Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bài toán khó cho các nhà lãnh đạo G20

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ghi nhận những quan điểm khác nhau về triển vọng phục hồi kinh thế giới của các lãnh đạo đến từ các tổ chức như Liên Hiệp Quốc, Hội đồng châu Âu và Mỹ khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (gọi tắt là G20) đang diễn ra tại hòn đảo du lịch Bali, Indonesia.

Ảnh chụp từ Trung tâm báo chí G20 sáng nay, 16-11: Lãnh đạo các nền kinh tế trong G20 trồng cây tại hòn đảo du lịch Bali, Indonesia, thể hiện cam kết hợp tác ứng phó với khủng hoảng lương thực và năng lượng hiện nay. Ảnh: Nhân Tâm

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, các buổi hội đàm tại G20 đã và đang thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên toàn cầu.

Cụ thể, các lãnh đạo thế giới đang phải cố gắng tìm ra cách để vượt qua giai đoạn khó khăn do xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra, kéo theo đó là khủng hoảng lương thực toàn cầu. Bên cạnh đó, họ cũng bàn đến các vấn đề khác như hỗ trợ xóa nợ và đầu tư cho an ninh và y tế toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden chia sẻ thêm rằng Hội nghị thượng đỉnh G20 là một diễn đàn mang tính chiến lược để các nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt tay nhau vì lợi ích của cộng đồng toàn cầu. Không những vậy, các nền kinh tế này sẽ góp phần đảm bảo thế giới sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với các mối đe dọa tiềm tàng của các đợt đại dịch khác (nếu có) trong tương lai.

Được biết, trước khi đến Indonesia, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm Ai Cập vào ngày 11-11. Sau đó, ông tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN hàng năm tại Campuchia vào ngày 12 và 13-11. Trong hai sự kiện nói trên, ông Joe Biden cũng đã nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ đồng hành cùng các quốc gia đối mặt với những thách thức toàn cầu hiện nay.

Ông lấy ví dụ tại hội nghị biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập, Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy an ninh năng lượng trong nước và trên toàn thế giới để vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu và đáp ứng các mục tiêu phát thải theo Thỏa thuận chung Paris (thỏa thuận đưa ra tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2015).

Ngoài ra, trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN, ông Joe Biden một lần nữa bày tỏ cam kết hợp tác với các nước đối tác của Hoa Kỳ để giúp tạo ra một khu vực tự do, cởi mở và an toàn.

“Tôi đã gặp các đồng minh của mình từ Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc và nhấn mạnh cam kết tăng cường hợp tác giữa các đồng minh để đối phó với các mối đe dọa chung”, Biden chia sẻ tại buổi nói chuyện của mình tại hội nghị G20.

Trong khi đó, trong các cuộc nói chuyện cũng như họp báo tại sự kiện, ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhắc đi nhắc lại rằng các quốc gia trong G20 phải đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Các thách thức bao gồm biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Ông cũng lưu ý các xung đột địa chính trị hiện nay có thể dẫn đến xung đột mới và làm xáo trộn các nỗ lực giải quyết các vấn đề đã tồn tại trước đó.

Liên quan đến các vấn đề biến đổi khí hậu, theo vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, dựa trên những gì đã thảo luận tại COP 27, rất khó để ngăn trái đất nóng thêm 1,5 độ C. Ông gợi ý cần phải có cách tiếp cận mới thông qua hiệp ước hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển trong G20 – nơi “đóng góp” 80% lượng khí thải toàn cầu.

Về vấn đề khủng hoảng năng lượng, ông Antonio Guterres, lựa chọn duy nhất là khuyến khích chuyển đổi năng lượng tái tạo và sử dụng Internet như là công cụ kết nối toàn cầu, khuyến khích công dân toàn cầu sử dụng năng lượng tái tạo mà không xung đột các lợi ích khác.

Một người bán thức ăn vặt trên bờ biển tại hòn đảo du lịch Bali, Indonesia. Lương thực bền vững đang là vấn đề hiện nay của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ảnh: Nhân Tâm

Về các vấn đề an ninh lương thực và năng lượng nói trên – cũng là chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này và là vấn đề nóng của thế giới hiện nay, ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đưa ra những giải pháp tài chính tại buổi họp báo hôm qua, 15-11.

Ông cho hay xung đột Nga – Ukraine đang tác động đến tất cả mọi người, từ Châu Âu đến Châu Phi hay Trung Đông. Và cách tốt nhất duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về lương thực và năng lượng là chấm dứt xung đột và tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc.

“Chúng ta sẽ có cơ hội để giải quyết thách thức lớn về an ninh lương thực trong bối cảnh số người phải đối mặt với nạn đói và suy dinh dưỡng trầm trọng đang tăng lên”, ông nói và tiết lộ EU đang huy động nguồn vốn trị giá 8 tỉ euro để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. “Chúng ta nên hỗ trợ các nước đang phát triển tự sản xuất phân bón bền vững tại địa phương”, ông lấy ví dụ về một trong những phương án hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu sau dịch.

Về vấn đề khí hậu, vị Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cho hay EU vẫn là nước đóng góp lớn nhất cho các quỹ khí hậu với tổng giá trị lên đến 23 tỉ euro vào năm 2021. Ông hy vọng các thành viên trong G20 nên bỏ ra 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm để giải quyết các vấn đề khí hậu trên toàn cầu.

“Chúng tôi cũng đang hỗ trợ các quốc gia loại bỏ khí carbon trong các ngành công nghiệp sản xuất”, ông Charles Michel chia sẻ thêm. “Chúng tôi đang cố gắng giúp các quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng và công nghệ xanh”.

Với sự cầu thị và những giải pháp được đưa ra trong các ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 từ các nhà lãnh đạo trên thế giới, giới quan sát hy vọng có thể sẽ có một thỏa thuận chung về tài chính và chính sách tiền tệ phù hợp để giúp khôi phục niềm tin và xây dựng hệ sinh thái đầu tư kinh doanh tốt hơn trên toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới