Thứ Bảy, 7/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bảo hộ bản quyền phim trên mạng: nói dễ làm khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo hộ bản quyền phim trên mạng: nói dễ làm khó

Nguyễn Vinh

 

Bảo hộ bản quyền phim trên mạng: nói dễ làm khó
Nhiều chuyên gia tại Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình nhấn mạnh rằng muốn chống vi phạm bản quyền, thì cái gốc vấn đề là ở sự nghiêm minh của pháp luật và ý thức người dân. Ảnh: Nguyễn Vinh

(TBKTSG Online) – Nếu Việt Nam áp dụng các biện pháp xử lý tình trạng sao chép phim online như nhà chức trách Hàn Quốc đang làm, thì trước hết, hàng trăm trang web phim hoạt động và thu quảng cáo một cách phi pháp có thể sẽ bị “dọn” ngay trong chốc lát.

Đó là nội dung phát biểu của ông Jung Tea Sun, Tổng Giám đốc tập đoàn CJE&M Hàn Quốc tại Việt Nam, tại Hội thảo chủ đề Bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình trong môi trường số diễn ra sáng 23-4 tại TPHCM, do Cục Bản quyền tác giả, Hội Sở hữu Trí tuệ và Hội Truyền thông Điện tử TPHCM tổ chức.

Theo ông Jung Tea Sun, đầu những năm 2000, khi công nghệ truyền thông bắt đầu phát triển vũ bão, ngành công nghiệp giải trí tăng trưởng nhanh và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm văn hóa giải trí tại Hàn Quốc tăng cao, thì tại nước này, nạn vi phạm bản quyền cũng phổ biến và “khó xử” như tình hình ở Việt Nam hiện nay. Cho đến gần đây, tình hình vẫn còn nghiêm trọng: năm 2011, Hàn Quốc có 2,7 tỉ vụ vi phạm bản quyền; năm 2013, giá trị các vụ vi phạm tác quyền lên đến 4.000 tỉ won (khoảng 3,8 tỉ đô la Mỹ).

“Chỉ cần lấy 20% của 4.000 tỉ won đó để đầu tư thì đủ để phát triển một nền công nghiệp điện ảnh lớn mạnh”, ông Jung Tea Sun nói.

Và theo ông, những giải pháp mà các nhà chức trách Hàn Quốc đang thực hiện để xử lý vi phạm bản quyền trong môi trường số, đó là: thay đổi luật, tăng chế tài khi phát hiện vi phạm, thúc đẩy các vụ kiện bản quyền tới nơi tới chốn, xây dựng hệ thống nhận dạng vi phạm bằng cách quy định các website muốn hoạt động phải cài đặt một chương trình kiểm soát để có chế độ nhắc nhở, cảnh báo tự động với người cung cấp lẫn sử dụng khi có dấu hiệu vi phạm bản quyền.

Nhưng cũng theo ông Jung, trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền, thì ý thức người dân về sở hữu trí tuệ vẫn là mấu chốt quan trọng nhất.

Trong khi đó, luật sư Phan Vũ Tuấn, chánh văn phòng Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, thì chỉ ra một thực tế khác: tại Việt Nam, hiện có hàng trăm website phim trên mạng hoạt động, công khai vi phạm bản quyền, nhưng từ trước tới nay thì chỉ có ba trang web bị xử lý. Ông hy vọng thời gian tới, tình hình bảo hộ bản quyền phim trên môi trường số tại Việt Nam sẽ nghiêm ngặt hơn.

Trong khi tâm lý số đông cho rằng chép phim trên mạng nếu không vì mục tiêu kinh doanh thì không phạm luật, thạc sĩ Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ Tác quyền Việt Nam, nhấn mạnh: “Mặc dù tự ý sao chép, đưa phim lên mạng không vì mục tiêu kinh doanh, nhưng một khi không được phép của người nắm tác quyền, thì vẫn có thể quy vào tội vi phạm bản quyền.”

Còn nghệ sĩ Xuân Hải, từ Cục Điện ảnh lại ưu tư: “Với một nước đang kêu gọi xã hội hóa trong phát triển điện ảnh mà không xử lý được nạn vi phạm bản quyền thì rất khó cho việc kinh doanh của các nhà đầu tư, nhất là ảnh hưởng đến việc giao dịch với đối tác bên ngoài. Về lâu dài, các nhà phát hành nước ngoài chẳng dám bán bản quyền phim vào Việt Nam nữa, vì quá rủi ro. Đó là thiệt hại lớn cho công chúng điện ảnh nước nhà.”

Hội thảo nêu ra thực trạng nóng, nhưng cũng như nhiều hội thảo chống vi phạm bản quyền, tác quyền trong thời gian gần đây, thường kết thúc trong tình trạng “nói thì dễ, làm mới khó”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới