(KTSG Online) Tuần qua, tại buổi làm việc với ngành y TPHCM, khi lắng nghe thực trạng hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc, Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ, khi người thầy thuốc chọn ngành là họ đã mong muốn được cứu người. Muốn học y phải giỏi, trải qua nhiều năm nên không dễ để ai đó thay đổi con đường lựa chọn. Nhưng nếu cùng lúc dồn dập nhiều thứ quá, sức chịu đựng của con người có hạn. Do đó, những ai đã chọn từ bỏ ngành y, chắc hẳn rất đau xót…(1)
Những lo lắng, cảm thông của lãnh đạo thành phố đã cởi bỏ những suy nghĩ giấu kín trong lòng lâu nay của nhiều y bác sĩ các bệnh viên công.
Một bác sĩ Bệnh viện 175 cho rằng, từ khi mới nhập trường, áp lực học tập đã đòi hỏi sinh viên y khoa phải có một ý chí và sự lỳ lợm… hơn người.
Để được chọn vào ngành y, đa số các sinh viên đều ưu tú, phải có thang điểm THPT thậm chí cao chót vót. Khối lượng kiến thức, số buổi thực hành, kiến tập luôn gấp 2-3 lần các sinh viên nhiều ngành khác.
Sinh viên y từ năm thứ 3 luôn cảm thấy bị stress vì thành tích học tập yếu kém, cảm giác sợ mình không theo nổi ước mơ đứng trong hàng ngũ chiến sỹ áo trắng, nên vừa tròn 5 điểm để qua môn đã là thành công lắm.
Chưa hết, với sinh viên y hiện nay, bảng công khai mức học phí cũng là áp lực khủng khiếp, từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm. Những con số, mà học sinh giỏi nhưng nhà nghèo, khó có điều kiện theo học.
Rồi ai cũng nghĩ học y thì học xong ra trường là có việc ngay. Nhưng không, sinh viên trường y thường lê lết sống, làm chân lon ton sai vặt ít nhất 2 năm sau ra trường mới được các bệnh viện ký hợp đồng ngắn hạn, để rồi nhận mức lương khởi điểm 7-8 triệu đồng/tháng, không bằng thu nhập của bạn bè cùng trang lứa học các ngành marketing, thương mại điện tử...
Trưởng khoa một bệnh viện cho biết, để thành bác sĩ cần một sự đầu tư rất lớn của gia đình, bản thân phải nỗ lực phấn đấu không ngừng. Đằng đẵng nhiều năm sau đó là sự trải nghiệm ghê gớm cho các ca trực, liên miên theo dõi bệnh nhân, nghiên cứu khoa học; vợ chồng con cái hiếm khi có bữa cơm chung ấm áp.
Để rồi, rất nhiều người dù tâm huyết, chỉ gắng làm việc trong bệnh viện công 5-7 năm, sau đó đều tìm cách chuyển sang các bệnh viện tư nhân, hoặc về vay vốn mở phòng khám riêng, đỡ áp lực hơn, bệnh nhân có chọn lọc, thu nhập lại cao hơn nhiều lần. Cũng rất nhiều người đã không chịu đựng nổi sức ép tại các bệnh viện, đã rời bỏ ngành.
Trên suckhoedoisong.vn, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, đồng tình rằng một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có trên chục năm được đào tạo, tập huấn, làm việc và cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Đến khi họ 30-35 tuổi đủ trưởng thành trong nghề thì phải đối mặt với bao gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Với mức lương còn thấp hiện nay, khó giữ chân họ(2).
Trong khi đó, làm ở khu vực y tế công, y bác sĩ không chỉ đối mặt với áp lực công việc nặng nề, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao nên nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Chưa kể tình trạng bị chửi rủa, đe dọa, hành hung của bệnh nhân, của người nhà đối với y bác sĩ ngày càng tăng.
Bệnh viện công, có thể nói là nơi các y bác sĩ trẻ đem hết nhiệt huyết cống hiến, là nơi trui rèn nhân cách, trách nhiệm một bác sĩ giỏi. Nhưng trong một năm rưỡi qua, gần 9.400 nhân viên y tế khu vực y tế công lập nghỉ việc, thôi việc.
Phải có những giải pháp để giữ chân y bác sĩ ở lại, để họ yên tâm cống hiến, để những bệnh nhân nghèo được hưởng sự chăm sóc, chữa trị của những y bác sĩ có tay nghề, trình độ chuyên môn cao.
Nâng cao chất lượng và hình ảnh hệ thống y tế công trong con mắt người dân bằng sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại đang là nhu cầu, đòi hỏi cho sự ở lại của các y bác sĩ. Cần thiết có thể hợp tác với các nhà đầu tư để đổi mới, nâng cấp các bệnh viện - vị bác sĩ Bệnh viện 175 nói. Một thực trạng bệnh viện công ngày càng xuống cấp, thuốc men, trang thiết bị thiếu thốn như hiện nay thì không thể đảm bảo cho nhân viên y tế yên tâm công tác và đạt được hiệu quả cao trong điều trị cứu người.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường biện pháp phòng vệ trực tiếp và gián tiếp (phương tiện, huấn luyện và tuyên truyền), quy trình hóa các “điểm nóng” có nguy cơ cao va chạm như khoa cấp cứu, phòng mổ, nội soi, xét nghiệm cận lâm sàng…(3)
Đặc biệt sớm có đạo luật chống hành hung nhân viên y tế, bởi hiện nay nhân viên y tế không được luật chống, hành hung người đang thi hành công vụ bảo vệ, do các bệnh viện đã được coi là cơ sở dịch vụ y tế, cán bộ y tế không còn là công chức, khi hành nghề không được coi là đang thi hành công vụ.
Được biết, tại kỳ họp Quốc hội tới, Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được trình, trong đó chế độ phúc lợi, lương thưởng của nhân viên y tế được nâng lên; cơ chế bảo vệ có nhiều điều chỉnh theo hướng tốt hơn để các y bác sĩ hoàn toàn yên tâm dành hết tâm sức trị bệnh cứu người. Hy vọng đó là những tín hiệu tốt giữ chân các y bác sĩ ở lại làm việc trong bệnh viện công.
----------
https://dantri.com.vn/blog/giai-phap-cho-nan-hanh-hung-bac-si-20220805171405984.htm (3)
Người làm việc trong lĩnh vực công bỏ việc ngày càng nhiều. Cũng không có gì phải đáng lo nhiều. Đây là cơ hội tích cực để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại bộ máy công (cả hành chính/ và dịch vụ) trở nên tinh gọn, năng động, hiệu quả hơn. Quan trọng nhất vẫn là xây dựng văn hóa công vụ, trong đó biết tôn trọng và tôn vinh người làm việc trong bộ máy hành chính/ công vụ. Công chức phải đảm bảo ba điều kiện 1. Đủ uy tín để xã hội thừa nhận, 2. Đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, 3. Đủ lương để sống đàng hoàng. Đó cũng là tiền đề góp phần quyết định đưa đất nước đi lên bền vững.
Xem ra, chủ trương giảm biên chế 5-10% công chức, viên chức giai đoạn 2021-2026 của Bộ chính trị mới đây là rất sáng suốt, chứ không phải là gây khó khăn cho các ngành công vụ như nhiều ý kiến phản ánh. Nhưng thực ra, giảm thế này vẫn chưa kiên quyết lắm. Cần phải làm mạnh hơn để mục tiêu cao nhất là đổi mới đội ngũ và nâng cao chất lượng cuộc sống công chức.