(KTSG Online) – Ba tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản gồm Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) và Mizuho Financial Group (MHFG) sẽ sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ soạn thảo đơn từ và các công việc nội bộ khác.
- ChatGPT mở ra cánh cửa tuần làm việc 4 ngày?
- Ý cấm ChatGPT vì lo ngại dữ liệu riêng tư bị thu thập trái phép
Tờ Nikkei Asia hôm 17-4 đưa tin MUFG, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, sẽ bắt đầu thử nghiệm một chatbot AI vào mùa hè này để hỗ trợ nhân viên trong các công việc như soạn thảo đơn đề nghị duyệt vay và trả lời các truy vấn thông tin nội bộ. Sáng kiến này nhằm nâng cao năng suất bằng cách giúp nhân viên tiết kiệm thời gian và giảm tải công việc hành chính. Để ngăn ngừa rò rỉ thông tin, chatbot này sẽ bị khóa truy cập từ bên ngoài và dữ liệu của nhân viên sẽ không được sử dụng để huấn luyện AI.
Một khi chatbot này được sử dụng rộng rãi trong nội bộ và cho thấy tính hiệu quả, MUFG sẽ hợp tác với chi nhánh của Microsoft ở Nhật Bản (Microsoft Japan) để phát triển một chatbot AI chuyên biệt cho các nhu cầu công việc của ngân hàng này.
Trong tương lai, MUFG có kế hoạch sử dụng công nghệ chatbot AI để trả lời các câu hỏi của khách hàng trên không gian trực tuyến. Ban đầu, MUFG sẽ cung cấp chatbot AI cho nhân viên ở bộ phận công nghệ thông tin, rồi sau đó, mới phổ biến công cụ này cho toàn bộ nhân viên.
Các chatbot AI tạo sinh, được huấn luyện dựa vào khối lượng dữ liệu khổng lồ, có thể đưa ra các câu trả lời phù hợp và chi tiết trước các câu hỏi của người dùng. Kể từ khi ra mắt hồi cuối năm ngoái, ChatGPT của OpenAI đã thu hút hơn 100 triệu người dùng nhờ các khả năng ấn tượng như sáng tạo chuyện vui, làm thơ, viết các bài luận, soạn thảo các văn bản pháp lý và các nội dung sáng tạo khác.
Tập đoàn Microsoft đã đầu tư tổng cộng khoảng 3 tỉ đô la vào OpenAI và có kế hoạch rót thêm 10 tỉ đô la nữa vào công ty này.
Một số nước ở châu Âu và các nơi khác đã cấm chatbot ChatGPT vì lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.
Tuần trước, SMFG, chủ sở hữu SMBC, ngân hàng lớn thứ hai Nhật Bản, thông báo bắt đầu thử nghiệm một chatbot AI, có tên gọi SMBC-GPT, được phát triển thông qua sự hợp tác với Microsoft Japan và hãng viễn thông NTT Communications. SMFG dự định sẽ cung cấp chatbot này cho tất cả nhân viên sử dụng vào mùa thu tới. Công cụ này sẽ trả lời các câu hỏi của nhân viên về các thông tin đã công bố rộng rãi và dữ liệu riêng của SMFG. Với SMBC-GPT, nhân viên của SMFG có thể dễ dàng tóm tắt nội dung, dịch văn bản, tạo mã nguồn...
Ngoài ra, SMFG sẽ sử dụng chatbot AI để tra cứu các quy định kinh doanh và tập hợp thông tin cơ bản về khách hàng để hỗ trợ soạn thảo các văn bản. Chatbot của SMFG sẽ hoạt động trong một mạng riêng trên nền tảng điện toán đám mây Microsoft Azure để ngăn ngừa dữ liệu rò rỉ ra bên ngoài.
“Chúng tôi sẽ sử dụng công cụ AI theo kế hoạch trong một môi trường chỉ giới hạn cho nhân viện của chúng tôi. Thông tin sẽ không được đưa ra bên ngoài”, một lãnh đạo của SMFG nói.
Về lâu dài, SMFG đặt mục tiêu phát triển SMBC-GPT thành một công cụ AI tài chính, có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, nhân viên SMFG có thể sử dụng SMBC-GPT để cải thiện dịch vụ khách hàng. Bằng cách sử dụng thông tin như xu hướng thị trường do AI thu thập và phân tích, họ có thể tạo ra các tài liệu lập kế hoạch đầu tư và cung cấp các thông tin tư vấn khác nhau cho khách hàng.
MHFG, ngân hàng lớn thứ ba đất nước, cũng dự định giới thiệu công cụ AI để sử dụng nội bộ. Ngân hàng này đang xem xét hợp tác với Microsoft Japan để phát triển một chatbot riêng nhằm bảo vệ các thông tin nhạy cảm.
Trong khi các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài bao gồm ngân hàng Morgan Stanley nhanh chóng thử nghiệm ChatGPT, cho đến nay, tại Nhật Bản, các công ty khởi nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ chatbot AI. Các động thái trên của ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản có thể thúc đẩy các doanh nghiệp lớn khác trong nước cởi mở hơn với công nghệ mới này.
Theo Nikkei Asia, JiJi Press, Medium