Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Bánh xe’ suy thoái đang lăn trong nền kinh tế Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nền kinh tế Mỹ chưa chính thức rơi vào suy thoái nhưng thực tế, nhiều ngành kinh doanh như bất động sản, vận tải hàng hóa, hóa chất, công nghệ/điện tử, quảng cáo... thực sự đang trải qua tình cảnh này.

Nợ nần lớn kết hợp với hoạt động kinh doanh sa sút do nhu cầu suy yếu khiến Công ty vận tải đường bộ Yellow Corp., có 99 năm tuổi đời, nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ hồi cuối tuần trước. Ảnh: Getty

Các nhà phân tích ở Phố Wall ngày càng tự tin rằng, Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong ngắn hạn. Nhưng một điều nổi bật trong các cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh quí 2 vừa qua là nhiều CEO tuyên bố ngành kinh doanh của họ đã suy thoái. Thực tế, hoạt động kinh doanh đang suy giảm trong một số ngành cụ thể như sản xuất, hóa chất, hộp carton, vận chuyển hàng hóa, công nghệ/điện tử, bất động sản dân cư và thương mại, thâu tóm và sáp nhập và quảng cáo.

“Có thể đất nước không suy thoái, nhưng bất động sản thì đang như vậy”, Jordan Kaplan, CEO của Công ty đầu tư bất động sản Douglas Emmett, cho biết vào tuần trước.

Jonathan Johnson, CEO của nhà bán lẻ đồ nội thất trực tuyến Overstock.com, nói trong cuộc họp báo gần đây: “Ngành kinh doanh của chúng tôi đã suy thoái và vẫn đang như vậy”

“Tôi không biết rằng chúng ta đã từng chứng kiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm sâu và lâu như vậy mà không có suy thoái kinh tế đi kèm hay không”,  David Jackson, CEO của Knight-Swift Transportation Holdings với các nhà phân tích vào tháng trước:

Nếu danh sách các ngành kinh doanh gặp khó khăn nối dài hơn nữa, Mỹ có thể đối mặt với cơn suy thoái toàn diện, tức sự thu hẹp kéo dài trong các hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, các điều kiện hiện tại phù hợp để mô tả về một cơn suy thoái đang “lăn bánh”, với các bộ phận khác nhau của nền kinh tế chứng kiến hoạt động suy giảm theo các khoảng thời gian khác nhau.

Người tiêu dùng Mỹ đang vung tiền cho các kỳ nghỉ ở châu Âu, vé xem buổi hòa nhạc của nữ ca sĩ Taylor Swift và các bộ phim ăn khách.  Nhưng họ hạn chế mua sắm thiết bị  gia dụng, một sự đảo ngược với thời kỳ Covid-19. Do vậy, các chỉ số kinh tế của ngành dịch vụ vẫn khá lạc quan, trong khi các chỉ số của ngành sản xuất báo hiệu suy thoái. Nhìn chung, lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ đang giảm, nhưng vẫn ở mức khá tốt.

Trong báo cáo gửi khách hàng hồi tháng 6, các nhà phân tích của ngân hàng UBS, viết : “Một loạt các cơn suy thoái nhỏ, cụ thể theo từng ngành, diễn ra không tuần tự trong toàn bộ nền kinh tế có thể giúp Mỹ tránh được cơn suy thoái trên diện rộng”.

Nhìn chung, có 3 nhóm kinh doanh đang gặp khó khăn: hàng hóa lâu bền (cộng với nguyên liệu đầu vào và dịch vụ vận tải), các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất và những công ty chịu sức ép do các khách hàng doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu

Vậy vì sao vẫn chưa xảy ra một cơn suy thoái chính thức đối với kinh tế Mỹ?

Thứ nhất, các ngành kinh doanh đang gặp khó khăn thường liên quan đến sản xuất, nhưng các nền kinh tế lớn ngày nay đang hướng nhiều hơn đến dịch vụ. Một lý do khiến nền kinh tế Đức đình trệ là nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp sản xuất.

Thứ hai, một số lĩnh vực gặp khó khăn nhưng không xấu toàn diện. Lĩnh vực sản xuất đang trì trệ nhưng có những công ty phát triển vượt bậc. Các công ty sản xuất công nghiệp lớn như Caterpillar đang hưởng lợi từ cơn bùng nổ đầu tư vốn nhờ trợ cấp. Ngành sản xuất ô tô và hàng không vũ trụ vẫn tăng trưởng ổn định.

Trong lĩnh vực xây dựng, vốn đầu tư chảy mạnh vào các nhà máy sản xuất pin và chip bán dẫn mới đang bù đắp cho tình trạng sụt giảm giá của các cao ốc văn phòng và nhà ở. Về công nghệ, doanh số bán máy tính cá nhân sụt giảm khi các công ty công nghệ chạy đua đầu tư cho công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, dù các công ty ghi nhận mức sụt giảm lớn về doanh số bán hàng, nhưng phần lớn nguyên nhân thường bắt nguồn từ việc khách hàng bán lẻ giảm lượng hàng dự trữ. Do sự biến động của chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đặt mua quá nhiều hàng hồi năm ngoái. Hiện tại, họ đang cố gắng giảm lượng hàng tồn kho đó để bảo toàn tiền mặt.

Đến một thời điểm nào đó, họ sẽ cạn kiệt lượng hàng tồn kho và cần phải bổ sung. Tập đoàn BASF (Đức), nhà sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới, nhận định hàng tồn kho có thể đã chạm đáy và điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu đang phục hồi dần dần.

Các nhà phân tích cũng có quan điểm tương tự về thị trường điện thoại thông minh (smartphone). Tuy nhiên, cuối tuần trước, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, Maersk (Đan Mạch) cảnh báo, đợt điều chỉnh lượng hàng tồn kho bắt đầu vào cuối năm ngoái sẽ kéo dài ít nhất cho đến cuối năm 2023.

Tất nhiên, hoạt động của những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề này phụ thuộc vào những nơi khác.  Khối lượng hàng hóa vận tải bằng đường biển và đường bộ đang giảm do các nhà sản xuất giảm công suất hoạt động.

Hôm 6-8, Công ty vận tải đường bộ Yellow Corp., có 99 năm tuổi đời. nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ. Yellow Corp  là một phần trong làn sóng phá sản đang gia tăng của các công ty lớn ở Mỹ. Sau nhiều năm gặp khó khăn tài chính, Yellow Corp gục ngã do hoạt động kinh doanh sa sút do nhu cầu suy yếu.

Theo Satish Jindel, Chủ tịch Công ty tư vấn SJ Consulting, Yellow xử lý trung bình 49.000 chuyến vận chuyển hàng mỗi ngày trong năm 2022. Trong năm nay, con số đó giảm chỉ còn 10.000-15.000 mỗi ngày.

Tương tự như vậy, suy thoái trong ngành quảng cáo trở nên trầm trọng hơn vì các công ty công nghệ và viễn thông đang thắt chặt chi tiêu.

“Rõ ràng họ đang trải qua một điều gì đó kéo dài hơn dự kiến của bất kỳ ai trong chúng ta”, Philippe Krakowsky, CEO của hãng quảng cáo Interpublic Group of Cos, nói với các nhà đầu tư vào tháng trước.

Nếu quá nhiều ngành kinh doanh rơi vào suy thoái cùng một lúc, nền kinh tế Mỹ sẽ khó “hạ cánh mềm” hơn và làn sóng mất việc làm có thể xảy ra.

Tình hình đang u ám hơn ở châu Âu, nơi các CEO cảnh báo châu lục này không có khả năng cạnh tranh do hóa đơn năng lượng cao.

Tuần trước, Công ty hóa chất Lanxess tuyên bố có thể đóng cửa  hai nhà máy hóa chất ở miền tây nước Đức, với khả năng 100 việc làm  bị mất mát. Công ty cho biết hai nhà máy này không còn tính khả khi kinh tế để vận hành trong thời gian dài.

“Mọi người đang xem xét liệu sản xuất ở châu Âu có còn hợp lý hay không,” Martin Brudemueller, CEO của BASF nói với các nhà đầu tư vào tháng trước.

Theo Bloomberg

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới