Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Báo động ô nhiễm sông Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Báo động ô nhiễm sông Sài Gòn

Văn Nam

Nước thải công nghiệp, sinh hoạt thải ra các kênh rạch, đổ thẳng ra sông Sài Gòn – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Đợt khảo sát mới đây trên địa bàn 17 quận huyện tại TPHCM cho thấy sự ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn đã đến mức báo động. Mỗi ngày con sông này phải tiếp nhận hàng trăm ngàn mét khối nước thải công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi chưa qua xử lý.

Sông Sài Gòn đang “hấp hối”

Theo ông Nguyễn Cửu Long Giang, Trưởng phòng Kiểm tra giám sát ô nhiễm môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, chi cục vừa hoàn tất đợt khảo sát, thống kê các nguồn thải chính vào sông Sài Gòn. Đợt khảo sát tập trung tại 450 doanh nghiệp sản xuất có lưu lượng nước thải lớn.

Kết quả cho thấy tổng lưu lượng nước thải công nghiệp từ các doanh nghiệp trên xả ra sông Sài Gòn mỗi ngày khoảng 61 ngàn mét khối/ngày. Chưa kể lượng nước thải chăn nuôi khoảng 2.200 mét khối/ngày và hơn 100 ngàn mét khối nước thải sinh hoạt từ các hộ dân ven lưu vực sông đều đổ thẳng ra sông Sài Gòn.

“Điều tra 450 doanh nghiệp thì có đến 270 doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, chiếm tỷ lệ 60%”, ông Giang cho hay qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 21-4. Hoặc, các doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nhưng các chỉ số ô nhiễm của nước thải sau xử lý vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Thống kê cho thấy, ba nguồn thải chính ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nước lưu vực sông Sài Gòn là: công nghiệp, nông nghiệp và nước thải đô thị. Trong đó, nước thải đô thị là nguồn ô nhiễm lớn nhất chiếm đến 63%, lượng nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp bên ngoài chiếm 35%, còn lại là nước thải chăn nuôi chiếm 2%.

Đa số nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình thường chỉ qua sơ bộ bằng bể tự hoại, thải ra cống, ra kênh, làm gia tăng mức độ ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh. Còn các ngành nghề như dệt nhuộm, may mặc, thực phẩm và hóa mỹ phẩm là nhóm sản xuất dẫn đầu trong việc xả thải gây ô nhiễm cho sông Sài Gòn.

Khảo sát cho thấy lưu lượng nước thải sinh hoạt phát sinh nhiều nhất từ quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, quận 9 và quận 12.

Theo Chi cục bảo vệ môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, dầu trên sông Sài Gòn – Đồng Nai có xu hướng ngày càng tăng và vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ông Giang cho rằng nếu so sánh 450 doanh nghiệp đã điều tra với con số hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố thì nếu điều tra đầy đủ, chắc chắn lượng nước thải chưa qua xử lý thải ra sông Sài Gòn sẽ còn nhiều hơn.

Đe dọa nguồn nước cấp sinh hoạt

Hiện nay, hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai là nguồn cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Tân Hiệp và các nhà máy nước khác cung cấp nước sạch cho người dân TPHCM.

Xét trên phạm vi rộng hơn, theo một nghiên cứu của giáo sư Lâm Minh Triết, chủ nhiệm Chương trình bảo vệ môi trường và tài nguyên TPHCM, trong năm 2010, tổng lượng nước thải sinh hoạt mà sông Sài Gòn phải gánh chịu mỗi ngày từ các địa bàn Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM khoảng 890.700 mét khối. Dự báo đến năm 2020, lượng nước thải sinh hoạt này sẽ lên đến gần 1,1 triệu mét khối/ngày đêm.

Trong một văn bản kiến nghị gởi UBND thành phố mới đây, ông Võ Quang Châu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, công ty chủ yếu áp dụng các biện pháp đối phó với những biến động ngày càng xấu của chất lượng nước các con sông để ổn định sản xuất của các nhà máy nước.

Tuy nhiên, nếu tình hình ô nhiễm và nhiễm mặn của các con sông vẫn tiếp tục tăng, vượt quá khả năng đầu tư công nghệ xử lý nước tại các nhà máy nước Tân Hiệp, Thủ Đức thì tình hình cấp nước sẽ rất khó khăn và không lường hết hậu quả nghiêm trọng.

Ông Châu kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp hạn chế kịp thời ô nhiễm nước sông Sài Gòn – Đồng Nai.

Tìm nguồn nước thay thế

Trong một nỗ lực tìm nguồn nước cấp thay thế trong trường hợp sông Sài Gòn bị ô nhiễm, Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn Dầu Tiếng (Sadacorp) đang làm việc với Sawaco triển khai dự án hệ thống ống cấp nước sạch dài 60 km dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về cung cấp cho nhà máy nước Tân Hiệp và nhà máy nước Kênh Đông.

Ngoài đường ống dẫn nước, Sadacorp cũng sẽ xây thêm một nhà máy xử lý nước công xuất 600.000 mét khối/ngày nằm trong khuôn viên của nhà máy nước Tân Hiệp hiện tại.

Dự án đang được Sadacorp trình Chính phủ, UBND thành phố và các bộ ngành phê duyệt. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 7.500 tỉ đồng. Dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015 nếu được phê duyệt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới