(KTSG Online) – Việc hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương nằm ở “khúc ruột” miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế không mới, thậm chí đã được đề cập nhiều lần trong cộng đồng doanh nghiệp lẫn các cấp quản lý. Câu chuyện này một lần nữa trở nên cấp thiết khi ngành du lịch đang có những chuyển động, đổi mới hậu Covid-19. Đây cũng được xem là cơ hội để ngành du lịch miền Trung tìm lối đi mới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn khi hồi phục.
Theo nhận định, ngành du lịch các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cần liên kết để thu hút và phục vụ khách du lịch bằng thế mạnh của mình. Với Đà Nẵng đó là MICE, giải trí gắn với biển. Với Quảng Nam, đó là trải nghiệm văn hóa và cộng đồng theo hướng xanh. Với Huế, đó là trải nghiệm lịch sử, du lịch sức khỏe, tâm linh. Du khách có thể tham gia tour dài ngày để có thể trải nghiệm đầy đủ hoặc một phần những dịch vụ du lịch khác nhau trên.
Để rộng đường dư luận, KTSG Online ghi nhận ý kiến từ những người trong cuộc là doanh nghiệp, chuyên gia và quản lý trong ngành du lịch.
Mỗi địa phương điểm đến trên con đường di sản miền Trung bên cạnh các nền tảng giá trị di tích, lịch sử chung thì cần tạo ra các dòng sản phẩm du lịch khác biệt, đình hình các giá trị dịch vụ riêng biệt sẽ tạo nên sự phong phú cho du khách khi đi du lịch tại đây. Đây cũng là cơ hội để du khách kéo dài thời gian lưu trú, hoặc níu kéo du khách quay trở lại nếu chuyến du lịch ko có nhiều thời gian.
Về mặt hành chính có thể ba địa phương có ranh giới hành chính rõ ràng, nhưng dưới góc nhìn du khách quốc tế đó làm 1 điểm đến, và họ sẽ sẵn sàng dàn trải kỳ nghỉ của mình trên ba địa phương. Vì vậy quan điểm hợp tác phải khai thác tối đa các lợi thế của tưng địa phương, tinh thần hợp tác cộng sinh, có nghĩa là khách đến Đà Nẵng không phải vì có sân bay thuận lợi, quảng bá xúc tiến tốt, mà nhờ có hai di sản Hội An và Huế nên họ đến. Ngược lại, Hội An và Huế có đến được thuận lợi hay không thì phải nhờ cửa ngõ giao thông Đà Nẵng tốt thì họ mới đến...
Cụ thể, việc đa dang hoá sản phẩm du lịch và chuỗi giá trị dịch vụ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút nhiều quốc tịch khách khác nhau trên thế. Chúng ta còn chưa tập trung đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch, bỏ ngõ rất nhiều thị trường lớn như Trung Đông, Nam Phi, thị trường khách du lịch đạo Hồi trên toàn thế giới, Tây Á...
Có nhiều cách để các địa phương thực tế hóa hợp tác để phát triển du lịch. Ba cơ quan quản lý nhà nước du lịch của ba địa phương (chính là 3 Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cần thực tế hóa các chính sách hợp tác đã ký kết.
Họ cần cùng với các công ty du lịch đóng trên địa bàn và các điểm đến cần thực hiện nhiều hơn các vụ khảo sát và lên chương trình tour liên kết ba địa phương. Từ đó các bên cùng nhau đánh giá những tồn đọng và tiềm năng để hoàn chỉnh chương trình du lịch liên kết.
Kế đó, các địa phương cùng nhau mời các công ty lữ hành từ hai đầu đất nước (Hà Nội và TPHCM) tham gia các chuyến du lịch liên kết để tiếp tục hoàn chỉnh tour, tạo điều kiện để sau này xúc tiến quảng bá và bán sản phẩm cho khách hàng.
Nhiều năm qua, ba địa phương đã có chương trình liên kết phát triển du lịch liên vùng ở mức độ cấp quản lý, các hiệp hội du lịch và trực tiếp các doanh nghiệp với việc kết hợp các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của mỗi vùng miền, góp phần tạo động lực cho việc phát triển các tour tuyến đưa khách đến miền Trung.
Đặc biệt, hiện nay việc liên kết vùng là cách làm hiệu quả để ngành công nghiệp không khói phục hồi và phát triển sau dịch. Liên kết ba địa phương đã có lâu nay, và ba năm gần đây có bổ sung thêm 2 địa phương Quảng Bình và Quảng Trị với Hà Nội và TPHCM được hy vọng sẽ mở ra nhiều triển vọng về đa dạng thêm thị trường du lịch và sản phẩm.
Với sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch của các địa phương hiện nay, cùng với việc nhà Ga quốc tế T2 của Cảng HKQT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) sẽ đưa vào hoạt động từ quí 2 năm 2023 và tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan kết nối các địa phương, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch, là cơ hội lớn cho việc phát triển liên kết du lịch.
Ba địa phương trong khối liên kết truyền thống trên cần cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch và du khách cũng như cộng đồng địa phương; tích cực phối hợp cùng quảng bá quảng cáo tiếp thị mang tính kết nối chuỗi các điểm du lịch, sản phẩm dịch vụ giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch với nhau; và cần xây dựng duy trì chất lượng sản phẩm du lịch, tạo được ấn tượng và đảm bảo sự tin tưởng của du khách và các đối tác du lịch trong và ngoài nước.
Để những sản phẩm du lịch trải nghiệm, dù là văn hóa, lịch sử hay sức khỏe tâm linh... có thể phát triển hiệu quả và bền vững thì đều phải dựa trên giá trị cốt lõi, chân thực trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn và phát huy.
Mỗi một địa phương, một điểm đến, một cộng đồng đều có những giá trị cốt lõi riêng (giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, lịch sử, tôn giáo...), và rất khác nhau. Điều này, sẽ tạo ra các trải nghiệm độc đáo, khác lạ và luôn hấp dẫn du khách.
Do vậy, việc tôn trọng gìn giữ và phát huy đó sẽ giúp cho địa phương giữ được nét độc đáo riêng. Nếu chỉ đầu tư tiền để xây dựng theo trào lưu, sẽ mất đi giá trị riêng độc đáo đó, sản phẩm du lịch sẽ trở thành đại trà. Sự tham gia của người dân địa phương vào các hoạt động du lịch sẽ giúp cho giá trị cốt lõi được bảo tồn và pháp huy.