(KTSG) - Ngày 26-12-2024, Công an tỉnh Đắk Lắk công bố đã triệt phá thành công và khởi tố bốn chủ cơ sở dùng chất cấm là “nước kẹo” để sản xuất giá đỗ, thu lợi bất chính cho bản thân, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng(1). Đây là đơn vị đã cung ứng sản phẩm “bẩn” cho chuỗi Bách Hóa Xanh trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Dòng tin trên đã gieo rắc thêm nỗi bất an cho người tiêu dùng về một vấn đề luôn nóng hổi bấy lâu nay là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
- Tiệm bánh mì Việt và thói quen an toàn vệ sinh thực phẩm
- Giảm 10% các loại phí trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm
Chuỗi cung ứng thực phẩm được hình thành dựa trên ba chủ thể quan trọng là nhà cung cấp, nhà phân phối và đơn vị cấp các giấy chứng nhận cho nhà cung cấp. Vậy đâu là vai trò và trách nhiệm của các chủ thể này khi xảy ra những sự cố về ATVSTP. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất và trách nhiệm đến đâu?
ATVSTP: Dưới góc nhìn pháp luật
Nhà cung ứng là đơn vị cung cấp sản phẩm trực tiếp cho nhà phân phối và cũng là đơn vị đóng vai trò quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng thực phẩm, bắt đầu cho một quy trình bảo đảm ATVSTP. Vai trò này bao gồm việc cung cấp nguyên liệu và sản phẩm an toàn, chất lượng đến nhà phân phối và người tiêu dùng. Trong đó, nhà cung ứng có trách nhiệm: (1) Đảm bảo nguyên liệu được sản xuất, thu hoạch, và bảo quản theo các quy chuẩn về ATVSTP; (2) Thực hiện kết quả kiểm nghiệm định kỳ, đảm bảo sản phẩm tuân thủ các quy định khoa học về an toàn thực phẩm; (3) Cung cấp giấy chứng nhận ATVSTP chính xác, bao gồm giấy chứng nhận xuất xứ, nguyên liệu và kiểm nghiệm chất lượng(2).
Dưới góc độ của người tiêu dùng, nhà phân phối, đơn vị trực tiếp cung cấp sản phẩm cho họ mới là người có trách nhiệm cao nhất, là người “gác đền” an toàn cho mỗi bữa ăn của khách hàng.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhà cung ứng có hành vi gian lận, cung cấp sản phẩm kém chất lượng hoặc có hành vi lạm dụng giấy chứng nhận, nhà cung ứng sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại cho nhà phân phối và có thể phải đối mặt với trách nhiệm cao nhất là trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhà phân phối: Bên trung gian “gác cổng an toàn” cho người tiêu dùng
Nhà phân phối là các đơn vị kinh doanh bán lẻ như Bách Hóa Xanh, Co.opmart, WinMart… đóng vai trò trung gian quan trọng trong chuỗi cung ứng, chịu trách nhiệm đảm bảo rằng sản phẩm cung ứng đến tay người tiêu dùng là an toàn và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm. Trách nhiệm của nhà phân phối là (1) Kiểm tra nguyên liệu và sản phẩm: Nhà phân phối có trách nhiệm xem xét các giấy chứng nhận ATVSTP do nhà cung ứng cung cấp để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật; (2) Minh bạch thông tin về sản phẩm: Nhà phân phối phải cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, và các chỉ số liên quan đến ATVSTP; (3) Kiểm soát chuỗi cung ứng: Nhà phân phối phải thiết lập các quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với nguyên liệu tươi sống, đặc biệt đối với sản phẩm dễ hỏng. Trường hợp xảy ra bất kỳ sự cố nào về ATVSTP, nhà phân phối phải (i) thực hiện việc thu hồi sản phẩm; (ii) hợp tác với cơ quan chức năng; (iii) bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Có thể thấy những bước đi và thông tin công bố trên truyền thông gần đây của Bách Hóa Xanh để xử lý “khủng hoảng” thực phẩm “bẩn” là những quy trình xử lý theo đúng quy định của pháp luật yêu cầu đối với nhà phân phối.
Vì Bách Hóa Xanh hay các nhà cung cấp khác đều hiểu rằng, theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, nhà phân phối phải đảm bảo thông tin minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Trong trường hợp nhà phân phối đã làm đúng trách nhiệm và giấy chứng nhận hợp pháp, trách nhiệm chính chuyển sang nhà cung ứng hoặc cơ quan cấp giấy chứng nhận.
Cơ quan cấp giấy chứng nhận: Trách nhiệm ở đâu?
Các giấy chứng nhận ATVSTP được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sau khi đã kiểm tra và đánh giá các yếu tố pháp lý và khoa học. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quy trình cấp giấy chứng nhận chưa đảm bảo độ chính xác hoặc bị gian lận. Do đó, các cơ quan cấp giấy phép phải phối hợp với nhà phân phối và nhà cung ứng để xử lý khi sự cố xảy ra. Có thể thấy trách nhiệm của cơ quan cấp giấy chứng nhận là yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa nguy cơ gian lận và đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Các giấy chứng nhận ATVSTP được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sau khi đã kiểm tra và đánh giá các yếu tố pháp lý và khoa học. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quy trình cấp giấy chứng nhận chưa đảm bảo độ chính xác hoặc bị gian lận dẫn đến việc thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn trên thực tế dù có đầy đủ giấy tờ chứng minh.
ATVSTP: Trong mắt người tiêu dùng
Giữa quy định pháp luật và thực tiễn về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dưới góc nhìn của một người tiêu dùng có sự khác nhau nhất định. Pháp luật yêu cầu đơn vị cung ứng sản phẩm là đơn vị quan trọng nhất và chịu trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo ATVSTP, tiếp đến mới là cơ quan cấp giấy chứng nhận và nhà phân phối. Tuy nhiên, dưới góc độ của người tiêu dùng, nhà phân phối, đơn vị trực tiếp cung cấp sản phẩm cho họ mới là người có trách nhiệm cao nhất, là người “gác đền” an toàn cho mỗi bữa ăn của khách hàng.
Thế nhưng, có thể dễ dàng nhận ra, khi bất kỳ sự cố về ATVSTP nào diễn ra, các bên hoàn toàn có thể đổ lỗi cho bên còn lại và phủi bỏ trách nhiệm của chính mình. Đặc biệt là đối với nhà phân phối và cơ quan cấp giấy chứng nhận ATVSTP, những đơn vị luôn khẳng định mình đã làm đúng quy định, đúng quy trình và nỗ lực hết sức để đảm bảo ATVSTP. Lúc này người tiêu dùng mới vỡ lẽ rằng đúng quy trình, đúng quy định là chưa thể đủ cho sự an toàn của chính họ và gia đình.
Ai cũng hiểu rằng, pháp luật nếu chỉ là những quy định khô cứng trên trang giấy, thiếu đi tình người, đạo đức của một người kinh doanh thì không thể nào có những bữa cơm an toàn cho người tiêu dùng. Khi đó, các nhà phân phối, cơ quan cấp giấy chứng nhận cũng sẽ dễ dàng vượt qua bài toán trách nhiệm mà pháp luật đặt ra cho họ.
Chúng tôi cho rằng giấy tờ kiểm tra, quy trình, điều kiện pháp luật để các sản phẩm đặt lên trên kệ các siêu thị, các đơn vị phân phối và đến tay người tiêu dùng chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là những “mắt xích” trong chuỗi cung ứng như nhà phân phối, cơ quan cấp giấy chứng nhận không chỉ hoàn thiện các quy định, quy trình của chính mình mà phải thật sự đứng ở góc độ của khách hàng, người tiêu dùng hàng ngày để đưa ra những quyết định vì khách hàng, người tiêu dùng mà mình cũng là một phần trong đó.
Khi đó, chắc chắn rằng ngoài việc đáp ứng những giấy tờ đã có, những bài kiểm tra nội bộ đã được thông qua, những nhà phân phối sẽ bắt tay vào kiểm tra lịch sử vận hành của doanh nghiệp cung ứng, kiểm tra thực tế sản xuất và rất nhiều bài kiểm tra khác trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Và đúng rằng, khi nào nhà phân phối và nhân viên của nhà phân phối có thể tiêu dùng sản phẩm do mình phân phối thì nỗi bất an của khách hàng mới phần nào vơi đi.
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
(1) https://tuoitre.vn/4-co-so-dung-chat-cam-co-the-gay-chet-nguoi-de-san-xuat-gia-do-20241226090714467.htm
(2) Điều 7.2 Luật An toàn thực phẩm 2010.
Nói mãi rồi. Không nên đặt vấn đề trách nhiệm chung chung nữa. Mà là nên đề xuất giải pháp có tính khả thi nhất, cho dân sớm được nhờ, vì đây là vấn đề sinh – tử cả thế hệ, chứ chẳng phải chơi ? Giải pháp mạnh nhất, tương tự như vi phạm trật tự giao thông, là tăng mức xử phạt lên đến mức người mà người cố ý làm trái phải biết chùn tay, chùn bước ngay. Về mặt kinh tế, phải phạt nặng, kể cả tịch biên tài sản có được do vi phạm. Về mặt pháp lý, phải truy tố hình sự, áp dụng hình phạt tù giam là tối thiểu.