Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ba chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 10

Gia Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều chính sách liên quan đến quản lý nhà nước, từ việc quy định rõ ràng hơn về việc sử dụng tài sản công cho đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội, bắt đầu có hiệu lực trong tháng 10.

Cao ốc TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng
Chính phủ ban hành quy định mới về việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở. Ảnh: Minh Hoàng

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định mới về việc quản lý những ngôi nhà, mảnh đất thuộc sở hữu Nhà nước mà không dùng để ở. Những tài sản này sẽ được giao cho các đơn vị quản lý nhà ở địa phương để cho thuê hoặc tạm giữ, chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định.

Nghị định quy định trách nhiệm của các tổ chức quản lý nhà ở, người thuê nhà và các đơn vị được giao nhà, đất sử dụng tạm thời đều phải thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Việc cho thuê nhà được thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ các trường hợp thực hiện theo phương thức niêm yết giá. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15-10.

Ngoài ra, Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định số 114/2024/NĐ-CP về quản lý tài sản nhà nước, có hiệu lực từ ngày 30-10.

Quy định này bổ sung thêm nhiều quy định mới cho việc mua sắm đồ dùng, vật dụng phục vụ cho công việc của các cơ quan nhà nước. Thẩm quyền và thủ tục quyết định mua sắm những tài sản đắt tiền sẽ được quy định cụ thể trong các luật khác có liên quan.

Trong đó, bộ, ngành trung ương sẽ quyết định đối với các cơ quan thuộc quyền quản lý còn HĐND các tỉnh sẽ quyết định đối với các cơ quan thuộc địa phương.

Các cơ quan nhà nước phải tuân thủ quy định về đấu thầu và sử dụng nguồn kinh phí được giao để thực hiện việc mua sắm. Việc mua sắm chung cho nhiều cơ quan cũng sẽ được thực hiện theo quy định riêng. Ngoài ra, nghị định này còn bổ sung quy định về quản lý vật tư tiêu hao và cho thuê tài sản, đồng thời điều chỉnh một số quy định về mua sắm dịch vụ.

Bên cạnh đó, nghị định 110/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể về phạm vi và hoạt động của công tác xã hội, có hiệu lực từ ngày 15-10.

Nghị định này nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng dịch vụ công tác xã hội, đồng thời quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm để bảo vệ quyền lợi của đối tượng. Theo đó, công tác xã hội thực hiện các hoạt động như phòng ngừa rủi ro, giúp đỡ người gặp khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển để mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nghị định cũng quy định rõ 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội, gồm vi phạm quyền riêng tư, từ chối nghĩa vụ, lợi dụng chức vụ, lợi dụng lòng tố, vi phạm hợp đồng, xâm phạm lợi ích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới