(KTSG Online) - Lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể lên tới 4,18% nếu Nga thực hiện các biện pháp trả đũa châu Âu và Mỹ đồng thỏa thuận hạt nhân Iran không đạt được, khiến giá dầu đạt mức 105 đô la Mỹ một thùng, theo JP Morgan.
Đơn vị này dự kiến 3 kịch bản có thể xảy ra và tác động của chúng với giá dầu, lạm phát.
Thứ nhất, Nga thực hiện các biện pháp trả đũa và thỏa thuận hạt nhân của Iran không được chấp nhận.
Với kịch bản này, giá dầu sẽ ở mức 105 đô-la một thùng. Còn lạm phát ở mức 4,18%.
Thứ hai, Nga có các động thái leo thang và thỏa thuận hạt nhân của Iran được chấp nhận.
Với kịch bản này, giá dầu sẽ ở mức 100 đô-la một thùng. Còn lạm phát ở mức 3,8%.
Thứ ba, rủi ro địa chính trị giảm dần và thỏa thuận hạt nhân của Iran được đồng thuận.
Với kịch bản này, giá dầu sẽ ở mức 88 đô-la một thùng. Còn lạm phát ở mức 3,58%.
Như vậy, tác động của giá dầu trên thị trường thế giới với lạm phát của Việt Nam sẽ lần lượt tăng 0,65%, 0,3% và 0,08% với mỗi kịch bản.
Tương tự, báo cáo đánh giá tác động của căng thẳng chính trị thế giới đến kinh tế Việt Nam của Dragon Capital cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ tạo áp lực lạm phát qua việc tăng giá dầu khi dầu thô và giao thông – hai lĩnh vực hiện chiếm tỉ trọng 3,6% và 9,7% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, diễn biến giá dầu cũng phụ thuộc vào thỏa thuận liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.
Nhưng đơn vụ này dự báo giá dầu tăng có thể không ảnh hưởng lớn tới lạm phát của Việt Nam do giá xăng trong nước không phải lúc nào cũng biến động cùng chiều với quốc tế.
Lý giải nhận định, đơn vị này cho biết giá nhiên liệu Việt Nam được cấu thành bởi nhiều loại thuế khác nhau như thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường. Đây được xem như là yếu tố bình ổn thị trường.
Ngoài ra, Chính phủ có thể thực hiện một số điều chỉnh chính sách để kiểm soát lạm phát Cụ thể, Chính phủ đã tài trợ cho một công ty lọc dầu để giải quyết những khó khăn tài chính tạm thời và nâng sản lượng lên mức bình thường.
Bộ Tài chính cũng chuẩn bị đấu giá 100 triệu lít xăng RON 92 từ nguồn dự trữ quốc gia trong để tăng nguồn cung.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét giảm thuế môi trường với với xăng dầu. Phương án này sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tới.
Hiện thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 15% giá dầu nội địa trong khi tổng thuế và phí chiếm 42% giá dầu.
Đáng lưu ý, có một số lĩnh vực khác trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng như điện và nước (3,9%), y tế (5,4%), hoặc giáo dục (5,5%) mà Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh để kiềm chế lạm phát.
Về thương mại, Dragon Capital cho rằng căng thẳng Nga – Ukraine tác động không đáng kể với thương mại Việt Nam trong bối cảnh tỉ trọng thương mại của hai quốc gia này với Việt Nam chỉ chiếm tỉ trọng lần lượt là 1% và 0,1% tính trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Cụ thể, Việt nam chủ yếu mua phân bón (150 triệu đô-la), sắt thép (500 triệu đô-la), than đá (500 triệu đô-la), nông sản (300 triệu đô-la) từ hai quốc gia này và xuất khẩu điện thoại di động (1.230 triệu đô-la), hàng dệt may (480 triệu đô-la) và thiết bị điện tử (640 đô-la).
Những con số này, theo Dragon Capital, là cực kỳ khiêm tốn so với tổng giá trị thương mại của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp do Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lớn trên thế giới về niken, neon, krypton, nhôm và paladium – những nguyên liệu quan trọng để sản xuất chip bán dẫn. Vì vậy, bất kỳ gián đoạn nào trong nguồn cung cấp hàng hóa của Nga có thể gây ra tắc nghẽn trong sản lượng lĩnh vực điện tử.
Với Việt Nam, dù không nhập khẩu trực tiếp các nguyên liệu này từ Nga và Ukraine nhưng lại nhập khẩu chip từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Năm 2021, Việt Nam đã mua các chất bán dẫn, điện thoại và linh kiện điện tử giá 59 tỉ đô-la từ các thị trường này, chiếm 17,6% tổng giá trị nhập khẩu.