Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo hiểm xe máy ‘cháy hàng’ nhờ tổng kiểm tra giao thông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo hiểm xe máy 'cháy hàng' nhờ tổng kiểm tra giao thông

Song Dũng

(TBKTSG Online) – Có khoảng 30% chủ phương tiện sở hữu bảo hiểm bắt buộc khi lưu thông trên đường, trước đợt tổng kiểm tra giao thông. Tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua, nhưng không phải là yếu tố tích cực cho thị trường khi người mua chỉ để “phòng thân” khi ra đường.

Bảo hiểm xe máy 'cháy hàng' nhờ tổng kiểm tra giao thông
Lượng mua bảo hiểm xe máy tăng vọt trong những ngày qua. Ảnh: V.D.

Chị Lê Thúy An, cộng tác viên của công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (MIC) ở TPHCM, cho biết ở đại lý của chị, tháng nào cũng nhận từ công ty vài cuốn bảo hiểm xe máy, nhưng ế khách nên hết tháng lại phải mang trả lại. Tuy nhiên, trong đợt tổng kiểm tra giao thông lần này mà nhóm chị bán hết 200 suất bảo hiểm xe máy chỉ trong một ngày.

Thống kê từ các công ty Bảo hiểm cũng cho thấy sự tăng trưởng vượt trội về lượng bán hàng trong thời gian qua. Theo ước tính của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, lượng tham gia bảo hiểm xe máy tại Bảo Việt tăng lên khoảng 130% trong các ngày từ 15-19-5 so với cùng kỳ.

Tương tự, đại diện Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết chưa có con số thống kê chính xác, nhưng đánh giá chung thì nhu cầu mua sản phẩm bảo hiểm có thể tăng gấp đôi trong năm ngày vừa qua.

Kênh bán hàng online cũng được hưởng lợi. Chẳng hạn, đại diện Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) cho biết chỉ trong một tuần đã có hàng ngàn lượt khách đăng ký mua bảo hiểm trên ứng dụng. Doanh số bán sản phẩm này tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ.

Tương tự, đại diện ví điện tử MoMo, lượng người mua bảo hiểm xe máy qua MoMo tăng tới 23 lần so với lượng giao dịch bình thường, lên tới con số hàng chục ngàn người đăng ký mua chỉ trong ba ngày qua.

Lý giải nhu cầu tăng vọt, đại diện một công ty bảo hiểm nhận định là do chính sách kiểm tra các loại giấy tờ mà chủ xe phải mang theo. Trên thực tế, khi tham gia lưu thông thì việc sở hữu giấy bảo hiểm bắt buộc không khác gì việc đội mũ bảo hiểm.

Tại Việt Nam, loại hình bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới được cụ thể hóa trong Luật kinh doanh bảo hiểm (Luật số 24 năm 2000) và các nghị định, Thông tư đi kèm. Hiện nay, thị trường phải áp dụng theo Nghị định 103 năm 2008 của Chính phủ và Thông tư 22 năm 2016 của Bộ Tài chính.

Trao đổi với TBKTSG Online, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt ước tính trước đó chỉ có khoảng 30% số chủ phương tiện xe máy là tham gia bảo hiểm, một con số quá thấp so với quy định bắt buộc.

Trên thực tế, việc mua bảo hiểm xe cơ giới vẫn còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của từng cá nhân, dù có hai loại khác nhau là bắt buộc và tự nguyện. Đặc biệt là chủ xe máy thường không quan tâm vì ít có giá trị bồi thường, trái với đa phần các chủ xe ô tô có giá trị lớn.

Bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Nguồn: Niên giám bảo hiểm 2018.

Xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Việt, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện và có tốc độ gia tăng nhanh theo từng năm. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, ở thời điểm cuối năm 2011, Việt Nam có khoảng 33,4 triệu xe máy lưu thông. Đến cuối năm 2019, con số này đã gần chạm ngưỡng 60 triệu xe. Hiện tại, Việt Nam đang xếp thứ 4 trong danh sách các quốc gia tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới, đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.

Theo tìm hiểu, bảo hiểm xe máy có mức giá phổ biến khoảng 66.000 đồng/năm cho cả xe và người, nếu chọn thời hạn hai năm là 85.000 đồng. Trường hợp khách chỉ mua bảo hiểm dành cho xe máy là 50.000 đồng/năm và 70.000 đồng/2 năm. Còn mua bảo hiểm cho người mà không mua cho xe giá chỉ có 10.000 đồng/năm và 15.000 đồng/2 năm.

Thị phần bảo hiểm phi nhân thọ năm 2018

Trong trường hợp khoảng 60 triệu xe máy trong cả nước đều tiến hành mua bảo hiểm bắt buộc (với mức giá gốc nguyên giá 66.000 đồng/thẻ chứng nhận) sẽ mang lại doanh số mới 3.600 tỉ đồng, một con số rất đáng kể đối với các công ty bảo hiểm.

Theo số liệu niên giám bảo hiểm 2018, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu phí các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, ở mức 30,87%.

Trong khi đó, một chuyên gia cho biết, tại Việt Nam, tốp ba công ty thị phần bảo hiểm xe cơ giới (bao gồm cả xe máy và ô tô) lần lượt là Bảo Việt, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Pjico (thuộc tập đoàn Petrolimex), đều là những tập đoàn lớn có hệ sinh thái riêng. Trong đó, Bảo hiểm Bưu điện có kênh phân phối là hệ thống chi nhánh bưu điện, còn Pjico thuận lợi ở chỗ bán bảo hiểm ở các cây xăng của Petrolimex.
Với sự kiểm tra gắt gao từ phía cơ quan nhà nước, thị trường sẽ được kỳ vọng sẽ mở rộng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia bảo hiểm, thị trường này tăng trưởng như vậy là không bền vì không giải quyết tận gốc vấn đề, đó là làm sao để kích thích mọi người mua vì nhận thấy họ nhận được lợi ích thực sự, chứ không phải mua vì muốn đối phó với cơ quan chức năng.

Sẽ sửa đổi chính sách

Thông tin từ Bộ Tài chính mới đây cho biết cơ quan này sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 103 và sửa đổi Thông tư 22 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

Theo đó, sẽ quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Số xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới lên đến 110,3 triệu lượt, trong đó số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu lượt.

Doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường bảo hiểm, hỗ trợ khắc phục hậu quả cho nạn nhân tai nạn giao thông gần 600.000 vụ, trung bình 9 triệu đồng/vụ. Trong đó, có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới