điểm mà Apple đặt chân tới nếu họ muốn duy trì hoạt động kinh doanh.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới