Bảo hiểm phi nhân thọ: Cạnh tranh trên thị trường “ngách”
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Rất nhiều gói bảo hiểm phi nhân thọ mới, cỡ nhỏ được các công ty bảo hiểm bắt đầu tung vào thị trường theo cách tiếp cận mới. Dù chưa thật sự được chú ý nhưng đây là những bước đi đầu tiên trong chiến lược giành thị phần của các công ty bảo hiểm nhóm dưới.
![]() |
Bảo hiểm trễ chuyến bay vốn trước đây nằm trong gói bảo hiểm du lịch nay được các công ty mới tách riêng thành sản phẩm độc lập. Ảnh minh họa Đào Loan |
Sản phẩm mới thay vì công ty mới
Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ những năm 2016-2017 ở mức hơn 40.000 tỉ đồng/năm, với mức tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Theo Cục Quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2018 con số này dự kiến ở mức hơn 44.000 tỉ đồng, tăng khoảng 13%. Doanh thu sẽ tập trung vào các sản phẩm xe cơ giới, sức khỏe, các sản phẩm liên kết với ngân hàng.
30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hiện đang hoạt động trên thị trường có số lượng đông gấp đôi song doanh thu phí bảo hiểm chưa bằng phân nửa so với 16 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Như năm 2017, tổng doanh thu của 16 công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam là 105.600 tỉ đồng, trong khi tổng doanh thu phi nhân thọ ở mức 40.561 tỉ đồng.
Hiệp hội Bảo hiểm cho biết, đến quí 3-2018 có tới 60% thị phần trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ thuộc về 5 doanh nghiệp dẫn đầu như Bảo Việt, PVI, Bảo hiểm PJICO... Tỷ lệ thị phần này sụt giảm so với mức 70% của một năm trước đó do các doanh nghiệp bảo hiểm quy mô nhỏ hơn tìm mọi cách chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, 60% thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tốp trên không phải là bất biến và hàng chục doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nhóm còn lại tìm mọi cách gia tăng thị phần, mở rộng thị trường theo các cách tiếp cận khác nhau như thành lập các đơn vị thành viên, mở rộng chi nhánh, hợp tác bán chéo, phân phối sản phẩm. Đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng qua kênh bán hàng trực tuyến để giảm chi phí và trung gian. Bởi chi phí bán hàng của các doanh nghiệp phi nhân thọ cũng tăng rất nhanh trong mấy năm trở lại đây.
Để thành lập mới một công ty bảo hiểm phi nhân thọ phải chịu điều kiện rất ngặt nghèo của Bộ Tài chính về vốn điều lệ (tối thiểu 300 tỉ đồng), quỹ dự trữ tài chính và các điều kiện khác mỗi khi cho ra đời một sản phẩm mới và đăng ký lưu hành trên thị trường. Do đó, sân chơi này chỉ dành cho các doanh nghiệp có tiềm lực thực sự.
Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị phần trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang có mức tăng trường cỡ 12%/năm như giai đoạn hiện nay và dự kiến sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn khi quan niệm về mua bảo hiểm phòng rủi ro của người Việt mỗi ngày một thay đổi, các công ty bảo hiểm hay đối tác sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ, áp dụng xu thế công nghệ để nâng cao tương tác với khách hàng và giảm tối đa các chi phí trung gian.
Ngay cả khâu đền bù cũng sẽ được thực hiện nhanh nhất. Nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ đang "nối gót" các doanh nghiệp nhân thọ trong quá trình “số hóa” sản phẩm, từ nghiệp vụ quản lý đến tiếp cận khách hàng, loại bỏ hoàn toàn giấy tờ và tiền mặt. Nhiều sản phẩm bảo hiểm đơn giản đã được bán qua kênh online, qua website hay trang thương mại điện tử Tiki.vn; Bảo hiểm BIC có bảo hiểm nhà tư nhân trực tuyến qua wesite; Bảo Việt có bảo hiểm xe máy trên ứng dụng di động…
Sự thay đổi rất nhanh trong xu hướng và cách tiếp cận khách hàng này thực ra không phải duy nhất. Trước đó, các công ty bảo hiểm đã phối hợp với nhiều ngân hàng để bán chéo sản phẩm mà không phải mở thêm chi nhánh dưới tên gọi “bancassurance”.
Sự kết hợp này thậm chí được nhiều doanh nghiệp chọn là kênh chiến lược trong những năm tới và gia tăng doanh thu đáng kể cho bảo hiểm cũng như thêm lợi nhuận cho ngân hàng. Tuy chưa thống kê được mảng bancassurance này đem lại tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu cho công ty bảo hiểm song hướng khai thác này vẫn đang được chú trọng đáng kể.
Mục tiêu là tiếp cận thật nhanh
Một số ngân hàng hay công ty bảo hiểm lớn đã trực tiếp đứng ra thành lập các công ty bảo hiểm số nhằm chiếm lĩnh thị trường kinh doanh theo xu hướng. Như các cổ đông của VP Bank góp vốn thành lập Công ty bảo hiểm số OPES hay Bảo hiểm Bưu điện thành lập PTI Digital.
Mục tiêu mà các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm số nhắm tới trong thời gian đầu là tiếp cận thật nhanh các sản phẩm truyền thống theo một cách mới như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm y tế mà khách hàng và bên bảo hiểm không cần gặp mặt trực tiếp. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm số hay kênh phân phối của họ sẽ “quét” các gói bảo hiểm cỡ nhỏ đến đối tượng là khách hàng từ nông thôn đến thành thị, có thể mua qua tin nhắn hay phần mềm trên điện thoại, giá từ vài ngàn đồng đến vài chục, vài trăm ngàn đồng.
Rất nhiều sản phẩm bảo hiểm mới kiểu như “bảo hiểm tình yêu”, bảo hiểm trễ chuyến bay… đã được tung ra.
TBKTSG Online đã hỏi ý kiến rất nhiều chuyên gia ở Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng như các nhà quản lý về các loại hình bảo hiểm mang tính “phái sinh” khá mới mẻ này. Và đều nhận được các câu trả lời là chưa thật sự quan tâm lắm đến các sản phẩm nhỏ, mới trên môi trường kinh doanh theo hạ tầng kỹ thuật số. Các sản phầm này làm sao chỉ cần đáp ứng Luật Kinh doanh Bảo hiểm cũng như Nghị định 165/2018 (áp dụng từ tháng 2-2019) về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính là có thể bán ra trên thị trường.
Song nghị định mới chỉ quy định tính hợp pháp và độ an toàn của các hình thức giao dịch điện tử (trong đó có bảo hiểm). Còn sự bùng nổ của các sản phẩm bảo hiểm nhỏ lẻ, trên thị trường ngách, theo xu hướng công nghệ mới thì Luật Kinh doanh Bảo hiểm còn chưa “quét” kịp.
Vậy nên không thể đợi đến lúc thị trường bảo hiểm phát triển mạnh theo một hướng mới hay tranh cãi nổ ra, cơ quan quản lý lại lúng túng chạy theo phân xử.
Mời xem thêm:
Bảo hiểm “ăn theo” hàng không bắt đầu cạnh tranh mạnh
![]() |