(KTSG Online) – Khi chi phí sản xuất tôm Việt Nam kém cạnh tranh so với các đối thủ đến từ Ấn Độ và Ecuador, thì sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao đang là lợi thế giúp Việt Nam khai thác được một số thị trường. Tuy nhiên, liệu lợi thế này có duy trì được dài lâu hay không?
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam tuy giảm 21,5% so với năm trước đó, những vẫn giữ được một vị thế nhất định trong số các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới khi đạt kim ngạch 3,4 tỉ đô la Mỹ. Có được kết quả này là nhờ đóng góp rất lớn từ mảng tôm chế biến của Việt Nam, khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ…
Tôm chế biến đang là lợi thế của Việt Nam
Bằng chứng để khẳng định sản phẩm chế biến có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong xuất khẩu của ngành tôm Việt Nam, đó là với những thị trường “chuộng” tôm chế biến, Việt Nam luôn dẫn đầu so với các đối thủ chính.
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, hiện Việt Nam nằm trong tốp 4 nhà cung cấp tôm hàng đầu thế giới, cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên, với những thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm chế biến, thì Việt Nam luôn ở tốp dẫn đầu.
Bà Trần Thuỵ Quế Phương, Chánh văn phòng VASEP trong một hội nghị ngành tôm được tổ chức mới đây cho biết, Nhật Bản là thị trường có yêu cầu cao đối với sản phẩm chế biến giá trị gia tăng. “Điều này, tương đối phù hợp với năng lực chế chiến của Việt Nam. Do đó, với thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam chiếm thị phần lớn nhất trong tổng nhập khẩu của quốc gia này vào năm ngoái khoảng 513 triệu đô la Mỹ”, bà dẫn chứng.
Tương tự, theo bà Phương, đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), năm 2023 xuất khẩu tôm Việt Nam vào đây chịu sự cạnh tranh gay gắt với tôm đến từ Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, nhờ lợi thế phân khúc sản phẩm chế biến cao cấp nên tôm Việt Nam vẫn giữ được vị thế thứ hai trong tổng nhập khẩu của thị trường này, đạt khoảng 420 triệu đô la Mỹ”, bà cho biết.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, Mỹ tuy là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2023. Thế nhưng, tôm Việt chỉ đứng thứ 4 trong số các thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ trong năm ngoái. “Tôm Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh từ tôm Ecuador và Ấn Độ, nhưng đối với sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng, thì Việt Nam vẫn đang chiếm ưu thế ở thị trường này”, bà Phương cho biết.
Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, ưu thế của tôm Việt Nam là với sản phẩm tôm sống do dư địa phát triển còn lớn. Không chỉ vậy, Trung Quốc là thị trường gần với Việt Nam nên có một số thuận lợi trong xuất khẩu đối với phân khúc này.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP cũng cung cấp thêm dữ liệu, trong tổng số khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ tôm chế biến được các nước trên thế giới nhập khẩu, thì riêng Việt Nam đã chiếm đến 1,5 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số cao nhất trong các nước xuất khẩu lớn hiện nay như Ecuador, Ấn Độ. Điều này cũng cho thấy trình độ chế biến tôm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của một số thị trường, thậm chí trong một vài năm tới.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ của toàn ngành, bà Phương cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào phân khúc tôm đông lạnh khi tỷ trọng sản phẩm này trong năm ngoái có đóng góp đến 62% kim ngạch và tôm giá trị gia tăng đóng góp 38%.
Việc còn phụ thuộc lớn vào tôm đông lạnh, trong khi phân khúc này lại chịu sức ép cạnh tranh rất lớn trước Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Do vây, kết quả kim ngạch xuất khẩu năm ngoái giảm 21,5% cũng là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên, sự sụt giảm này còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác, bao gồm lạm phát, biến động tình hình kinh tế thế giới…
“Điểm yếu” chi phí sản xuất cần khắc phục sớm
Lý do cơ bản nhất khiến tôm đông lạnh của Việt Nam có sức cạnh tranh kém đã được các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhận diện và chỉ ra, đó là chi phí sản xuất của Việt Nam quá cao.
Cụ thể, Cục thuỷ sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg, Việt Nam nuôi tối thiểu khoảng 4 đô la Mỹ/kg, so với mức 3 đô la Mỹ/kg của Ấn Độ và 2,5 đô la Mỹ/kg của Ecuador.
Ông Hoè của VASEP cũng đã lên tiếng thừa nhận, một trong những vấn đề lớn của ngành tôm Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, đó là chi phí sản xuất tôm nguyên liệu cao vì tỷ lệ nuôi thành công thấp, chỉ khoảng 40%.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch tập đoàn thuỷ sản Minh Phú đưa ra con số cho thấy, chi phí sản xuất tôm nguyên liệu đối với loại 50-60 con/kg của Ecuador chỉ khoảng 2,3-2,4 đô la Mỹ/kg, Ấn Độ là 3,4-3,8 đô la Mỹ/kg, trong khi Việt Nam lên đến 4,8-5 đô la Mỹ/kg.
Rõ ràng, khi xét về chi phí sản xuất, tôm Việt Nam rất khó để cạnh tranh trực tiếp với tôm đến từ Ấn Độ và Ecuador…
Chính vì vậy, theo Tổng thư ký VASEP, bên cạnh tối ưu hơn nữa về lợi thế sản phẩm chế biến để gia tăng cách biệt so với các đối thủ, thì Việt Nam cần phải tính đến câu chuyện giảm chi phí trong dài hạn nhằm duy trì sức cạnh tranh cho ngành tôm. Bởi phân khúc này vẫn chiếm khoảng 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, liệu các đối thủ cạnh tranh của Viêt Nam có “đứng yên” nhìn Việt Nam chiếm lấy thị phần phân khúc chế biến hay không?
Câu trả lời chắc chắn là không, bởi một trong những thách thức của ngành tôm được bà Phương của VASEP nêu ra, đó là các nước sẽ dần tập trung phát triển sản phẩm giá trị gia tăng- vốn đang là lợi thế của Việt Nam. Khi đó, ngành tôm Việt Nam sẽ càng “thất thế” khi hiệu quả nuôi vốn đã thấp, chi phí sản xuất cao.
Chính vì vậy, hai mấu chốt gia tăng “sức mạnh” cho ngành tôm Việt Nam, đó là bên cạnh tối ưu lợi thế sản phẩm chế biến, thì cần khắc phục nhược điểm về chi phí sản xuất.
Theo gợi ý của Chủ tịch Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, là phải gia hoá để tạo giống có khả năng chống chịu dịch bệnh, có khả năng thích ứng với môi trường. Bởi lẽ, con giống quyết định đến 60% thành công của vụ nuôi.
Sau khi có con giống tốt, thì cần có quy trình nuôi tốt và hợp lý, nhưng để làm được việc này cần khảo sát những người nuôi thành công để học hỏi, cải tiến, ứng dụng và chuyển giao cho người nông dân…