Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bánh tằm Bạc Liêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bánh tằm Bạc Liêu

Bài và ảnh: Cúc Tần

(TBKTSG Online) - Nói tới bánh tằm, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một kiểu là bánh tằm bì chan nước cốt dừa. Chỉ duy Bạc Liêu là có loại bánh tằm tàu hủ ky gói xíu mại. Dĩa bánh bưng ra tỏa hơi nóng nghi ngút trên nền nước cốt dừa và những sợi bánh tằm trắng tinh như e thẹn trong nền rau xanh ngắt, mấy cọng giá sống trắng tươi và đậu phộng rang đâm sơ.

Bánh tằm Bạc Liêu
Bánh tằm Bạc Liêu.

Nhưng “nhân vật” quan trọng là xíu mại gói trong tấm tàu hủ ky hình vuông nổi bật trên dĩa bánh. Xíu mại được làm từ thịt nạc băm với củ sắn, ướp gia vị vừa ăn trước khi gói vào tàu hủ ky thành miếng hình chữ nhật dẹp. Trộn đều bánh, chan nước mắm giấm ớt pha đường, cho vô miệng, gắp miếng xíu mại tàu hủ ky, cắn, nhai. Vị ngọt của thịt và củ sắn hòa trong nhiều hương vị đã ướp tan hòa chân răng trong cái dai dai xừn xựt với hương vị lạ của miếng tàu hủ ky hăng hắc mùi khói bếp. Rồi vị ngọt mặn và béo của nước cốt dừa làm tăng độ khoái khẩu. Cứ vậy mà ăn giúp bữa điểm tâm sáng thêm sảng khoái.

Bánh tằm xíu mại Ngan Dừa

Để làm cọng bánh lớn gần bằng thân con tằm, ở Ngan Dừa (một thị trấn của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) người ta xay nhuyễn gạo, hòa với nước lạnh rồi đem hồ trên ngọn lửa liu riu. Trong khi chờ hồ nguội, rây bột trên cái mâm rồi xe hồ thành từng dây dài trên đó. Vì dùng tay xe nên cọng bánh hơi thô to, không đồng đều và có độ dài ngắn khác nhau. Chính vì lối làm thủ công này mà cọng bánh có vị ngon lạ, có “hồn” mà những cọng bánh ép bằng máy, đều trân, không sao có được. Bánh xe xong đem hấp trong xửng, nhờ lớp bột rây trên mâm nên cọng bánh chín không dính vào nhau.

Vậy là chỉ cần thêm bì và xíu mại thì đặc sản của thị trấn thuộc huyện Hồng Dân này phục vụ khẩu vị của nhiều người một cách khoái khẩu. Nói món ăn dân dã này là đặc sản không gì quá đáng. Bởi, ngoài cọng bánh bự còn có sự hiện diện của xíu mại mà không nơi nào làm như vậy. Có lẽ món ăn này đã ảnh hưởng văn hóa ẩm thực ở cái xứ sở “Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu” với món xíu mại đặc trưng của người Hoa.

Bánh tằm Ngan Dừa.

Để có viên xíu mại ngon, người ta dùng thịt ba rọi và gan heo băm nhỏ cùng với củ sắn đã vắt ráo nước. Trộn đều hỗn hợp này với đường, tỏi, hành phi, tiêu và một chút bột mì, một ít bột ngọt. Vo từng viên bự cho vào xửng hấp chín. Nhưng, bánh tằm Ngan Dừa vẫn đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực của người Kinh nhờ bì. Bì được làm bằng da heo và thịt nạc mới “sả” luộc chín, xắt từng sợi hơi to, trộn với thính và đậu phộng rang đâm nhuyễn, nêm thêm đường và bột ngọt cho đậm đà hương vị.

Như vậy là món bánh tằm Ngan Dừa đã hoàn thành được phân nửa. Cho bánh tằm lên một nửa dĩa, một góc phủ bì, dưa leo băm nhỏ xắt sợi trộn với rau thơm cùng giá sống và viên xíu mại nằm kế bên. Chan lên mặt bánh nước sốt cà chua, rắc một ít tiêu bột. Cầm mỗng múc nước mắm giấm đường tỏi ớt chan lên mặt bánh, dùng đũa trộn đều. Vậy là thực khách đã có món ăn khó quên.

Cọng bánh tằm bự tạo cảm giác “xừn xựt” khi nhai. Mỗi cọng bánh có “độ” ngon khác nhau nhờ xe thủ công mà bánh tằm cọng ép không sao có được. Bì làm công phu nên mùi thơm vương vấn các chân răng. Vị chua mặn cay ngọt của nước chấm và mùi thơm của các loại rau xanh, dưa leo bằm như hòa lẫn vào nhau trong cái ngọt nhẹ giòn thanh của giá sống. Lúc lúc, cắn một miếng xíu mại ngọt lừ vị thịt, béo ngậy vị mỡ, lòng thích thú lâng lâng!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới