Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bao giờ thì hết tiếng rao?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Hột vịt lộn, hột vịt dữa (vữa), trứng cút lộn, bắp xào me đây!”. Tối đến, tiếng rao như trên lại vang lên tại một khu dân cư ở thành phố này. Với nhiều người Sài Gòn, cách rao hàng kiểu đó (hình như lý thuyết tiếp thị xếp vào loại hình “tiếp thị trực tiếp”) rất quen thuộc, đã có từ lâu đời, không những có tại các chợ truyền thống mà còn ở khắp hang cùng ngõ hẻm khi người buôn gánh bán bưng đem hàng của mình đến tận cửa nhà khách hàng.

Trong thế kỷ thứ hai mươi mốt của thời đại Internet, cách rao hàng như trên cũng đã thay đổi. Thay vì phải cất giọng tốn sức, người ta mua máy về ghi lời rao rồi phát qua loa mini. Tuy có tốn thêm pin, các “máy rao hiện đại” giúp người bán dạo đỡ tốn sức trên con đường vạn dặm phải đi mỗi ngày của mình.

Ở khu dân cư nói trên, người buôn gánh bán bưng cũng đã thay đổi. Không còn “gánh”, cũng chẳng còn “bưng”, mà tất cả thường đặt trong một chiếc tủ nhỏ với vô số bao bì treo chung quanh và được chất lên một chiếc xe gắn máy cứ chạy lòng vòng hết chỗ này đến chỗ kia. Khách hàng của người bán hột vịt lộn dạo này phần lớn không phải là cư dân khá giả, mà là những người nghèo hơn. Đó là những người bảo vệ, tài xế, người phục vụ vẫn còn đang làm việc dù trời đã tối. Vô hình trung, trong khu phố giàu có đó, người nghèo đang nương tựa vào nhau để sống.

Dù giúp người bán đỡ tốn hơi sức rao hàng, “máy rao” cũng có mặt trái của nó. Trước hết, vì là máy nên các lời rao chỉ lặp lại một cách vô cảm lời thoại đã được thu trước. “Máy rao” lên ngôi làm mất đi những giọng rao hàng chỉ nghe thôi cũng đã thấy muốn mua hàng. Người lớn tuổi ở Sài Gòn chắc cũng còn nhớ những giọng rao “ngọt như mía lùi” trong thời thơ ấu, mà đặc trưng là cách kéo dài chữ “đâ…ââây” ở cuối câu vô cùng mời gọi, tạo nên sự giao cảm giữa người bán và người mua.

Kế đến, vì phát qua loa nên lời rao máy nhiều khi rất ồn ào. Hiếm khi người bán có ý thức “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để không làm phiền hàng xóm”. Thường là họ phát hết công suất nên dù các khổ chủ dù chẳng hề muốn ăn hột vịt lộn hay hột vịt “dữa” vẫn phải nghe rao vô cùng khó chịu, đặc biệt là khi về đêm ai cũng cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Thêm nữa, nhiều khi trên đường phố Sài Gòn, vốn đã

ô nhiễm tiếng ồn với vô số âm thanh và tạp âm, người đi đường lại phải chịu tra tấn thêm bằng những tiếng rao máy lặp đi lặp lại không bao giờ dứt như cứ dội thẳng vào đầu người đi đường (máy mà!). Nói thật, dù thông cảm với người phải mưu sinh khó nhọc trên các vỉa hè, nhưng bị tra tấn bằng âm thanh kiểu này thì khó lòng mà vui cho được.

Đến nay, hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam thống nhất đã tròm trèm nửa thế kỷ. Đất nước đã có nhiều thay đổi tốt hơn. Tiếng rao của những người bán dạo đã ít đi vì đã được thay thế bởi các cửa hàng, siêu thị mọc lên khắp nơi. Tuy nhiên, số người mưu sinh trên các vỉa hè hẳn còn rất lớn. Họ thuộc “đội ngũ” thành phần kinh tế phi chính thức.

Theo thống kê ở Việt Nam, đây là khu vực tạo ra việc làm lớn trong tất cả các thành phần kinh tế. Số liệu tại một diễn đàn do Bộ Tài chính tổ chức năm 2018 cho thấy quy mô nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam lên đến 27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015; lao động trong khu vực này chiếm đến 57% lực lượng lao động xã hội(1). Tổng số lao động trong khu vực phi chính thức là khoảng 18 triệu người. Những nghề chiếm tỷ lệ cao trong khu vực này gồm giúp việc trong các hộ gia đình, xây dựng, và dịch vụ lưu trú và ăn uống(2). Tuy có số lượng lớn, người lao động trong khu vực này lại có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, không thể đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thiếu lưới an sinh về các khoản phúc lợi xã hội khác(3).

Phi chính thức nhưng lại quan trọng. Đây cũng là một nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam gần nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất. Phần nào đó, những tiếng rao hàng của giới buôn gánh bán bưng cũng thể hiện tình trạng của khu vực kinh tế không chính thức. Càng ít đi những tiếng rao của họ - hay nói khác đi, tỷ lệ thành phần phi chính thức trong nền kinh tế càng nhỏ đi - đất nước mới thịnh vượng hơn.

Cuối cùng, như đã nói ở phần trên, đất nước đã có nhiều thay đổi tốt hơn, đối với người buôn gánh bán bưng - dù lời rao đã được thay bằng máy ghi âm và thay vì đi bộ thì họ đã đi xe - có một điều vẫn chưa thay đổi. Đó là đằng sau mỗi tiếng rao vẫn là một thân phận con người, thường là cơ cực, đáng thương.

-----------

(1),(2),(3) https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kinh-te-phi-chinh-thuc-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-305487.html

3 BÌNH LUẬN

  1. 57% là hơn một nửa lực lượng lao động. Do đó rất cần có chính sách hỗ trợ cho lực lượng lao động này như vốn liếng, an sinh xã hội… Khó lắm, nhưng không lẽ không làm?!

  2. Không bao giờ xã hội hết tiếng rao. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống, là minh chứng cho số phận của con người. Tuy nhiên, trong một xã hội văn minh và nhân văn, người ta biết “nâng cấp” tiếng rao, biến nó trở thành một nếp sống, nếp văn hóa thân thiện, hấp dẫn. Qua đó vừa hỗ trợ giúp đỡ những người mưu sinh có nơi chốn, có cơ hội làm ăn để đổi đời, vừa tạo ra điểm nhấn thu hút khách du lịch… Singapore vào thập niên 90 cũng nhan nhản người đi rao hàng, nhưng ngài Lý Quang Diệu với tầm nhìn dài hạn, ông đã biến đổi cơ bản cuộc sống của hàng vạn người buôn bán nhỏ lẻ, quy hoạch thành một khu vực thương mại văn minh, sầm uất, đa dạng… Nếu có tâm và tầm thì việc gì cũng làm được thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới