(KTSG Online) - Sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử toàn cầu đã tạo điều kiện cho nhiều nhà sản xuất Việt Nam bán sản phẩm mang thương hiệu của chính mình ra thế giới chỉ với những cú nhấp (click) chuột, bên cạnh việc giá công cho các thương hiệu nước ngoài. Thế nhưng, khi đi trên con đường kinh doanh này, vốn được ví như một "đại lộ" trong tương lai, vốn không hề là điều dễ dàng với nhiều doanh nghiệp nội địa.
- Ngành thuế thu thập thông tin giao dịch từ sàn thương mại điện tử
- Xuất khẩu hàng hóa còn gặp khó khăn do thị trường thu hẹp
Mang về nhiều ngoại tệ hơn nhờ xuất khẩu online
Trong bối cảnh diễn biến thị trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam đã xoay chuyển và tận dụng thương mại điện tử để bán hàng và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới ngày càng gia tăng. Ngay cả ở thời điểm thị trường rơi vào tình cảnh “ngăn sông cấm chợ” do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn có khách hàng ở bên kia phương trời xa và đơn hàng xuất khẩu duy trì xuyên suốt cho đến nay.
Khởi nghiệp trong giai đoạn thử thách do dịch Covid-19 hoành hành, nhà sáng lập thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cói xiên đan lát ChicnChill lại nhìn thấy cơ hội cho những sản phẩm của mình. Đó là khi giãn cách xã hội được áp dụng, nhiều người phải ở nhà cũng chính là lúc xu hướng mua sắm đồ nội thất, trang trí nhà cửa lên ngôi, đặc biệt là thị trường Mỹ, châu Âu. Do đó, ông Trần Tuấn Dũng đã tìm đến thương mại điện tử xuyên biên giới để tìm cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp mình.
“Tôi đã dành nhiều tháng tìm tòi trên các website về lối sống ở thị trường Âu, Mỹ; nghiên cứu và phân tích các xu hướng trang trí nhà cửa với các vật liệu từ thiên nhiên, từ đó xác định dòng sản phẩm chủ lực đầu tiên của doanh nghiệp, kết hợp yếu tố bản sắc Việt trong chất liệu phối hợp với phong cách phù hợp”, ông Dũng kể lại.
Tuy nhiên, là kỹ sư, không có nhiều kiến thức về thị trường thương mại điện tử lẫn kinh nghiệm kinh doanh nên ông Dũng gặp không ít khó khăn, từ thiếu nhân lực đến thách thức về tài chính, kiến thức vận hành, tìm hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng...
Do đó thời gian đầu, ChicnChill thử nghiệm kinh doanh vài sản phẩm đồng loạt trên một số nền tảng nhưng không đạt kết quả như kỳ vọng. Thất bại đã đổi lấy kinh nghiệm để ông Dũng mạnh dạn hơn khi chính thức đưa hàng hóa lên sàn Amazon vào đầu năm ngoái. Điều khá bất ngờ, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn tham gia xuất khẩu và bán hàng trên Amazon, các sản phẩm thủ công trang trí của ChicnChill được đón nhận và yêu thích trên nền tảng này.
Trong ngành gia dụng, thương hiệu Sunhouse vốn quen thuộc với thị trường bán lẻ truyền thống. Với mong muốn tăng trưởng xuất khẩu, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã tìm tới các giải pháp phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.
Tuy nhiên, so với việc chinh phục thị trường nội địa, bước chân vào sân chơi quốc tế khó khăn gấp bội. Điều này, đòi hỏi công ty phải có tầm nhìn và chiến lược cụ thể để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam. Chọn lựa hợp tác với Amazon đã giúp Sunhouse tiếp cận khách hàng quốc tế trực tiếp ở nhiều nước trên thế giới, không cần trung gian xuất khẩu hay trung gian bán lẻ và không cần phải mở chi nhánh, cơ sở ở nước ngoài như trước đây.
Thông thường để một doanh nghiệp tự tìm hiểu và tham gia vào một thị trường hoàn toàn mới sẽ cần thời gian dài trong vài năm, song nếu hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử thì quá trình đó sẽ được rút ngắn, doanh nghiệp có thể nhanh chóng, tự tin đưa sản phẩm của mình ra quốc tế.
Với sự hỗ trợ từ Amazon, đơn vị tiến hành các khảo sát để nắm bắt nhu cầu khách hàng, từ đó tập trung các sản phẩm với các tính năng, đặc điểm phù hợp với khách hàng sở tại. Nhờ đó, dù mới gia nhập Amazon từ đầu năm 2022 nhưng tốc độ tăng trưởng của Sunhouse đã vượt mức kỳ vọng. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số của Sunhouse tăng trưởng trung bình 160 – 200% mỗi tháng, trong đó có các sản phẩm thường xuyên “cháy hàng”. Với tiềm năng này, tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng danh mục sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Hàng loạt doanh nghiệp Việt khác cũng thông qua nền tảng điện tử mà gia tăng lượng bán hàng và còn được xuất khẩu dưới thương hiệu của doanh nghiệp mình thay vì lâu nay chỉ xuất khẩu dưới thương hiệu của các nhãn hàng ngoại.
Cũng nhờ thương mại điện tử mà nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể xuất khẩu sản phẩm khắp nơi và đứng trước cơ hội cạnh tranh thương mại bình đẳng tại các thị trường lớn, ngay cả Trung Quốc. Đơn cử như tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực với các sản phẩm là chanh dây và sầu riêng cấp đông. Doanh nghiệp này ước doanh thu trong năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Đáng chú ý, toàn bộ doanh thu này đến từ việc tham gia sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu tiếp tục đưa hàng nông sản Việt Nam vào thị trường EU.
Có thể nói, thông qua các sàn thương mại quốc tế như Alibaba, Amazon, JD.com, Shopee Global…, người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hoặc mua lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là các loại nông sản thành phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất, gia dụng hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiên nhiên…
“Đại lộ” không bằng phẳng
Ưu thế của thương mại điện tử là kết nối xuyên biên giới. Khi thực hiện xuất khẩu qua sàn thương mại này, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang đứng trước cơ hội cạnh tranh thương mại bình đẳng.
Mặc dù thương mại điện tử tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng đối nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý trong khi chưa rõ về hiệu quả kinh doanh mang lại.
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), cũng là chủ hệ thống cửa hàng đồ gỗ Furnist, cho rằng xuất khẩu hàng hóa dưới nhãn hàng của công ty ở kênh bán hàng online là ý tưởng hay, nhưng đi vào thực tế để làm không hề đơn giản. Theo ông Sang, có thể ở một số ngành hàng với sản phẩm nhỏ, gọn nhẹ,... xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử sẽ phần nào giúp mở rộng thị trường và mang lại hiệu quả kinh doanh. Còn những mặt hàng cồng kềnh, nặng và chiếm nhiều không gian như sản phẩm đồ gỗ... thì cần cân nhắc về tính hiệu quả.
Bởi lẽ không chỉ thực hiện nhiều thủ tục, khâu kiểm duyệt, thẩm định về sản phẩm của chủ sàn thương mại, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu còn có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, thuê kho bãi chứa hàng, thuê nhân sự… ở các thị trường mình muốn đến khá tốn kém, trong khi chưa rõ hiệu quả kinh doanh thế nào?
Không chỉ mặt hàng cồng kềnh và nặng như đồ gỗ, mà ngay cả lĩnh vực dệt may dù được xếp vào tốp 2 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng trên bản đồ dệt may toàn cầu lại thiếu vắng thương hiệu may mặc của doanh nghiệp Việt Nam.
Đơn cử Việt Thắng Jeans và Agtex 28 cũng có thương hiệu riêng tương ứng là V-SixtyFour và Belluni đang được đẩy mạnh ở thị trường trong nước. Tuy nhiên ở thị trường quốc tế thì chưa được biết đến. Về năng lực sản xuất, các ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt có thể làm được những sản phẩm chất lượng tốt và đáp ứng các điều kiện khắt khe của các nước. Tuy nhiên, để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm thì khâu xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường công phu và tốn kém mà rất cần sự hỗ trợ kênh xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý.
Điều này cũng lý giải vì sao nhiều ngành nghề và lĩnh vực dù những năm qua doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đi nhiều thị trường với giá trị rất lớn nhưng hầu hết là dưới thương hiệu nước ngoài.
Đại diện một doanh nghiệp khác lo lắng, đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên quá trình đăng ký trở thành đối tác của các sàn thương mại điện tử quốc tế không hề dễ dàng vì phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt của chủ sàn giao dịch online. Bên cạnh hàng hóa phải chuẩn, đáp ứng tiêu chí của thị trường, doanh nghiệp phải trải qua quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tiêu chí chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế; bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn từ phía chủ sàn thương mại. Lên được sàn rồi, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp…
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW cũng cho hay, để vào được thị trường lớn như Trung Quốc, doanh nghiệp này cũng mất một năm để tìm hiểu các quy trình và thủ tục cũng như là thói quen mua hàng của người Trung Quốc để mang sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử.
Tương tự, theo đại diện Tập đoàn Sunhouse để đạt hiệu quả cao khi tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, khâu nghiên cứu chi tiết thị trường nhập khẩu là rất quan trọng mà các doanh nghiệp không nên bỏ qua.
"Sunhouse hiện có hàng trăm sản phẩm, nhưng chúng tôi đã dành khoảng 5 tháng để nghiên cứu thị trường và chỉ lựa chọn ra bốn sản phẩm phù hợp nhất để đưa lên sàn Amazon mới đạt được kết quả tích cực", ông Vũ Thanh Hải của Tập đoàn Sunhouse nói, và cho rằng bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam như: Thông tin, năng lực, chi phí, quy định...
Kết quả khảo sát của Amazon cho thấy có đến 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; và 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.
Rõ ràng có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy gian nan ở phía trước khi doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh bán hàng online. "Thời đại 4.0 mở ra thế giới với rất nhiều cơ hội ngay trước mắt, chỉ là chúng ta có dám đón nhận những cơ hội đó hay không”, ông Lê Tùng, Giám đốc chiến lược, Giám đốc Marketing Tập đoàn Sunhouse nhìn nhận.
Theo nghiên cứu của Amazon, năm 2022 thương mại điện tử sẽ tăng trưởng gấp 6 lần tốc độ bán hàng tại cửa hàng. Với mô hình xuất khẩu truyền thống, một sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng phải qua rất nhiều khâu, bắt đầu từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu- nhà nhập khẩu- đơn vị bán sỉ - bán lẻ, cuối cùng mới đến tay khách hàng. Tuy nhiên, với thương mại điện tử, sản phẩm đến tay người tiêu dùng chỉ cần từ cần nhà sản xuất và qua một trung gian là đơn vị cung cấp dịch vụ. Điều này chứng tỏ thương mại điện tử đã giúp rút ngắn thời gian tối đa, tối ưu hóa phản hồi của khách hàng với các sản phẩm của nhà cung cấp.