(KTSG) – Khi mục tiêu tăng trưởng đã đạt, thậm chí vượt kỳ vọng, việc giải ngân đầu tư công cần quyết liệt nhưng không nên nóng vội. Nhìn nhận và giải quyết tận gốc rễ những bất cập sẽ giúp xóa bỏ điểm nghẽn hiện hữu và đưa việc đầu tư công ở Việt Nam đi đúng hướng, đạt hiệu quả tối ưu.
Nghịch lý… “có tiền chưa tiêu”
Trong hai năm 2021-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sau 10 tháng đầu năm chỉ đạt ở mức lần lượt 64,44% và 55,8% kế hoạch năm. Nghịch lý có tiền mà chưa tiêu, dù là không muốn hay không dám càng thêm bất cập khi theo tư duy phát triển kinh tế thông thường, đẩy mạnh đầu cư công sẽ kích thích sự phát triển của nền kinh tế sau thời gian chật vật vì dịch Covid-19 bùng phát ở phạm vi toàn cầu.
Lại nữa, xét đến hoàn cảnh đặc thù của kinh tế Việt Nam, như một vị chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ rõ, việc chậm giải ngân đầu tư công phần nào khiến thanh khoản gặp khó khăn do một số lượng tiền bị hút vào trái phiếu chính phủ và đang bị đọng lại.
Tất nhiên, nếu đặt trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn căng thẳng, khó lường, sẽ cần rất cẩn trọng khi đẩy một lượng tiền lớn ra khỏi hệ thống ngân hàng. Một nhân tố quan trọng góp công vào mức tăng trưởng GDP thường tương đối ấn tượng của Việt Nam cũng cần được lưu tâm: vốn đầu tư.
Ở tầm vĩ mô hơn, xin được nhắc lại quan điểm của nhiều vị chuyên gia từ nhiều năm về trước, đầu tư công dàn trải thì hiệu quả sẽ thấp. Lựa chọn “miếng bánh chia đều” không còn phù hợp, nhất là khi tới hết tháng 8-2022, có tới 17 bộ ngành, địa phương xin trả lại vốn đầu tư công.
Mới đây, Báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 đã đề nghị làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 4,7-5,2%, thấp hơn mục tiêu là 5,5% trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt 2 điểm phần trăm so với mục tiêu 6-6,5% đã đặt ra và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch.
Theo báo cáo, điều đó thể hiện chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.
Cùng với đó, tỷ lệ cung tiền so với GDP (M2/GDP) giai đoạn 2016-2020 rất cao, năm 2016 là 158,3%, năm 2019 và 2020 theo thứ tự là 175,1% và 182,52% GDP. Tính toán dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước, năm 2020, tỷ lệ tăng M2/tỷ lệ tăng GDP danh nghĩa so với năm 2019 là sáu lần.
Cũng năm này, Tổng cục Thống kê nhận định, đầu tư công là động lực tăng trưởng kinh tế. Thực tế này càng chứng minh việc giải ngân vốn đầu tư công cần quyết liệt nhưng… không được nóng vội.
Chúng ta lại đang gặp nhiều điều may. Bất chấp con số khiêm tốn trong giải ngân vốn đầu tư công 2021 và viễn cảnh tương tự năm 2022, tăng trưởng kinh tế luôn đạt và vượt kỳ vọng. Vào năm ngoái, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Kịch bản năm nay có lẽ sẽ còn tươi sáng hơn với kỳ tích tăng trưởng GDP quí 3 là 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái, ngoài đóng góp như thường lệ của khu vực công nghiệp, xây dựng mà trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo còn là sự bứt phá của khu vực dịch vụ.
Hiện tại, không có áp lực giải ngân đầu tư công để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP, vì vậy, đây là cơ hội để có một cái nhìn căn bản, toàn diện, giải quyết tận gốc rễ những bất cập trong vấn đề đầu tư công ở Việt Nam.
Tìm con đường sáng
Nhìn thẳng vào những chuệch choạc, thiếu sót đã qua hay đang tồn tại có thể giúp tìm ra con đường ngắn nhất đạt được thành tựu. Trong trường hợp này, trước tiên phải đề cập đến câu chuyện nhiệm kỳ.
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 được phê duyệt đầu tư vào tháng 12-2014. Tới năm 2018, một số hạng mục của hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh, thế nhưng cũng từ đó, cả hai dự án tạm ngừng xây dựng. Tiến độ giải ngân của dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đạt hơn 55% trong khi con số tương tự ở dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là 57%.
Báo cáo về tình hình đầu tư công năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 nhận định, hai dự án trọng điểm của ngành y tế đang vướng mắc về hợp đồng, đơn giá gốc để điều chỉnh hợp đồng, dẫn đến không có cơ sở thanh toán cho nhà thầu.
Trải qua tới ba nhiệm kỳ, vấn đề càng trở nên khó xử, có lẽ là vì người kế nhiệm bị đặt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, vừa không có chức năng xử lý những yếu kém, sai lầm xảy ra trước đó trong khi nếu không làm như vậy, không có căn cứ để gỡ vướng, dẫn dự án tới đích và đưa vào sử dụng.
Vấn đề của hai dự án bệnh viện lớn ở Hà Nam chính là khúc mắc mà nhiều dự án đầu tư công đang gặp phải, đặc biệt là những dự án đã bị phát hiện có vi phạm quy định về đầu tư, gây thất thoát lãng phí đã và đang được rà soát.
Không có cây đũa thần chỉ cần vẩy nhẹ là hiệu chỉnh được mọi sai sót và cũng chẳng thể nhắm mắt coi như chúng chưa từng xuất hiện, bỏ qua việc truy cứu trách nhiệm của những người từng tham gia dự án.
Phương án dễ thuyết phục hơn là khoanh vùng các dự án đang “án binh bất động” bởi lý do trên, xử lý theo ưu tiên về mức độ cần thiết với xã hội, nguy cơ hao tổn ngân sách nếu tiếp tục chậm tiến độ…
Một nhóm công tác độc lập, không vướng víu cả về lý lẫn tình với nhân sự từng tham gia dự án qua các thời kỳ, những vị Bao Công đặc biệt có thể nhanh chóng phân định rõ vi phạm xảy ra ở khâu nào, thời điểm nào và các chuyên gia được mời tham gia cùng đoàn sẽ tư vấn giúp đưa ra các biện pháp khắc phục tốt nhất. Khi dự án đã “sạch”, việc đầu tư sẽ được tiếp tục và nếu thật sự quyết tâm, những chấm đen xấu xí trên bức tranh đầu tư công sẽ dần được loại bỏ.
Thứ hai là câu chuyện hiệu quả. Nỗi trăn trở, đau xót về tình trạng những công trình xây dựng phục vụ dân sinh ở các địa phương thành nơi… chăn bò, thiết bị y tế cả chục tỉ đồng đắp chiếu vì không ai biết sử dụng hay việc đá vỉa hè cạy lên lát xuống cũng làm tăng GDP… nên được tiếp thu, có lời giải đáp thỏa đáng và có biện pháp khắc phục.
Đề xuất về chế tài với những trường hợp xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công (quen gọi là trả lại vốn đầu tư công) nên được cân nhắc từ điểm nhìn này. Sẽ rất đáng hoan nghênh nếu những người có trách nhiệm ở bộ, ngành địa phương quyết tâm lắc đầu với dự án đầu tư không còn phù hợp và không mang lại hiệu quả trực tiếp hay gián tiếp cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở địa phương và trên cả nước.
Ngược lại, thoái thác đầu tư công trình, dự án thiết yếu xứng đáng nhận chế tài xử lý, có thể tới mức đứng sang một bên để người khác tiếp tục làm. Những điều này sẽ được làm sáng tỏ khi rà soát lại danh mục đầu tư công trên cả nước, đánh giá dự án nào khả thi và hiệu quả, dự án nào không; từ đó quyết định tiếp tục hay dừng, bố trí vốn cho dự án cần kíp hơn.
Ở tầm vĩ mô hơn, xin được nhắc lại quan điểm của nhiều vị chuyên gia từ nhiều năm về trước, đầu tư công dàn trải thì hiệu quả sẽ thấp. Lựa chọn “miếng bánh chia đều” không còn phù hợp, nhất là khi tới hết tháng 8-2022, có tới 17 bộ ngành, địa phương xin trả lại vốn đầu tư công.
Trong khi đó, để thỏa mãn yêu cầu chính đáng về công bằng trong phân bổ nguồn lực, chỉ cần loại bỏ những tính toán thiệt hơn trong chuyện điều tiết nguồn thu của địa phương về ngân sách trung ương, chẳng hạn, theo tỷ lệ nguồn lực sẵn có, vốn đầu tư công phân bổ/tỷ lệ điều tiết ngân sách. Việc này một mặt bù đắp cho khu vực nhận ít vốn đầu tư công, một mặt sẽ tạo nên áp lực buộc địa phương nhận nhiều phải tìm cách lựa chọn các dự án mang lại lợi ích thiết thực.
Dù vậy, cái khó vẫn nằm ở chỗ làm sao lựa chọn được các dự án trọng điểm, có tính chất cú hích cho phát triển kinh tế các vùng miền để tập trung đầu tư. Chúng ta phải có được quy hoạch có chất lượng với các tham số đầu vào chính xác và tầm nhìn dài hạn về kinh tế vùng, kinh tế cả nước đặt trong chuyển động phát triển của kinh tế thế giới. Rất cần những vị Gia Cát Lượng trong tư vấn, hoạch định chính sách trong các lĩnh vực, trong đó có đầu tư công.