Báo động sếu đầu đỏ về Việt Nam giảm mạnh
Hồng Phúc
(TBKTSG Online) - Số lượng sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm đang báo động đỏ về số lượng bảo tồn - về Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) những năm gần đây liên tiếp giảm dần. Điều này khiến các nhà bảo tồn chim hoang dã và các nhà khoa học lo lắng.
![]() |
Sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Tang A Pau) |
Tuần trước đã có 3 cá thể sếu đầu đỏ về Tràm Chim trong mùa chim di cư năm nay, theo ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim. “Năm nào cũng vậy, vài con sếu về trước tiền trạm và cả đoàn sẽ về sau. Lượng sếu đầu đỏ về Tràm chim đông nhất vào tháng 3, tháng 4 hàng năm”, ông Hùng nói.
Ở đây có một nhóm chuyên viên theo dõi sự di cư của sếu đầu đỏ để ghi nhận và báo cáo lại Hội Bảo tồn sếu đầu đỏ thế giới.
Nhưng ông Nguyễn Hoài Bão, nhà điểu học, giảng viên ngành động vật học, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nói rằng điều lo ngại là số lượng sếu đầu đỏ về Việt Nam mỗi năm càng giảm dần và ngày càng đáng báo động.
“Năm 1988, các nhà khoa học ghi nhận trên 1.052 con sếu đầu đỏ về Việt Nam. Nhưng các năm gần đây số lượng sếu về chỉ còn vài trăm con. Từ 2006 đến nay không bao giờ có quá 200 con sếu về Tràm Chim mỗi năm và có những năm chỉ có vài chục con. Năm ngoái, Vườn quốc gia Tràm Chim ghi nhận ở thời điểm nhiều nhất có 67 con sếu đầu đỏ”, ông Bão cho biết. Cách đây 30 năm, PGS Lê Công Kiệt từng nói có sếu đầu đỏ làm tổ ở Đồng Tháp nhưng nay hiện tượng đó đã không còn.
Theo ông Hùng của vườn quốc gia, nguyên nhân sếu về giảm mạnh là do diện tích đất ngập nước bị thu hẹp, sự tác động của biến đổi khí hậu khiến nước lớn trước kia thành nước nhỏ, một số bãi năn (thức ăn của sếu) giảm diện tích, và tỷ lệ sinh sản của sếu cũng giảm đi.
Tràm Chim có 231 loài chim nước, trong đó 32 loài có giá trị bảo tồn đang sinh sống. Hơn 60% chim ở Tràm Chim là chim di cư. Sếu đầu đỏ là biểu tượng của Tràm Chim và Vườn quốc gia Tràm Chim được thành lập cũng là để bảo tồn loài chim quí này.