(KTSG Online) - Liên quan đến phản ánh nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng chế độ..., Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản giải thích về chủ hộ kinh doanh bị thu bảo hiểm sai luật và hướng giải quyết vấn đề này.
- Để người mua bảo hiểm có thể bảo vệ quyền lợi của mình
- Sắp có bảo hiểm vi mô bảo vệ rủi ro cho người có thu nhập thấp
Theo cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này vừa có văn bản lý giải tình trạng thu sai BHXH với chủ hộ kinh doanh.
Theo Bộ luật Lao động năm 1994, nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi hoạt động tạo ra việc làm hoặc tự tạo việc làm và các chủ hộ kinh doanh cá thể được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với tư cách như một người lao động khi tham gia đóng BHXH bắt buộc. Chủ hộ được hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế như người lao động.
Tính đến tháng 9-2016, có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc trong khi theo quy định họ không thuộc diện đóng. Có trường hợp đóng 20 năm nhưng không được tính hưởng lương hưu nên nhiều chủ hộ đã làm đơn khởi kiện cơ quan bảo hiểm xã hội ra tòa án. Giai đoạn này chưa có BHXH tự nguyện.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, người lao động có hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên hoặc không xác định thời hạn sẽ được lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó từ năm 2003 đến nay, một số chủ hộ đủ điều kiện đã được hưởng các chế độ hưu trí, BHXH một lần.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được tính thời gian đóng, chưa được hưởng chế độ do nhận thức chưa thống nhất về hộ kinh doanh tham gia BHXH của cơ quan bảo hiểm một số địa phương. Bên cạnh đó, nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể không đăng ký tham gia BHXH cho các thành viên trong hộ nếu bản thân không được tham gia.
Dẫn đến rất nhiều vướng mắc về BHXH của chủ hộ kinh doanh cá thể đã chưa được giải quyết thấu đáo, như tiền đã thu nộp vào quỹ giờ trả cho dân bằng cách nào, lấy tiền đâu để trả, trả thì tính thế nào và nếu họ không chấp nhận thì xử lý ra sao…
Vì vậy năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các địa phương dừng thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể, đồng thời báo cáo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội xin hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người đóng.
Đánh giá việc thoái thu BHXH với chủ hộ kinh doanh sẽ rất phức tạp do các chủ hộ không đồng thuận, ảnh hưởng quyền lợi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất thống nhất chủ trương đưa chủ hộ kinh doanh cá thể vào diện đóng BHXH bắt buộc và cho phép tính thời gian đã đóng để họ được hưởng chế độ theo nguyên tắc đóng - hưởng.
Kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Chính phủ ban hành nghị quyết tính thời gian đã đóng bắt buộc và tự nguyện (nếu có) với chủ hộ kinh doanh.
TTXVN đưa tin, chính sách BHXH hiện chia 2 loại hình bắt buộc và tự nguyện. BHXH bắt buộc dành cho khu vực có hợp đồng, giao kết mà người lao động lẫn chủ sử dụng phải tham gia. Lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.
BHXH tự nguyện dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Lao động có thể lựa chọn mức đóng theo quy định, được nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng và chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Theo quy định hiện hành, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc. Họ là cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình được các thành viên ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có đề xuất chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương vào trong nhóm đóng BHXH bắt buộc. Tiền lương tính đóng BHXH với các nhóm này sẽ do người đó tự chọn, dao động 2-36 triệu đồng, sau một năm được chọn lại.
Nhìn lại nhiều biến cố trong thời gian vừa qua, nhất là trong và sau đại dịch covid, sự kiện hàng loạt người lao động rút bảo hiểm trước hạn, đã cho thấy hệ thống BHXH đã bị mất điểm quá nhiều. Rất đáng lo lắng. Sự tồn tại của hệ thống an sinh, tất yếu sẽ bị phá sản, nếu hệ thống BHXH không làm tròn vai trò là chỗ dựa quan trọng nhất cho mọi người dân, mọi gia đình. BHXH phải nhắm đến mục tiêu bao trùm là phục vụ toàn dân, chứ không chỉ ưu tiên một vài đối tượng, thì mới thành công trọn vẹn được. Mọi công dân, khi đã trưởng thành, đều phải xác định rõ ctrách nhiệm và quyền lợi, vị trí của mình trong tổng thể hệ thống an sinh xã hội. Mục tiêu công bằng và văn minh, sẽ chỉ nằm trên giấy, và không bao giờ đạt được trong thực tiễn nếu không xử lý hài hòa mối quan hệ căn bản và mật thiết này.
Khi còn tuổi lao động, lương thì bèo bọt. Khi nghỉ hưu, thu nhập càng bèo bọt gấp bội, nhiều khi dưới mức sống tối thiểu. Một vị lãnh đạo thành phố lớn có phát biểu rằng, sẽ cố gắng để người lao động có thu nhập 7 triệu/ tháng, có khả năng thuê mua nhà ở xã hội. Rõ ràng đây là nhiệm vụ chính trị vô cùng khó. Nhưng với cách đặt vấn đề như vậy, thì muôn đời người lao động khó có thể ngóc đầu lên được. Tại sao không đặt ra nhiệm vụ nhân văn và cấp bách hơn là phải tăng nhanh thu nhập cho người lao động ? Ở thành phố hiện nay, với 10-15 triệu thu nhập hàng tháng, chắc chắn vẫn chưa thể sinh sống an toàn, cho chính bản thân và gia đình người lao động. Tiền lương/ thu nhập/ an sinh xã hội, nếu vòng lẩn quẩn này không tháo gỡ, thì đừng nói đến việc tạo ra động lực phát triển bền vững.