(KTSG Online) - Bộ Công Thương ghi nhận doanh thu từ hàng hóa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nửa đầu năm 2022 đều tăng trưởng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, doanh thu của mảng bán lẻ phục hồi tích cực, vượt cả thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.
Thông tin này được Bộ Công Thương đưa ra tại “Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022” vào ngày 14-7.
- Đạt hơn 173 tỉ đô la Mỹ, thị trường bán lẻ lập kỷ lục mới về doanh số
- Standard Chartered dự báo lạm phát Việt Nam năm nay vượt 4%
Doanh thu từ thị trường nội địa và xuất khẩu đều tăng cao
Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước nửa đầu năm 2022 chịu ảnh hưởng từ tình trạng đứt gãy nguồn cung của thế giới, song theo Bộ Công Thương sản lượng hàng hóa trong nước, nhất là lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu phục vụ tiêu dùng luôn được duy trì tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của doanh nghiệp.
Cụ thể theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay phục hồi tích cực, cao hơn mức tăng 6 tháng của năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch bệnh; hàng hóa dồi dào, sức mua tăng trở lại.
Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717 nghìn tỉ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng cao, tăng 11,3% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm (tăng từ 13,7-16,3%).
So với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao trên 10% như: TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ…
Bộ Công Thương ghi nhận thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa, nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dù sức mua thị trường trong nước được khôi phục và tăng trưởng trở lại nhưng theo Bộ Công Thương chủ yếu tiêu thụ vẫn tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nhóm các hàng hóa không thiết yếu tăng thấp... Bộ này cho rằng, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Đối với thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với mức tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỉ đô la Mỹ. Đáng chúy ý, xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, như nhiên liệu và khoáng sản tăng 52,5%; nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng cao ở mức khoảng 17%...
Về sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm của ngành đạt mức tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%).
Khó khăn phía trước
Tuy nhiên, thị trường thế giới có nhiều biến động, giá hàng hóa trong nước chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên xu hướng tăng, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến sức mua và nguồn cung trong nước.
Bên cạnh đó, một số địa phương trọng điểm công nghiệp chế biến, chế tạo như TPHCM, Long An… vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước khi xảy ra dịch bệnh. Việc nối lại thị trường nước ngoài, chuỗi cung ứng đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường, ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất nhập khẩu chung của cả nước.
Cùng với đó, phía trước vẫn còn nhiều thách thức như lạm phát trên phạm vi toàn cầu, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng nguồn cung về nguyên vật liệu, các vật tư chiến lược là nguyên liệu cho các ngành sản xuất mà Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu.
Giải pháp để "tăng tốc" sản xuất, kinh doanh
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm nay, trong đó “đòn bẩy” lớn nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.
Đơn vị này cũng huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.
Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Uỷ Ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao...