Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bão dịch chưa qua, bão giá đã tới!

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cơn bão giá đang tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân, đặc biệt, những nhóm dễ tổn thương trong xã hội.

Với Việt Nam, những nỗ lực mở cửa với bên ngoài đi cùng các thay đổi về chính sách kiểm soát, ứng phó đại dịch thời gian qua đang bước đầu cho thấy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cơn “dư chấn” đại dịch hai năm vừa qua và nhất là các chuyển biến địa chính trị thế giới đang tiếp tục đặt ra thách thức không nhỏ lên nền kinh tế.

Nhìn vào đời sống dân sinh, có thể thấy người lao động đang đứng trước khó khăn khi các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ sinh hoạt thiết yếu đồng loạt tăng giá trong lúc tiền lương và tiền công không tăng, thậm chí còn sụt giảm do nhiều doanh nghiệp chưa kịp gượng dậy sau thời gian dài bị tác động nặng nề bởi đại dịch thì đã lại phải đối diện với những vấn đề nan giải mới của thị trường.

Nhiều công nhân, lao động phổ thông lâm vào cảnh nếu muốn trụ lại thành phố thì phải thắt lưng buộc bụng. Và cũng chính điều này gây tâm lý do dự cho người lao động quay trở lại thành phố tìm việc sau thời gian dài về quê tránh dịch.

Các doanh nghiệp cũng đang ra sức tìm cách xoay xở để đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy năng suất và tối ưu hiệu quả, doanh số, từ đó nâng mức lương cho người lao động. Nhưng không phải ngành hàng nào cũng có thể thực hiện điều này trong tình cảnh nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn.

Gần đây, ở TPHCM cũng như một số địa phương đã có trường hợp người lao động đình công, phản ứng tập thể do doanh nghiệp chậm chi trả lương, giảm lương hoặc không đảm bảo đời sống cho họ.

Quy định mức lương tối thiểu là một trong những vấn đề cần được Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất lại trong bối cảnh xác định rổ hàng tiêu dùng mới, cập nhật giá cả mới.

Trước hết, đây là nền móng để tạo ra một mức thu nhập căn bản đảm bảo đời sống cho người lao động và doanh nghiệp có điểm mốc xử lý chế độ tiền lương cho người lao động hợp lý hơn (vẫn biết trên thực tế, mức lương lao động là do doanh nghiệp tự quyết).

Bên cạnh đó, những nỗ lực trong quản trị của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh doanh hiệu quả cũng là một chìa khóa đảm bảo điều kiện cải thiện mức lương cho người lao động. Trong hoàn cảnh thiếu hụt lao động hiện nay, doanh nghiệp càng cần xác định người lao động là nguồn lực chính, “sức khỏe kinh tế” của họ có tương quan chặt chẽ với “nội lực kinh doanh” của doanh nghiệp.

Họ chính là tài sản chứ không phải là “món nợ” phải trả của doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Xác định tâm thế này thì các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ có những chế độ lương bổng và đãi ngộ để gia tăng năng suất, nâng lợi thế cạnh tranh sản phẩm dịch vụ trong lúc thị trường lao động đang khan hiếm.

Ngoài ra, đây cũng là lúc mà các tổ chức công đoàn cần lắng nghe người lao động để có những đề nghị điều chỉnh thu nhập kịp thời, hợp bối cảnh. Cơ chế thỏa thuận mức lương, thu nhập giữa người lao động và chủ doanh nghiệp cũng cần được tôn trọng và có những cam kết cụ thể về phúc lợi cho người lao động. Ở chiều người lại, người lao động cũng cần nhìn thấy những áp lực mà doanh nghiệp đang đối diện để đồng hành trách nhiệm, mang lại hiệu quả chung.

Bài toán về lương cho người lao động hẳn là mỗi một công ty, doanh nghiệp sẽ có một lời giải khác nhau, tùy vào điều kiện, cách thức quản trị. Có một điều chắc chắn, trong các nỗ lực riêng đó, doanh nghiệp lẫn người lao động đều mong đợi hiệu quả từ những quyết sách đột phá ở tầm vĩ mô để con thuyền kinh tế vượt qua sóng gió phía trước. Những cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tổn thương, vẫn cần được Chính phủ tiếp tục để đảm bảo kháng thể cho nền kinh tế.

Việc lựa chọn gói mì ăn qua bữa hay phần cơm đủ dinh dưỡng trên mâm cơm của người công nhân, người lao động nghèo không chỉ dừng lại ở khả năng quyết định của họ mà còn đặt ra đòi hỏi đối với bài toán quản trị của doanh nghiệp và một “khí hậu kinh tế” đủ tạo ra những chuyển biến tích cực, nhanh chóng trong bối cảnh “bão đại dịch chưa qua thì bão giá đã tới”.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi nghĩ xem lao động như là “Tài sản” của doanh nghiệp cũng không ổn. Vì khi khó khăn, thì việc đầu tiên doanh nghiệp làm là “Thanh lý tài sản”, tức giảm lao động hoặc giảm lương. Trong nền kinh tế thị trường thì chính phủ cũng không thể cấm doanh nghiệp không được “Thanh lý tài sản” để cứu bản thân mình. Việc có thể làm là chính phủ có những hỗ trợ để doanh nghiệp không buộc phải “Thanh lý tài sản” là người lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới