(KTSG Online) - Dự án sản xuất bánh quy dừa từ các thành phần tự nhiên không hóa chất và phẩm màu đã được ban tổ chức vinh danh tại cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023. Đây là dự án đạt giải nhì trong cuộc thi không có giải nhất.
Dự án nêu trên của chị Huỳnh Thị Thy Thy (tỉnh Tiền Giang) đã xuất sắc vượt qua 9 dự án, ý tưởng còn lại tại vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện vào hôm nay, 22-12, ở thành phố Cần Thơ.
Giới thiệu dự án nêu trên cho thấy, từ những trái dừa nguyên liệu sẵn có tại vùng đất Gò Công (Tiền Giang), bánh quy dừa được ra đời thông qua quy trình sản xuất chặt chẽ, không sử dụng phụ gia và chất bảo quản. “Nhờ bí quyết gia truyền đã tạo nên những chiếc bánh giòn xốp có hương vị độc đáo, rất riêng, không lẫn vào bất cứ loại bánh nào khác đang có trên thị trường”, giới thiệu dự án viết.
Sản phẩm bánh quy dừa giúp bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng, phù hợp với nhiều đối tượng, thích hợp làm quà tặng và mang theo trong những chuyến du lịch. “Chúng tôi tin rằng bánh quy dừa (mang tên Xuân Phúc- PV) sẽ là một trong những thương hiệu chất lượng của sản phẩm Việt, có cơ hội phủ khắp Việt Nam và vươn tầm quốc tế trong tương lai không xa”, bà Thy cho biết.
Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2023 được tổ chức nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng và hỗ trợ những dự án khởi nghiệp tiềm năng, đổi mới sáng tạo, có ứng dụng công nghệ, qua đó thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế từng địa phương nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Qua 8 năm thực hiện (từ 2016), cuộc thi đã thu hút hơn 3.000 hồ sơ, với hơn 9.000 người tham gia, trong đó, hàng trăm dự án đã được trao thưởng, tư vấn, kết nối giao thương và tìm được chỗ đứng trên thương trường.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL cho biết, riêng năm 2023, cuộc thi nhận được tổng cộng 1.511 hồ sơ của hơn 4.000 thí sinh từ 12/13 địa phương khu vực ĐBSCL và các địa phương khác ngoài khu vực.
Theo đó, các lĩnh vực tham gia cuộc thi, bao gồm nông nghiệp, biến đổi khí hậu, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh- thương mại- dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế- chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Trong đó, nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất là 31,6%; giải pháp kinh doanh- thương mại- dịch vụ chiếm 21,6%; chế biến thực phẩm chiếm 13,3%...
Từ số lượng hồ sơ nêu trên, qua 3 vòng của cuộc thi, Ban tổ chức đã chọn ra 10 dự án/ý tưởng xuất sắc tham gia tranh tài tại vòng chung kết. Trong đó, dự án sản xuất bán quy dừa đến từ tỉnh Tiền Giang đã vượt qua 9 dự án/ý tưởng còn lại và được trao giải nhì. Giải ba thuộc về dự án cua biển Việt- tạo nên sự khác biệt đến từ tỉnh Cà Mau...