Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bản quyền giống thanh long LD1: Đừng ‘bỏ quên’ quyền lợi của nông dân

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khi bản quyền giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LD1) được chuyển giao cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Viện Cây ăn quả miền Nam đã có hợp đồng cung cấp cành cho nông dân nhân giống để sản xuất đại trà. Vì vậy, nếu việc thu phí bản quyền giống khi xuất khẩu loại trái cây này sang một số thị trường được áp dụng thì có thể tạo ra sự thiếu công bằng đối với người nông dân.

Không nên bán bản quyền thanh long LD1 khi giống này đã được bán cho nông dân sản xuất. Ảnh: Trung Chánh

Giống thanh long ruột đỏ LD1 do Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) lai tạo, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép đưa vào sản xuất giống tại các tỉnh phía Nam từ tháng 11-2005. Vào năm 2016, Viện Cây ăn quả miền Nam được cấp bằng bảo hộ giống LD1. Đến năm 2017, nghĩa là khoảng 12 năm kể từ khi được phép đưa vào sản xuất, thì bản quyền được Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit mua lại.

Trong khoảng thời gian này, có một sự kiện đáng chú ý, đó là trước thời điểm bán bản quyền giống thanh ruột đỏ LD1 cho Hoàng Phát, Viện Cây ăn quản miền Nam đã ký hợp đồng bán cành của giống này cho người dân nhân giống sản xuất đại trà.

Không nên bán bản quyền giống LD1

Trả lời câu hỏi của KTSG Online về việc giống thanh long LD1 đã được bán rộng rãi cho người dân sản xuất, thì việc Viện Cây ăn quả miền Nam bán bản quyền cho một doanh nghiệp liệu có phù hợp?, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây không phải là giao dịch thương mại, mà trong quá trình để được công nhận giống, cần phải có một diện tích nhất định để canh tác và theo dõi, được xem là sản xuất thử. “Quá trình đó viện cung cấp cho người nông dân sản xuất thử”, ông Tùng nói.

Từ diện tích sản xuất thử ban đầu để được công nhận giống, cây đã được nhân rộng ra bên ngoài, thì phần diện tích mới (được nhân rộng - PV) là sai. “Nhưng, cái sai này không phải do viện cũng không phải của doanh nghiệp mua bản quyền, mà là sai ở người tự nhân giống”, ông Tùng giải thích.

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, trước thời điểm Hoàng Phát nhận chuyển giao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam, thì đơn vị này đã ký hợp đồng bán cành cho nông dân nhân giống để sản xuất đại trà.

Cụ thể, vào ngày 22-4-2014, Viện Cây ăn quả miền Nam đã ký hợp đồng số 14/HĐ-VCĂQ về việc bán vật liệu nhân giống cây thanh long ruột đỏ. Trong đó, nội dung chính của hợp đồng này là Viện Cây ăn quả miền Nam bán 2.200 cành thanh long ruột đỏ LD1 để làm vật liệu nhân giống.

Trao đổi với KTSG Online, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dương Xuân cho biết, hàng trăm hộ nông dân đã đến trực tiếp trại giống của SOFRI để mua cành (không có hợp đồng - PV) về nhân giống và bán lại cho các nông dân khác sản xuất. “Đến thời điểm hiện tại, riêng tỉnh Long An, đã có khoảng 8.000 héc ta diện tích sản xuất giống thanh long LD1”, ông Sơn nêu thông tin.

Tại buổi họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ LD1 diễn ra hôm 16-2, ông Nguyễn Vạn Thành, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Vạn Thành nhấn mạnh, đơn vị này đã tự bỏ tiền mua giống từ 10 năm trước để trồng. “Hoàng Phát bỏ tiền ra mua, thì Hoàng Phát được thu (thu phí bản quyền xuất khẩu - PV), nhưng chúng tôi bỏ tiền ra mua, thì ai bảo vệ?”, ông Thành đặt vấn đề và cho rằng, khi bán bản quyền giống cây trồng, Viện Cây ăn quả miền Nam không công khai, thông báo rộng rãi cho những người đã mua giống trước đó.

Trao đổi với KTSG Online, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho biết, theo Luật bản quyền giống, thì đơn vị làm ra giống chỉ được bán bản quyền khi giống chưa được bán cho ai trước đó. Thế nhưng, trong trường hợp này, trước khi chuyển giao bản quyền, thì giống đã được đưa ra sản xuất. “Theo tôi, trường hợp này là không nên bán bản quyền vì đã bán lẻ trước đó, tức không thể độc quyền bán giống được nữa”, ông cho biết.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, đó là vì sao Hoàng Phát lại quyết định mua giống thanh long ruột đỏ LD1, dù biết không thể độc quyền bán giống?

Ông Sơn của Hợp tác xã Dương Xuân cho rằng, vào năm 2017 khi thị trường Hàn Quốc yêu cầu, bên cạnh các giấy tờ, thủ tục liên quan, thì phải có giấy xác nhận tên giống (bao gồm cả tên khoa học). Có thể khi Hoàng Phát tìm hiểu về thông tin này nên họ đã mua bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam.

Nguồn tin của KTSG Online cho biết, vào năm 2017, khi Hoàng Phát biết việc thị trường Hàn Quốc yêu cầu xác nhận tên giống, nên doanh nghiệp đã mua lại bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 từ Viện Cây ăn quản miền Nam với giá 5 tỉ đồng. Vị chuyên gia này lý giải cung cầu hai bên gặp nhau, nhưng điều này là không nên vì sản phẩm đã phổ biến trên thị trường rồi.

Phí bản quyền có thể là gánh nặng mới đối với nông dân?

Tại buổi họp nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit khi đề cập đến việc chia sẻ bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1, ngoài các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, đơn vị này sẽ hỗ trợ chứng minh nguồn gốc sản phẩm để nhà nông không bị thu phí bản quyền trong vòng 5 năm, tính từ thời điểm hiện tại.

Còn với hai thị trường nêu trên, theo bà Thoa, mức thu phí được Hoàng Phát áp dụng như sau: nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu cho hợp đồng khoảng 5.000-15.000 tấn, thì công ty thu phí 30 đồng/kg; hợp đồng 15.000-25.000 tấn là 20 đồng/kg và từ 25.000 tấn trở lên là 10 đồng/kg.

“Doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu, thì công ty chúng tôi sẵn sàn kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành và bà con nông dân ký kết hợp đồng xuất khẩu bao tiêu sản phẩm với giá mà tôi đang hợp tác với bà con nông dân là 40.000 đồng/kg để xuất khẩu vào Nhật Bản”, bà cho biết.

Tuy nhiên, ông Trịnh của Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho rằng, con số nêu trên là rất khó, bởi không có đơn hàng nào đạt con số như Hoàng Phát đưa ra. “Sẽ không có văn bản ký kết nào với con số nêu trên đâu”, ông dự báo.

Thế nhưng, nếu trường hợp Hoàng Phát thu phí bản quyền xuất khẩu, thì nông dẫn sẽ là người gánh chịu chi phí này. “Thông thường, doanh nghiệp sẽ tính hết các chi phí vào giá thành sản xuất nên nông dân sẽ chịu”, ông cho biết

Đối với hợp đồng dưới 5.000 tấn, theo ông Sơn, doanh nghiệp xuất khẩu phải đàm phán mức phí với đơn vị nắm bản quyền. “Tuy nhiên, tất cả chỉ mới là nói miệng tại cuộc họp hôm 16-2 thôi, chúng tôi đang chờ phía Hoàng Phát Fruit có văn bản chính thức”, ông cho biết khi trao đổi với KTSG Online.

Ông Sơn cũng băng khoăn việc nông dân sẽ gánh chịu khoản phí nêu trên, chứ không phải doanh nghiệp xuất khẩu. “Bởi, khi mua hay bao tiêu sản phẩm của nông dân, thì chi phí này chắc chắn sẽ được doanh nghiệp tính toán đưa vào giá thành hết”, ông giải thích.

Mua lại bản quyền và sử dụng chung?

Để hài hoà lợi ích, vì mục tiêu chung là phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, có thể tính đến phương án đàm phán mua lại bản quyền này để tất cả mọi người cùng được hưởng lợi. “Có thể một cơ quan nào đó đứng ra thương lượng mua lại bản quyền này từ Hoàng Phát”, ông gợi ý.

Tại cuộc họp, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ nói rằng, nếu vấn đề chưa được giải quyết ổn thoả, thì Nhà nước, nông dân hay một tổ chức nào đó nên bỏ tiền mua lại dùng chung. “Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng có thể đại diện đứng ra mua lại để sử dụng chung cho toàn quốc”, ông nói.

Việc mua lại dùng chung là hướng đi có thể khả thi, bởi theo ông Trịnh Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An, Hoàng Phát đã có bản quyền để bảo hộ là tốt. Thế nhưng, về lâu dài, Hoàng Phát không sản xuất giống, Viện cây ăn quả miền Nam cũng không sản xuất giống cung cấp cho người nông dân. “Vậy nông dân cần giống, thì tìm ở đâu?”, ông nêu câu hỏi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới