(KTSG Online) - Một học sinh 18 tuổi tại Nghệ An vừa được xác định tử vong do bệnh bạch hầu. Đây là ca bệnh đầu tiên tại địa phương này trong nhiều năm trở lại đây.
Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc bệnh khởi phát đến lúc tử vong. Trong đó, một trường hợp tiếp xúc gần đã dương tính với bạch hầu.
- Điều tiết giao thông: phòng bệnh hơn trị bệnh
- Người bệnh chờ cả tháng để xạ trị: Bệnh viện Ung bướu TPHCM mở khám từ sáng sớm
Sáng 8-7, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin, trên địa bàn vừa ghi nhận 1 bệnh nhân 18 tuổi (trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) tử vong do bệnh bạch hầu.
Trước đó, ngày 26-6, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, đau họng và tự mua thuốc điều trị, sau đó vẫn tham gia dự kỳ thi trung học phổ thông năm 2024 tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn.
Sau khi thi xong, bệnh nhân về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1-7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị tại Khoa Lây với chẩn đoán viêm loét họng-Amidan mủ, tiên đoán bạch hầu. Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã tiến hành hội chẩn liên khoa và hướng dẫn gia đình cho chuyển tuyến trên điều trị nhưng gia đình không đủ điều kiện, xin nằm điều trị tại khoa.
Ngày 4-7, bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Hữu Nghị Đa Khoa Nghệ An điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Khuya 4-7, bệnh nhân được gia đình xin về và tử vong trên đường về vào rạng sáng ngày 5-7.
Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Trong đó, xác định 7 người có tiếp xúc gần cùng bệnh nhân tại phòng ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn.
Điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, có 2 người di chuyển đến tạm trú tại tỉnh Bắc Giang. Đến nay 1 nữ sinh trong số đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị ngành Y tế Bắc Giang, Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm, xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh bạch hầu, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần…
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu 2 Sở Y tế trên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường trên địa bàn; thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vắc-xin, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng thành dịch. Bệnh này được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao, người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng từ 6 đến 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.
Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp. Người mắc bệnh đều không tiêm vaccine và thường ở vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo Sở Y tế Nghệ An, Sức khoẻ & Đời sống