Thứ hai, 11/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bán vàng qua ngân hàng – chính sách có khai thông thị trường vàng?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chính sách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để các ngân hàng này bán lại cho người dân nhằm bình ổn thị trường vàng có thể xem là vừa mới lại vừa cũ vì cách đây 11 năm NHNN cũng đã thông qua các ngân hàng để tìm cách hạ nhiệt thị trường vàng. Liệu lần này có gì khác biệt và hiệu ứng sẽ ra sao?

Hiệu ứng tức thời

Giảm hơn 10 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng chưa đến một tuần, giá vàng miếng SJC đã lao dốc không ngờ, sau khi NHNN cho biết sẽ bán vàng trực tiếp cho bốn NHTM nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV từ ngày 3-6-2024, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Tiếp sau đó, nhà điều hành công bố bổ sung Công ty TNHH MTV Vàng Bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tham gia bình ổn thị trường vàng, nhằm tận dụng mạng lưới phân phối rộng khắp của doanh nghiệp này tại các tỉnh, thành.

Tính đến đầu tuần này (ngày 3-6), giá vàng miếng SJC chỉ còn quanh 79 triệu đồng/lượng, sát với mức giá mà NHNN thông báo sẽ bán ra cho bốn NHTM nhà nước và SJC là 78,98 triệu đồng/lượng. Theo đó, chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới cũng thu hẹp từ đỉnh cao 18 triệu đồng xuống còn quanh 9 triệu đồng/lượng.

Chưa cần biết lượng vàng sẽ được cung ứng theo cơ chế này có thể lên tới bao nhiêu, nhưng rõ ràng giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tức thời khi tác động mạnh đến tâm lý nhiều nhà đầu tư và ngay lập tức kéo giá vàng giảm sâu chỉ trong thời gian ngắn. Diễn biến thị trường vàng thế giới cũng đi xuống trong những ngày vừa qua và đang đứng trước rủi ro điều chỉnh càng góp phần “hà hơi tiếp sức” cho mục tiêu kéo giảm giá vàng trong nước.

Nếu nhìn vào 48.500 lượng vàng đã được NHNN cung ứng ra thị trường thông qua chín phiên đấu thầu kéo dài suốt một tháng từ ngày 22-4 đến 23-5, tương đương gần 1,82 tấn vàng, mà vẫn không làm suy suyển mức chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới, mới thấy sự thay đổi trong tiếp cận chính sách bình ổn thị trường vàng của nhà điều hành lần này đã mang lại hiệu quả, ít nhất là cho đến thời điểm này.

NHNN có thể chắc chắn khi bán vàng với giá thấp cho các NHTM nhà nước, các ngân hàng này cũng sẽ bán ra thị trường theo mức giá mà NHNN định hướng, lợi nhuận nếu có phần nào cũng thuộc về Nhà nước. Ngược lại, nếu bán ra cho các ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân tại mức giá thấp, các tổ chức này có thể găm hàng hoặc chỉ chấp nhận bán ra với mức giá cao hơn nhiều, khi đó ngân sách bị thiệt hại còn lợi nhuận lại chảy về các doanh nghiệp tư nhân.

Giới phân tích đã chỉ ra vì sao chính sách đấu thầu vàng chưa mang lại hiệu quả. Thứ nhất là vì giá đấu thầu vẫn bám sát mức giá cao của thị trường, có lẽ vì khi đó nhà điều hành vẫn có những lo ngại về rủi ro nếu để thất thu ngân sách. Thứ hai là vì các doanh nghiệp đã đấu thầu thành công tại mức giá cao rõ ràng khó có thể bán ra thị trường với giá thấp hơn, chưa nói đến khả năng một số tổ chức có thể găm giữ lại lượng hàng đã mua được từ NHNN với kỳ vọng giá sẽ còn tiếp tục tăng, do đó lượng vàng mà NHNN cung ứng qua các đợt đấu thầu đã không được bơm hoàn toàn vào thị trường như kỳ vọng ban đầu.

Giờ đây, với cơ chế bán thông qua bốn NHTM nhà nước và SJC, nhà điều hành có thể đảm bảo lượng cung mới này sẽ trực tiếp được rót vào thị trường như mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân. Đây cũng là cách để cơ quan quản lý đo lường thử lực cầu thật sự có lớn đến mức kéo giãn chênh lệch giá trong nước với giá thế giới lên cao đến thế trong thời gian qua. Cũng như, đảm bảo thực hiện các mục tiêu được đề xuất gần đây như phải có hóa đơn ghi nhận giao dịch, hay hướng đến việc thanh toán không dùng tiền mặt - trước mắt là với các giao dịch lớn, khi mà các tiệm vàng nhỏ lẻ hiện nay vẫn chưa triển khai tốt.

Mới mà không mới

Chính sách NHNN bán vàng cho các NHTM để các ngân hàng này bán lại cho người dân nhằm bình ổn thị trường vàng có thể xem là vừa mới lại vừa cũ vì cách đây 11 năm NHNN cũng đã thông qua các ngân hàng để tìm cách hạ nhiệt thị trường vàng. Giai đoạn đó, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh trong những tháng cuối năm 2012 và duy trì cao hơn giá thế giới từ 4-5 triệu đồng/lượng. Từ ngày 28-3-2013 cho đến hết năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng miếng, với tổng giá trị đấu thầu thành công là 1.819.900 lượng trong số 1.932.000 triệu lượng được mang ra đấu thầu.

Điểm khác biệt là lần này trong số các tổ chức tín dụng chỉ có bốn NHTM nhà nước được lựa chọn.

Thứ nhất, đây là các NHTM nhà nước nên có lẽ sẽ dễ triển khai theo định hướng chính sách, yêu cầu của NHNN hơn, trong khi các NHTM tư nhân còn phải đảm bảo lợi ích kinh doanh hiệu quả nhất. Chính đại diện các NHTM nhà nước cũng chia sẻ do không nhằm mục tiêu lợi nhuận, họ dự kiến bán ra thị trường theo giá nằm trong biên độ cho phép, tức không cao hơn giá mua từ NHNN một triệu đồng.

Rõ ràng NHNN có thể chắc chắn khi bán vàng với giá thấp cho các NHTM nhà nước, các ngân hàng này cũng sẽ bán ra thị trường theo mức giá mà NHNN định hướng, lợi nhuận nếu có phần nào cũng thuộc về Nhà nước. Ngược lại, nếu bán ra cho các ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân tại mức giá thấp, các tổ chức này có thể găm hàng hoặc chỉ chấp nhận bán ra với mức giá cao hơn nhiều, khi đó ngân sách bị thiệt hại còn lợi nhuận lại chảy về các doanh nghiệp tư nhân.

Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến NHNN phải đặt giá thầu bám sát giá thị trường cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu trong chín phiên vừa qua, cũng như yêu cầu các NHTM nhà nước lần này chỉ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân, không bán cho tổ chức, nhằm ngăn chặn tìm trạng gom hàng và găm giữ của các đối tượng này.

Thứ hai, quá khứ từng cho thấy không ít ngân hàng đã từng bị “lún sâu” vào các hoạt động kinh doanh vàng và thiệt hại nặng nề vì vào - ra không đúng sóng do dự báo không chính xác diễn biến thị trường. Vì vậy, không loại trừ khả năng NHTM tư nhân vì muốn đạt được lợi nhuận tốt nhất nên cũng khó tránh khỏi ý định găm giữ vàng nếu lại được phép mua, và rủi ro thiệt hại nếu thị trường sau đó lao dốc nhanh là cần phải lường trước, điều cũng đã từng diễn ra trong quá khứ.

Cũng chính vì những ảnh hưởng này mà các NHTM đã bị hạn chế các hoạt động, nghiệp vụ kinh doanh vàng. Nay nếu mở lại cơ chế này và áp dụng đồng bộ cho các ngân hàng cũng có thể kéo theo những bất ổn, rủi ro tiềm ẩn. Do đó, nhà điều hành dường như chỉ đang muốn triển khai bán vàng ra thị trường thông qua trung gian là bốn NHTM nhà nước.

Cần biết rằng tại Việt Nam, Nhà nước đã cố gắng cắt đứt mọi sợi dây liên hệ với yếu tố tiền tệ của vàng, từ việc yêu cầu các ngân hàng ngừng huy động và cho vay vàng đến các giao dịch không được niêm yết theo giá vàng, chống vàng hóa. Dù vậy, một số giao dịch có giá trị lớn hiện nay trong dân cư, như mua bán nhà đất, vay mượn, vẫn còn dựa trên vàng. Đây cũng là một bài toán mà các cơ quan quản lý cần phải giải quyết, dù Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng đã xác định sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là một trong các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng.

Cũng cần nhắc lại, các phiên đấu thầu giai đoạn năm 2013, ngoài mục tiêu bổ sung thêm lượng vàng cung ứng ra thị trường, một lượng vàng lớn các NHTM mua khi đó còn nhằm để tất toán trạng thái huy động, khi trước đó nhiều năm các tổ chức này đã nhận vàng gửi từ dân cư và đem cho vay vàng hoặc chuyển đổi sang tiền đồng để kinh doanh. Đến khi NHNN yêu cầu phải ngừng các nghiệp vụ huy động và cho vay vàng, các ngân hàng phải tất bật tìm cách gom lại trên thị trường và góp phần đẩy giá tăng vọt, buộc NHNN phải tổ chức đấu thầu để phục vụ cho việc tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng này. Đây cũng chính là một trong những điểm khác biệt lớn của lần bình ổn cách đây 11 năm so với lần này.

Đáng lưu ý, các phiên đấu thầu trong năm 2013 đã góp phần kéo giá vàng trong nước liên tục đi xuống trong giai đoạn này và lình xình suốt năm năm sau đó quanh vùng 32-35 triệu đồng/lượng, trước khi bắt đầu đi lên trở lại từ năm 2019 đến nay. Thực tế giai đoạn 2013-2018 cũng là giai đoạn mà giá vàng quốc tế điều chỉnh và đi ngang, góp phần ổn định thị trường vàng trong nước. Vì vậy, kỳ vọng diễn biến tương tự sẽ được lặp lại như 11 năm về trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới