Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài học chống lạm phát

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong một động thái hiếm thấy, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman vừa viết một bài đăng trên tờ New York Times với một tít thừa nhận: “Tôi đã sai về lạm phát”.

Nguyên do là đầu năm 2021 có một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà kinh tế về hậu quả có thể có từ gói giải cứu trị giá 1.900 tỉ đô la mà Chính phủ Mỹ tung ra để chống suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19. Nhiều người cho rằng bơm tiền nhiều như thế vào nền kinh tế ắt sẽ dẫn đến lạm phát không kiểm soát nổi; ngược lại, cũng nhiều người nói, yên tâm, không lạm phát đâu và Paul Krugman ở nhóm thứ nhì. Con số lạm phát vào tháng 6-2022 lên đến 9,1%, cao nhất trong 40 năm qua ở Mỹ, đã phân định ai đúng ai sai.

Bây giờ nhìn lại, có thể thấy rõ tiền bơm trực tiếp vào nền kinh tế ắt hẳn sẽ tạo ra một mức cầu cao hơn; cầu cao ắt dẫn đến tăng cung, tức nền kinh tế sẽ chạy hết công suất để thỏa mãn mức cầu mới, một yếu tố gây lạm phát. Nhưng quan trọng hơn, cung lại bị tắc nghẽn bởi nhiều yếu tố, từ đại dịch đến chiến tranh, từ nghẽn tàu đến nghẽn cảng, từ thiếu chip đến thiếu nhân công – những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của giới làm chính sách nhưng có tiềm năng gây lạm phát mạnh hơn cả. Giả thử cung bị tắc nghẽn trong khi cầu giữ nguyên còn đỡ; đằng này cung giảm trong bối cảnh bơm tiền làm cầu tăng mạnh – Paul Krugman thừa nhận mình sai về lạm phát là hoàn toàn chính xác.

Như vậy bài học có thể rút ra ở đây là trong bối cảnh lạm phát xảy ra ở nhiều nước, nhiều khu vực, ưu tiên chính sách không nên tập trung vào tăng trưởng GDP, bởi kinh tế phát triển nóng ắt áp lực lạm phát sẽ cao hơn. Thứ hai các gói giải cứu phải thiết kế sao cho không dẫn tới tăng cầu trong nước – chẳng hạn, các khoản đầu tư vào hạ tầng nên rải đều ra nhiều năm; các khoản trợ cấp cho người dân nhắm đến giúp họ trang trải những chi tiêu trực tiếp lâu nay họ vẫn phải chi tiêu.

Theo nhiều nhà kinh tế, đợt lạm phát trải rộng ở nhiều nước hiện nay chỉ có thể giải quyết từ phía cung, chứ không chỉ phía cầu. Tức nâng lãi suất là cần thiết, nhưng không phải là biện pháp duy nhất và không nên tiến hành ở mức cực đoan. Lãi suất phải ở mức nền kinh tế chịu được và vẫn tiếp tục duy trì khả năng tăng cung, nhất là nguồn cung trong nước – từ sản xuất nông nghiệp để duy trì giá cả lương thực thực phẩm ổn định đến sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu đầy đủ cho nhu cầu người dân, không để xảy ra thiếu hụt dẫn tới tăng giá.

Với nguồn cung từ nước ngoài thường nằm ngoài khả năng chi phối của chúng ta, bài học từ các nước lâm vào khủng hoảng như Sri Lanka cho thấy then chốt là duy trì một mức dự trữ ngoại hối đủ để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, từ nhập khẩu xăng dầu đến trang thiết bị, máy móc; từ thuốc men đến hàng hóa tiêu dùng trong nước chưa sản xuất.

Bài học cuối cùng là không vì giá cả tăng vọt nơi này hay nơi khác mà chuyển sang chính sách kiểm soát giá một cách phi thị trường hay kiểm soát luồng dịch chuyển của hàng hóa. Một số nước Đông Nam Á đã áp dụng chính sách cấm xuất khẩu một số mặt hàng hay áp giá trần cho một số mặt hàng khác để chống lạm phát nhưng đều thất bại; sau khi giá cả lại tăng chứ không giảm, họ đều phải từ bỏ chính sách cấm đoán này.

Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi như dự trữ ngoại hối cao, nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước dồi dào, lạm phát vẫn dưới mức chỉ tiêu cho phép, các gói giải cứu không tạo ra cầu tăng đột biến… nhưng tham khảo bài học của các nước đang rút ra từ nỗ lực chống lạm phát của họ vẫn là điều cần thiết cho hiện tại và cả tương lai.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ai mà không sai. Cho dù là thiên tài đi nữa. Bởi vậy ông bà ta có nói, có tài có tật là vậy. Lạm phát, dù nguyên nhân gì đi nữa, cũng là do hành vi của con người gây ra, trước hết là hành vi của các nhà lãnh đạo quốc gia. Vô lý thay, sự trừng phạt của lạm phát khốc liệt ở chỗ nó luôn nhắm vào đời sống của tầng lớp người dân nghèo khổ. Đây là số đông nhất, đáng lo lắng và trăn trở nhất. Do vậy, mọi lý thuyết của các vị “tinh hoa lý luận” cho dù hay ho đến mấy cũng không thể tin được khi nhân loại không thể giải phóng triệt để tình trạng đói nghèo và bất công triền miên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới