Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

Lư Thế Nhã

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nghề làm bánh tráng ở Mỹ Lồng, bánh phồng ở Sơn Đốc (Bến Tre) hoạt động suốt năm. Vào những tháng giáp Tết, thời gian làm bánh mỗi ngày dài hơn, bởi bánh ở hai làng nghề “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” này không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được lên tàu bay ra hải ngoại.

Phơi bánh tráng dưới nắng trời. Ảnh: Lư Thế Nhã

Hai làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng và Bánh phồng Sơn Đốc” như nhộn nhịp hơn vào dịp giáp Tết Quý Mão 2023. Đâu đâu cũng nhìn thấy người dân tất bật với các công việc tráng, phơi phóng rồi đóng gói bánh tráng thành những kiện sẵn sàng cho việc vận chuyển hàng đi.

Bánh tráng Mỹ Lồng hương vị đặc trưng

Từ thành phố Bến Tre xuôi về hướng Đông, theo đường tỉnh 885 qua cầu Chẹt Sậy là đến làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng, xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm.

Theo các cụ cao niên ở đây, nghề làm bánh tráng có từ nhiều đời, làng nghề hình thành lúc nào, chẳng ai nhớ rõ, tính ra có hơn trăm năm.

Về nguồn gốc nghề làm bánh tráng, có giả thuyết cho là có từ thuở chúa Trịnh, chúa Nguyễn phân tranh. Khi ấy Chúa Nguyễn yêu cầu người dân Mỹ Lung lấy gạo tráng bánh làm lương khô cho quân đội dự trữ chiến đấu lâu dài, từ đó hình thành làng nghề làm bánh tráng lưu truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay. Mỹ Lung xưa, nay gọi là Mỹ Lồng.

Máy tráng bánh phồng ở làng nghề “Bánh phồng Sơn Đốc”. Ảnh: Lư Thế Nhã

Bánh tráng qua bàn tay nhiều thế hệ thợ làm bánh trong làng đã được nâng chất lượng ngày một ngon hơn. Khách xa gần mua bánh mang đi khắp nơi, người người ăn bánh thấy ngon, hỏi bánh làm ở đâu, người mua nói mua ở Mỹ Lồng, tên bánh gắn liền địa danh là như vậy.

Bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng là nhờ có hương vị đặc trưng của gạo sỏi của xứ sở Trà Vinh - có nguồn gốc hữu cơ - phối trộn với nước cốt dừa, đường, mè, muối... Tỷ lệ nước cốt dừa nhiều hơn gạo, tạo nên loại bánh béo thơm. Ngoài bánh béo, còn có bánh tráng sữa, trứng gà tạo nên hương vị đặc biệt cho vị bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng thơm ngon, an toàn, không sử dụng chất bảo quản.

Người ta tận dụng ánh sáng mặt trời để hong bánh phồng, bánh khô tự nhiên sẽ rất giòn khi nướng lên. Ảnh: Lư Thế Nhã

Để sản xuất bánh tráng ở Mỹ Lồng được nâng cao chất lượng cùng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều hộ sản xuất bánh tráng đã chuyển sang dùng máy móc tự động thay thế đôi tay con người. Số hộ tráng bánh thủ công này còn rất ít. Từ sử dụng máy cho các khâu làm bánh, chất lượng bánh đồng đều, vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn, sản lượng bánh ra lò nhiều gấp nhiều lần làm bánh thủ công. Với máy tự động tráng bánh, trong một giờ có thể tráng xong 100 lít gạo trong khi tráng thủ công phải mất 4 giờ mới xong 10 lít gạo.

Tuy nhiên, để có bánh ngon, đúng hương vị bánh tráng Mỹ Lồng, còn phải chú trọng chất lượng. Bà Nguyễn Thị Bạch Lan, hộ sản xuất bánh tráng ở ấp Nghĩa Huấn, cho biết để chinh phục khách hàng, gia đình bà đã mua máy móc chuyên dụng để tráng bánh cho đều, đẹp và đặc biệt chú trọng đến các công đoạn chọn nguyên liệu, như gạo, dừa, mè, pha chế bột theo tỷ lệ thích hợp và bảo đảm vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất.

Cơ sở xản xuất bánh tráng của bà Lan ngày thường xuất lò 15 thiên bánh, ngày Tết số lượng tăng lên 20 thiên, bánh bán đi khắp các tỉnh miền Tây, siêu thị và du khách, Việt kiều mua về làm quà.

Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Thạnh, hiện nay làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có 221 hộ sản xuất bánh tráng, tập trung nhiều ở ấp Nghĩa Huấn với 135 hộ. Các cơ sở sản xuất bánh tráng giải quyết việc làm thường xuyên cho 388 lao động nữ. Làng nghề đã thành lập hợp tác xã Bánh tráng Mỹ Lồng, được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu độc quyền. Hàng năm, làng nghề sản xuất khoảng 120.000 thiên bánh tráng các loại, doanh thu trên 44 tỉ đồng, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Bánh phồng Sơn Đốc xốp giòn

Xuôi theo đường tỉnh 885 đến xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm tiếp giáp huyện Ba Tri thì đến làng nghề Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng của Bến Tre.

Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng là loại bánh ngon vì là loại bánh khi nướng sẽ nổi phồng, xốp, khi ăn giòn tan trong miệng, không bị cộm vì vụn nếp.

“Sở dĩ người dân ở làng nghề làm ra được loại bánh ngon như vậy là nhờ khâu chọn nguyên liệu, phải là nếp rặt không lẫn lộn hạt gạo, do mối lái mua ở những cơ sở uy tín đưa về. Nếp làm bánh phồng được nấu thành xôi, quết trộn cùng nước cốt dừa, đường, hành, mè... Bánh phồng khi được cán mỏng xong, phải đem ra phơi dưới ánh nắng tốt hoặc sấy nếu trời mưa để chiếc bánh nướng không bị chai cứng”, ông Lê Văn Lâm, chủ cơ sở làm bánh phồng Trúc Lâm ở ấp Hưng Bình, cho biết.

Trong những năm gần đây, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc còn sản xuất thêm bánh phồng mì pha bột nếp và bánh phồng mì dán chuối xiêm chín và bánh phồng đặc biệt, ngoài nước cốt dừa, đường, còn thêm sữa, trứng gà, sầu riêng hoặc mít. Bà Bùi Thị Sập, một chủ lò bánh phồng ở ấp Hưng Bình, cho biết những loại bánh phồng này mới ra đời gần đây để chìu theo ý thích của khách hàng và rất đắt hàng.

Bánh phồng mì dán chuối xiêm chín.Ảnh: Lư Thế Nhã

Ngày xưa, nghề làm bánh phồng ở Sơn Đốc rất vất vả vì các công đoạn để làm ra một chiếc bánh hoàn toàn bằng thủ công, cần người có sức khỏe, tỉ mỉ. Để có bột làm bánh, mỗi lò phải dậy sớm, nấu xôi nếp.

Sau đó cần có 4-5 thanh niên khỏe mạnh cùng nhau đạp chày mổ để quết nếp thành bột dẻo, một người ngồi phía chiếc cối nhanh tay đảo bột sau từng nhịp chày bổ xuống, phải thật khéo léo để khi chày bổ xuống không trúng tay. Đảo bột đồng thời cho nước cốt dừa, đường, hành, mè... vào cối và tiếp tục giã rồi trộn cho đến khi bột bánh quện đều mới bắt bột thành viên bằng nhau.

Bột bắt xong như một viên chè được đặt lên mặt lá chuối dùng ống tre để cán ra thành bánh. Cần nhiều người có tay nghề giỏi, cán bánh cho mịn, đều nhau và phải thật nhanh tay để kịp nắng.

Ngày nay, một số công đoạn làm bánh phồng đã được cải tiến, việc sản xuất được nhẹ nhàng hơn nhưng các cơ sở sản xuất lại đối mặt với sự canh tranh thị trường gay gắt.

Các cơ sở có điều kiện đầu tư máy móc sản xuất cho các khâu từ nạo dừa, quết bột đến cán bánh đều có máy thay sức người, sản xuất nhanh hơn, số lượng bánh được tạo ra trong cùng một khoảng thời gian tăng gấp 10 lần so với các cơ sở vẫn còn dùng lối sản xuất thủ công. Chưa kể phần chất lượng cũng được nâng cao cùng với đó khâu an toàn thực phẩm cũng được bảo đảm hơn.

Bà Cao Thị Xuân, chủ cơ sở sản xuất bánh phồng ở ấp Hưng Hòa Đông, cho biết: “ngoài đầu tư máy móc cho sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, còn nâng chất lượng bánh bằng gạo nếp thượng hạng, trái dừa khô của cây dừa lão (nước cốt béo hơn dừa tơ)... bánh mới được nhiều khách hàng chuộng mua.

“Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc là nghề truyền thống có hơn 100 năm nay. Hiện tại xã có 51 hộ sản xuất bánh phồng, tập trung ở ấp Hưng Bình. Làng nghề đã có Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc với 20 thành viên. Địa phương đã hình thành khu du lịch làng nghề và du lịch tâm linh để du khách trải nghiệm làm bánh, nướng bánh và tham quan nhà thờ La Mã có hơn 100 năm”, ông Lê Thành Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng, nói.

Làng làm bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn đốc hoạt động suốt năm, bánh bán đi khắp miền Tây và bán đắt hàng nhất là vào dịp tết. Ở các vùng nông thôn ĐBSCL, người dân xem bánh tráng, bánh phồng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết bên cạnh những bánh chưng, bánh tét...

Do vậy, khách mua bánh không chỉ là người trong tỉnh, trong nước mà còn có cả Việt kiều ở hải ngoại nhớ hương vị quê hương đặt mua về ăn Tết.

Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc là hai loại bánh ngon, hai làng nghề này được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2018”, là niềm tự hào của người dân xứ dừa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới