Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bánh bột lọc ngày mưa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bánh bột lọc ngày mưa

Kim Loan

Bánh bột lọc ngày mưa
Bánh bột lọc. Ảnh: Kim Loan

(TBKTSG Online) – Chiều nay không khí lạnh từ phương Bắc tràn về, mang theo cái rét se sắt của mùa đông. Mẹ gọi điện lên hỏi thăm, dặn dò con mặc thêm áo ấm và kể chuyện cả nhà đang làm bánh bột lọc.

Bánh bột lọc – cái tên nghe bình dị và dân dã nhưng với tôi, nó lại gợi nhớ về những mùa đông tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc bên bếp lửa hồng, cả nhà quây quần bên nhau vừa chuyện trò, vừa làm bánh bột lọc khi những cơn mưa ngoài trời cứ kéo dài từ ngày này sang ngày khác mà mẹ thường nói là “mưa thúi đất thúi trời”.

Cũng như bao gia đình ở quê khác, vào mùa thu hoạch sắn, mẹ tôi luôn làm vài bao sắn khô. Sắn khô được xay thành bột mịn, cho vào thau ngâm nước, đợi cho bột sắn lắng xuống đáy, đổ phần nước màu vàng bên trên. Cứ thay nước liên tục như vậy ba ngày đêm cho đến khi nước ngâm bột trong suốt thì vớt bột ra, đổ lên nong, phơi nắng cho khô. Bột sắn lúc này được gọi là bột lọc, trắng ngần, mát dịu, thơm thoang thoảng hương nắng gió và được bảo quản trong bao ni lon kín gió, để dành dùng dần quanh năm.

Đông về mang theo mưa lạnh, công việc nhà nông trở nên nhàn rỗi, mẹ lại làm bánh bột lọc. Mẹ lấy một ít bột, cho vào cái thau nhỏ, thêm nước ấm với lượng vừa đủ rồi nhào cho đến khi bột dẻo, kết thành một khối, không dính vào tay là được. Tôi giúp mẹ lặt sạch mấy con tôm đất đang còn nhảy tưng tưng trong rổ, rửa sạch, để ráo. Tôm được mẹ ướp với một ít muối và mì chính rồi hấp chín, để sẵn, làm nhân.

Thỉnh thoảng mẹ lại làm thêm một ít nhân đậu xanh để mọi người có thêm nhiều lựa chọn khi ăn bánh. Đậu xanh làm nhân phải được ngâm mềm, đãi sạch vỏ rồi hấp chín. Thêm một ít muối, mì chính, tiêu bột vào đậu xanh, trộn đều và tán nhuyễn nhằm giúp nhân bánh thêm ngon và đậm đà.

Việc bắt bánh thì cả nhà xúm lại, góp tay cùng làm. Mẹ cẩn thận chỉ bảo cho chúng tôi lấy một lượng bột vừa phải cho vào lòng bàn tay, dàn mỏng, cho nhân tôm hay nhân đậu xanh vào giữa rồi khéo léo gập đôi cái bánh lại, ép chặt mí bánh. Mẹ luôn nhắc, phải làm sao cho những chiếc bánh có hình dáng thật đều nhau thì đĩa bánh mới đẹp mắt được. Những chiếc bánh cuối cùng thường chỉ làm bằng bột không có nhân vì đậu và tôm đã hết trước.

Một nồi nước sôi được bắc lên bếp. Từng chiếc bánh được thả vào, chờ cho đến khi bánh nổi lên trên là bánh chín. Lúc này, cần đổ bánh ra rổ, để ráo nước. Những chiếc bánh hình bán nguyệt trong suốt, nhìn thấy được cả phần nhân tôm và nhân đậu xanh bên trong được mẹ bày lên đĩa, bên cạnh là chén nước mắm chua ngọt được mẹ pha thật khéo và một ít dầu phộng phi lá hành.

Cả nhà quây quần bên nhau, thưởng thức từng chiếc bánh thơm ngon. Mấy chị em tôi chén vèo một lúc mấy đĩa bánh, nói cười tíu tít. Ba nhai chậm rãi, thưởng thức vị dai dai, dẻo, thơm của bột lọc, bảo con tôm đất làm bánh bột lọc là nhất. Nội móm mém khen bột dù để lâu vẫn rất thơm ngon, nhân dậu xanh thật bùi, thật béo. Mẹ gắp những chiếc bánh không nhân cho vào đĩa của mình, nét mặt rạng ngời hạnh phúc.

Chiều nay, tôi lại chạy xe ra quán quen, gọi cho mình một đĩa bánh bột lọc. Dù cố gắng nhai thật chậm, cố gắng cảm nhận cho hết những hương vị thơm ngon trong từng chiếc bánh trắng trong kia, nhưng tôi vẫn thấy thiếu đi một cái gì đó làm nên những hương vị rất riêng của món bánh bột lọc mẹ vẫn làm nơi quê nhà.

Lại nhớ và thèm được nhìn thấy biết bao dáng mẹ nghiêng nghiêng ngồi nhào bột, dáng nội gầy gầy hơ đôi bàn tay bên bếp lửa bập bùng, ngồi chụm cho nồi bánh chín và thương biết bao đĩa bánh có những chiếc bánh không nhân mẹ dành riêng phần mình trong những ngày gian khó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới