Bảo đảm mục tiêu của nền kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội
Vân Ly
(KTSG Online) - Tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm dịch bệnh hoành hành đã gây khó khăn (tiềm ẩn lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là vốn ODA) và thách thức cho phát triển những tháng cuối năm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết về các giải pháp để vượt qua thách thức trong những tháng cuối năm.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 được Văn phòng Chính phủ gửi đến báo chí vào sáng ngày 17-8.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, kinh tế xã hội. Ảnh minh họa: DNCC |
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định
Tại Nghị quyết, Chính phủ thống nhất đánh giá, đất nước ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa sức khỏe, tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội. Lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là vốn ODA.
Xuất hiện đứt gãy một số chuỗi cung ứng, nhất là ở giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát trong tháng 7. Có những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Xuất khẩu có xu hướng chậm lại, tình trạng nhập siêu có khả năng tiếp diễn. Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng so với cùng kỳ. Việc làm, sinh kế của nhiều người dân bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những địa bàn có dịch...
Trong tháng 7, mặc dù đại dịch COVID-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm hơn đã bùng phát tại nhiều địa phương, nhất là tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội và sức khỏe, tính mạng của nhiều người dân... Nhưng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Trong 7 tháng đầu năm thu ngân sách nhà nước đạt 68% dự toán năm, tăng 15,6%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực. Dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phục vụ công tác phòng, chống dịch được đẩy mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 7,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9%. Sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi; an ninh lương thực được bảo đảm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đạt trên 373 tỉ đô la Mỹ, tăng 30,2%; xuất khẩu đạt trên 185 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,5%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài 7 tháng đạt 16,72 tỉ đô la Mỹ; vốn FDI thực hiện đạt 10,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,8%. Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về khả năng phục hồi kinh tế, tính cạnh tranh, sự hấp dẫn về môi trường đầu tư kinh doanh.
Những chỉ đạo của Chính phủ cho các bộ ngành thực hiện
Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2021 là rất nặng nề để thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra của năm 2021 trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 11-KL/TW ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ nhất. Trong đó tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Ưu tiên cao nhất là nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết. Không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục, bảo đảm đơn giản, thuận tiện cho triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân; mở rộng hợp tác công tư. Trong khi thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ hoàn thiện các thủ tục về đầu tư công.
Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công đến thời điểm Quốc hội thông qua kế hoạch, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát, hoàn thiện phương án. Bao gồm cả các khoản chưa phân bổ, phương án phân bổ đối với số vốn ngân sách địa phương còn lại. Cương quyết cắt bỏ các dự án mới hiệu quả thấp, chưa đủ thủ tục, các dự án đầu tư không hiệu quả, dàn trải, manh mún, chia cắt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung rà soát, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... để tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tài chính cũng cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân có xu hướng tăng giá cao để kịp thời đề xuất các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, quản lý kê khai giá, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp chính sách để bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại các khoản nợ. Khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tại các địa bàn có dịch đang diễn biến phức tạp. Quan tâm hỗ trợ các đối tượng khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan cần có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những địa phương có dịch. Hỗ trợ, giải quyết việc làm đối với lao động bị mất việc do dịch bệnh phải trở về quê hương...
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương. Theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất nhập khẩu (kể cả tại các cửa khẩu biên giới) nhằm thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Bảo đảm cung ứng đủ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội...