Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bản nhạc cuối cùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bản nhạc cuối cùng

Hải Lý

(TBKTSG) – Một người cha, vốn là thầy dạy đàn piano ở trường nhạc Juilliard, bị ung thư dạ dầy giai đoạn cuối. Thời gian còn lại trên cõi đời của ông ngắn dần. Ông ăn uống kém và những cơn đau hành hạ ngày càng tăng. Chơi đàn piano và chìm đắm trong tiếng đàn là thứ thuốc hiệu nghiệm giúp ông quên đi những cơn đau dày vò.

Thế nhưng khi cô con gái sắp bước sang tuổi 18, giận cha vì cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ, từ ba năm nay không đọc những lá thư ông gửi và từ chối nghe những cuộc điện thoại ông gọi, từ New York về Wrightsville, một thị trấn nhỏ bên bờ biển ở Bắc Carolina, để trải qua những tháng hè với ông, cảm thấy khó chịu vì tiếng đàn, ông đã quây “nhốt”chiếc piano lại và không bao giờ chơi đàn trong nhà nữa.

Trong trái tim người cha, tình yêu âm nhạc thật lớn lao, nhưng cho dù lớn đến thế nào chăng nữa, nó cũng chỉ bằng một nửa tình cảm ông dành cho con gái. Có rất nhiều những chi tiết miêu tả tình cha con, bạn bè, trai gái, anh chị em, vợ chồng… khiến người đọc chảy nước mắt như thế trong tác phẩm mới nhất mang tên “Bản nhạc cuối cùng” (The last song) của nhà văn Mỹ Nicholas Sparks.

Khi “Bản nhạc cuối cùng” được chuyển thể thành phim (giống như những tác phẩm trước đã được quay thành phim và thành công hơn mong đợi như The notebook, Nights in Rodanthe, Dear John…), Nicholas Sparks nói rằng cuốn sách của ông trước hết là một câu chuyện tình của cô gái và chàng trai 18 tuổi.

Tình yêu là một khái niệm trừu tượng, nhưng dưới ngòi bút điêu luyện của một nhà văn giỏi quan sát và biết cảm nhận, tình yêu hiện hữu thật cụ thể. Người đọc có thể sờ mó, nhìn ngắm, nắm bắt nó trong lòng bàn tay khi lướt từng trang này qua trang khác, chương này qua chương khác mà không muốn dừng lại.

Nicholas Sparks không kể chuyện, với thứ ngôn ngữ của nhà tâm lý học, ông đi vào ngõ ngách nội tâm nhân vật qua những cuộc đối thoại, độc thoại, sự xuất hiện và kết thúc của những ý nghĩ, sự tả cảnh thấm đẫm hồn người về phong cảnh xung quanh. Mùi gió, mùi mặn của đại dương, mùi những cơn mưa hè đang qua đi và mùa thu sắp tràn về… tất cả quấn quyện, dồn nén, quay quắt trong sự nhận thức của từng nhân vật về tình yêu.

Trong mênh mang dàn trải của cốt truyện tưởng chừng không có kết thúc ấy, tác giả tạo nên những xung đột kịch tính, thắt những cái nút thật chặt để rồi tháo bung nó vào những thời điểm người đọc không ngờ nhất. Chẳng hạn khi đã đi qua 95% cuốn sách, độc giả cũng như Ronnie, nhân vật chính, những tưởng nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của cha mẹ cô tan vỡ là lỗi của bố cô, để rồi hiểu ra ở một chương chỉ dài nửa trang giấy rằng ông đã tình cờ phát hiện mẹ cô có người đàn ông khác như thế nào. Cái sự tình cờ ấy ông giấu trong tim, nó đau đáu, nó giãy giụa trong sự im lặng của một tình yêu vô bờ bến mà ông vẫn dành cho vợ!

Mười lăm tác phẩm đã xuất bản của Nicholas Sparks không thuộc dòng văn chương kinh điển, cũng không bao quát một khoảng thời gian rộng lớn. Những cuốn sách của ông gần gũi với giải trí, với cuộc sống thường nhật hiện tại, nhiều khi xen lẫn một góc quá khứ. Nhưng cũng chính từ sự thường nhật, có vẻ vụn vặt ấy, ông khắc họa góc cạnh của cuộc sống hôm nay với một sợi chỉ xuyên suốt vĩnh cửu: tình yêu.

Ông lựa nhặt các tình huống bình thường của cuộc sống, gắn kết nó với nhân vật và làm nổi bật tính cách của họ một cách thông minh đầy ngẫu hứng. Với Roonie trong “Bản nhạc cuối cùng” là khi cô sẵn sàng lao vào cuộc ẩu đả giữa các chàng trai để ngăn họ lại, để “cứu” một đứa trẻ đang òa khóc, lẫm chẫm đi tìm mẹ; là tình huống cô lần đầu tiên, một mình, ngủ ngoài bãi biển để canh trứng rùa không bị loài chim ác cướp phá; là những giờ yên tĩnh cô đọc Anna Karenina của Tolstoi; là những ngày ngồi bên cha hàng giờ nhìn ông ngủ trong sự lo lắng ông sắp ra đi; là trong những ngày sau chót của đời ông, lắng nghe trái tim mình mách bảo cô cặm cụi viết nốt bản nhạc mà cha cô là người chấp bút, rồi tháo dỡ bức tường quây cây đàn piano để chơi cho ông nghe bản nhạc hoàn hảo… Hình tượng Ronnie lớn dần lên, đầy đặn với những nét riêng không nhầm lẫn khi Nicholas Sparks bồi đắp cho cô những chi tiết lay động lòng người.

Nicholas Sparks đã từng là tác giả có sách bán chạy nhất được bình chọn bởi tờ New York Times. Giới phê bình nhận xét nội dung tác phẩm của ông chứa đựng những câu chuyện tình lãng mạn và dịu dàng. Tuy nhiên, chỉ cần bóc qua cái lớp vỏ mỏng dịu dàng, là bắt gặp những tính cách nhân vật dữ dội, sắc sảo để rồi phải đọc đi, đọc lại những dòng, những trang, những chương kịch tính.

Để rồi lắng đọng lại trong tâm trí người đọc rằng cuộc sống này thật đẹp, thật quý giá và đừng bao giờ lãng phí, đừng bao giờ quay lưng lại với nó – Nicholas Sparks nhắn gửi khi trang sách sau chót của “Bản nhạc cuối cùng” khép lại!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới