(KTSG Online) - Việt Nam là một trong hai quốc gia hàng đầu mà các nhà sản xuất bán dẫn trên thế giới có kế hoạch lựa chọn đầu tư cho thế hệ tiếp theo, theo Bain & Company, tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu.
- Cơ hội bước vào chuỗi giá trị của thị trường bán dẫn hàng tỉ đô
- Sức ép đè nặng lên ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc
Ngày 6-9, Bain & Company (Bain), tập đoàn với hơn 60% công ty thuộc danh sách Fortune 500 (Top 500 công ty có doanh thu lớn nhất Mỹ) là khách hàng của Bain, công bố khai trương văn phòng đầu tiên tại Việt Nam, toạ lạc tại TPHCM.
Việc mở văn phòng đánh dấu sự hiện diện chính thức của đội ngũ nhân sự cùng đối tác của Bain tại Việt Nam sau hơn hai thập niên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài và nội địa, cũng như các nhà đầu tư tài chính ở Việt Nam.
Đây cũng là tập đoàn tư vấn đầu tư và chiến lược M&A (mua bán và sáp nhập) cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn trên thế giới khi có kế hoạch đầu tư và thực hiện các thương vụ mang tính bước ngoặt, trong đó có các thương vụ lớn tại Việt Nam.
Ông Wade Cruse, đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Bain & Company, cho biết Bain đã từng tư vấn thành công cho một doanh nghiệp bán dẫn lớn thế giới đầu tư ở Việt Nam.
Nhận câu hỏi của KTSG Online về xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà bán dẫn toàn cầu và cơ hội nào cho Việt Nam, ông Wade Cruse cho rằng Việt Nam là một trong hai quốc gia hàng đầu được các nhà sản xuất bán dẫn lựa chọn kế tiếp.
"Khi chúng tôi trao đổi với khách hàng là các tập đoàn bán dẫn toàn cầu, họ đều nói rằng Việt Nam đứng vị trí 1 hoặc thứ 2 trong kế hoạch đầu tư cho thế hệ tiếp theo của họ", ông Wade Cruse chia sẻ, và ông cho rằng cơ hội và triển vọng cho Việt Nam về thu hút đầu tư ngành bán dẫn chắc chắn là có, bên cạnh đất nước khác là Ấn Độ.
Nói về lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư của các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu, ông Wade Cruse cho rằng Việt Nam có hệ sinh thái ngành bán dẫn được hình thành rất tốt, có tài năng, kỹ thuật công nghệ, và có cả hệ thống những công ty nhỏ phục vụ cho ngành.
Thời gian qua cũng có các nhà sản xuất bán dẫn và thiết kế bán dẫn đã tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia trong ngành tin rằng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực vi mạch.
Ông Wade Cruse cho biết kế hoạch mở văn phòng ở Việt Nam là bước đi chiến lược của Bain nhằm hiện thực hóa cam kết phục vụ thị trường Việt Nam năng động và tăng trưởng nhanh, đồng thời tăng cường sự hiện diện của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á.
Ông Andrea Campagnoli, Trưởng văn phòng của Bain tại Việt Nam, cho biết việc chính thức khai trương văn phòng mới với dàn lãnh đạo cấp cao và đội ngũ tư vấn viên Việt Nam giúp Bain hiện thực hóa mong muốn gần gũi và hỗ trợ tốt hơn các khách hàng của tập đoàn.
Một số lĩnh vực cốt lõi mà Bain mang đến Việt Nam gồm chuyển đổi hoạt động kinh doanh nhằm khai phá tiềm năng tối đa của doanh nghiệp, thiết kế lại chiến lược cũng như cách thức vận hành trong hoàn cảnh nhiều biến động; thúc đẩy đổi mới dựa vào công nghệ - bao gồm các giải pháp công nghiệp 4.0, AI tạo sinh…; hỗ trợ quá trình chuyển đổi Net Zero của doanh nghiệp qua các sáng kiến bền vững; tư vấn chiến lược M&A cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi thực hiện các thương vụ mang tính bước ngoặt tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, Bain cũng ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT, qua đó mở rộng hơn danh sách các đối tác của mình. Mối quan hệ hợp tác này sẽ tạo điều kiện để Bain hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số trên nhiều lĩnh vực và ngành nghề tại Việt Nam.
Bain hiện hoạt động tại 65 thành phố thuộc 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với đội ngũ gồm hơn 18.500 chuyên gia quốc tế.