(KTSG Online) - Một người bạn sống ở Sài Gòn bảo chưa bao giờ trong cuộc đời mình, anh lại mong chờ tháng Mười đến như vậy. Cảm giác đó của anh chắc có lẽ được nhiều người khác chia sẻ bởi những gì tại thành phố này đang diễn ra một cách kỳ lạ. Gần như mọi người dân đều phải ở yên trong nhà suốt mấy tháng trời liền. Nhiều người một bước ra ngoài cũng không được phép và không dám.
Ngẫm lại mới thấy điều này chưa từng xảy ra với Sài Gòn lâu như vậy, kể cả trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất hồi thế kỷ trước.
Vì thế, khi tin tức đến với người Sài Gòn rằng từ đầu tháng Mười này, thành phố sẽ bắt đầu mở cửa, một số người đủ điều kiện được phép ra ngoài, ai nấy đều mong chờ tháng Mười gõ cửa. Tin cho biết, thành phố sẽ mở cửa theo ba giai đoạn, trong đó người có thẻ xanh sẽ được phép tham gia các hoạt động kinh tế, chợ búa sẽ mở lại, rồi hàng quán cũng được mở theo, v.v…, nghe rất phấn khởi.
Có lẽ trong số những người háo hức nhất với triển vọng mở cửa này là các chủ doanh nghiệp và công nhân của họ. Khó lắm rồi, nếu giờ không mở cửa chắc sẽ phải… đóng cửa mãi mãi, một số người nói. Còn các hiệp hội doanh nghiệp thì tha thiết mong chính quyền đưa ra một lộ trình mở cửa rõ ràng để họ có thể chuẩn bị. Họ báo động rằng nếu không làm như thế, cơ hội sẽ vĩnh viễn tuột khỏi tay Việt Nam. Vì vậy, cột mốc tháng Mười là cái đích ai cũng nhắm đến.
Thế nhưng, khi tháng Chín bước vào những ngày cuối cùng thì con đường mở cửa vào tháng Mười như tin tức cho biết ban đầu lại dường như trở nên gập ghềnh. Đầu tiên là chuyện tháo hết các hàng rào (kẽm gai, sắt, dây thừng, dây nylon các loại, v.v…). Theo người viết, đây là một việc vừa có tính thực tế, vừa mang tính biểu tượng. Ngoài việc các loại hàng rào ngăn trở sinh hoạt bình thường của người dân, đó còn là nỗi ám ảnh đối với người dân. Đã có tác giả viết như sau: “Tháo rào còn là cởi trói cho những tâm hồn”(1). Bởi thế, người ta cảm thấy hụt hẫng khi đọc tin cho hay “việc tháo rào chắn tại TPHCM đang dự thảo, chưa chốt phương án(2)”.
Tại sao như vậy? Đành rằng trong cao điểm dịch hoành hành, một số rào chắn là cần thiết, nhưng nay một khi đã mở cửa, thì dẹp bỏ các hàng rào này là việc đương nhiên. Có lẽ những người có trách nhiệm cần đủ dũng khí và quyết đoán để làm chuyện phải làm. Chẳng hạn, quyết định cho phép F0 trị bệnh tại nhà. Khi điều kiện đã tới thì phải làm thôi. Chẳng lẽ chỉ cho phép điều đúng phải làm vì không thể cưỡng lại được (như chuyện cho F0 trị bệnh ở nhà), còn những điều đúng khác nhưng còn có thể trì hoãn vì nghĩ rằng còn phải làm những điều đúng khác thì cứ để đó từ từ tính? Người dân tự hỏi vì sao không dẹp bỏ hàng rào? Nếu dịch trở lại, dựng rào lại thì có sao?
Một việc khác lớn hơn, lãnh đạo TPHCM đang kiến nghị Thủ tướng xem xét áp dụng quy định riêng trong mở cửa kinh tế địa phương. Sở dĩ như vậy là vì dự thảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có một số điểm còn chưa phù hợp với thực tiễn của TPHCM. Đến đây, người viết không khỏi có cảm giác “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Lẽ ra, các cơ quan chức năng ở trung ương cần bàn bạc với chính quyền thành phố để tìm ra các phương án tốt nhất hài hòa lợi ích giữa các địa phương và quốc gia trên tinh thần vì lợi ích chung. TPHCM có những đặc thù, nên khó có thể mặc vừa y chiếc áo may chung cho cả nước. Vì thế, người thợ may khéo sẽ tìm ra được các dung sai cần thiết để điều chỉnh sao cho một người vẫn có thể mặc được chiếc áo đó trong khi những người khác cũng không cảm thấy quá chật hay quá rộng. Làm được như vậy thì không phải chuyện gì cũng cần Thủ tướng giải quyết.
Một người sống ở quận 7 cho biết lần đầu tiên sau mấy tháng “ai ở đâu, ở yên đó”, anh lại nghe tiếng người đi tập thể dục trên đường khi quận này được thí điểm mở cửa. Ước mong của anh là mỗi buổi sáng sẽ được ra ngoài hít thở không khí trong lành mà không cần phải có phiếu “đi tập thể dục” nữa.
Trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh mà người viết mượn để làm tựa cho bài viết này, tháng Mười được mong chờ trở nên xa xăm, bất định với nhân vật chính và gia đình của chị. Còn với chúng ta, tháng Mười thật trong cuộc đời đang đếm từng ngày.
Mong sao tháng Mười mở cửa cuối cùng sẽ đến!
------------
(1)https://vnexpress.net/thao-rao-cho-sai-gon-4362357.html
(2)https://thesaigontimes.vn/viec-thao-rao-chan-tai-tphcm-dang-du-thao-chua-chot-phuong-an/
Không phải là “Bao giờ cho đến tháng 10″ mà là ” Làm gì khi đến tháng 10″? Covid đã ghi dấu ấn lịch sử chưa từng có trong cuộc sống của con người TPHCM. Biến cố không muốn nhớ nhưng vĩnh viễn không thể nào quên. Một Sài Gòn đang bị trọng thương nặng nề hơn bao giờ hết.
Đừng đổ hết mọi thứ lên dịch bệnh. Tất cả các biện pháp phòng dịch, hiện đang gây khó khăn cho cuộc sống, là do con người dựng lên.