Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo hộ nhãn hiệu ‘Ngôi nhà cà phê’ có thật sự thuộc về The Coffee House?

Nguyễn Trần Hải Đăng(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - The Coffee House thay đổi nhận diện thương hiệu? The Coffee House có cửa hàng nhượng quyền? Đây là những câu hỏi mà trong hơn một năm qua, nhiều khách hàng của The Coffee House thốt lên khi đi ngang cửa hàng số 33 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TPHCM, nơi có hệ thống bảng hiệu rất lớn nổi bật lên dòng chữ “The Coffee House” cùng nội thất khang trang không kém gì những cửa hàng The Coffee House (của Công ty Trà Cà phê Việt Nam).

Hành vi này có đang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với nhãn hiệu The Coffee House?

Bảng hiệu The Coffee House ở cửa hàng số 33 Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh.Ảnh: N.K

Nhãn hiệu của The Coffee House chỉ được bảo hộ tổng thể

Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (Công ty Trà Cà phê Việt Nam) là chủ sở hữu của thương hiệu The Coffee House, thành lập ngày 22-8-2014. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Q&Me giữa năm 2022, The Coffee House nằm trong top 3 thương hiệu cà phê có độ nhận diện cao nhất Việt Nam với tỷ lệ 60%, chỉ sau Trung Nguyên và Highlands với tỷ lệ tương ứng là 75% và 67%(1).

Khi thông tin về cửa hàng cùng tên nêu trên tràn ngập các diễn đàn cà phê vào khoảng tháng 2-2022, phía The Coffee House đã đăng bài cập nhật danh sách các cửa hàng chính thức của mình, khẳng định cửa hàng số 33 Ung Văn Khiêm không thuộc hệ thống của The Coffee House. Công ty thông tin thêm, các cửa hàng The Coffee House không thuộc hệ thống của mình còn xuất hiện ở các tỉnh khác như Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, vì sao dù đã bị cộng đồng và công ty “chính chủ” điểm mặt gọi tên nhưng những cửa hàng trùng tên vẫn ngang nhiên tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật? Việc các cửa hàng trên sử dụng dấu hiệu chữ “The Coffee House” có phải là hành vi xâm phạm nhãn hiệu của The Coffee House không?

Theo thông tin tra cứu từ cơ sở dữ liệu của Cục SHTT, Công ty Trà Cà phê Việt Nam đã nộp hai đơn đăng ký nhãn hiệu lần lượt vào các năm 2015 và 2021. Đến nay chỉ có một đơn nộp năm 2015 được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, thời gian thẩm định đơn này được xếp vào hàng kỷ lục tại Việt Nam khi tính từ ngày nộp đơn 16-1-2015 đến ngày được cấp Văn bằng bảo hộ 17-5-2023, các bên đã phải trải qua đúng tám năm, bốn tháng. Dù vậy, nhãn hiệu này chỉ được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng dấu hiệu chữ “The Coffee House”.

Hình 1. Nhãn hiệu “THE COFFEE HOUSE SINCE 2014, hình” được cấp Văn bằng bảo hộ số 4-0453544-000 ngày 17-5-2023

Hình chụp từ cơ sở dữ liệu của Cục SHTT

Việc một nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể được hiểu là nhãn hiệu chỉ được bảo hộ với hình thức thể hiện (bố cục, hình dáng, kiểu chữ, sự kết hợp…) tổng thể của tất cả các dấu hiệu hình và chữ xuất hiện trên nhãn hiệu, chứ không được bảo hộ riêng đối với từng dấu hiệu riêng lẻ. Như đối với trường hợp nhãn hiệu trên của Công ty Trà Cà phê Việt Nam, dấu hiệu chữ “THE COFFEE HOUSE” và “SINCE 2014” không được bảo hộ riêng. Điều này có nghĩa, nếu một chủ thể khác sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình thức thể hiện tổng thể của mẫu nhãn hiệu này (như Hình 1) cho nhóm sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự thì mới bị xem là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Điều này không loại trừ việc một chủ thể khác bất kỳ sử dụng dấu hiệu chữ “THE COFFEE HOUSE”, vì đây là yếu tố bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu.

Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu mà Công ty Trà Cà phê Việt Nam nộp vào ngày 8-9-2021 cho dấu hiệu chữ “THE COFFEE HOUSE” với hai chữ cái “O” có dấu gạch dưới đặc trưng đang được sử dụng cho tất cả các cửa hàng của mình. Sau gần hai năm nộp đơn, hiện đơn này đã được công bố công khai trên Công báo Sở hữu công nghiệp quốc gia ngày 25-11-2021 và đang trong giai đoạn thẩm định nội dung.

Đến nay, cả hai đơn vị “The Coffee House” này vẫn đang ở tình trạng “đang giải quyết”.

Đáng chú ý, giữa hai mốc thời gian trên, vào ngày 18-10-2021, Cục SHTT đã ra thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ cho một nhãn hiệu “THE COFFEE HOUSE, hình” khác của một cá nhân ở Hà Nội (cũng chỉ được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng “THE COFFEE HOUSE”). Tiếp đó, ngày 25-10-2021, đơn này đã bị một bên thứ ba gửi ý kiến phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ. Mặc dù không rõ danh tính của bên phản đối, nhưng theo tác giả bài viết, khả năng chính là Công ty Trà Cà phê Việt Nam.

Đến nay, cả hai đơn “THE COFFEE HOUSE” này vẫn đang ở tình trạng “đang giải quyết”. Vì sao trong các đơn này, dấu hiệu chữ “The Coffee House” đều bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ hoặc đang bị bỏ ngỏ?

Khi nhãn hiệu là từ thông dụng

Theo quy định tại điều 72.2 Luật SHTT, một trong hai điều kiện mà một nhãn hiệu phải đáp ứng để được bảo hộ là “Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”.

Điều kiện này được cụ thể hóa tại điều 74. Trong đó tại điểm b khoản 2 điều này có quy định nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là “tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào”. Ý nghĩa của quy định này nhằm tránh tình trạng một chủ thể được độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng những dấu hiệu chung, thông dụng, đáng lý nên được mọi người tự do sử dụng. Hãy thử tưởng tượng, một ai đó được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Bánh Mì”, “Cơm Tấm”, “Phở”, “Trà Sữa”... cho các sản phẩm này, điều này rõ ràng không hợp lý.

Áp dụng quy định này vào dấu hiệu “The Coffee House”, chúng ta lần lượt xem xét ý nghĩa của ba từ cấu thành: (1). Từ “The” là một mạo từ đứng trước danh từ và cho biết danh từ ấy đang nhắc đến một đối tượng xác định hay không xác định. Do đó, từ này không có ý nghĩa cụ thể để làm nên khả năng phân biệt của nhãn hiệu. (2). Từ “Coffee” có nghĩa tiếng Việt là “cà phê”, là yếu tố mang nghĩa chính của cả cụm. (3). Từ “House” được sử dụng bổ nghĩa cho “Coffee” mang hàm ý “ngôi nhà cà phê”, tuy nhiên, yếu tố “cà phê” vẫn chiếm ý nghĩa chủ đạo, đồng thời “house” hay “ngôi nhà” cũng là những từ thông dụng.

Đồng thời, các nhãn hiệu nêu trên đều được đăng ký cho các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến cà phê. Do đó, dấu hiệu này có thể đã bị các thẩm định viên của Cục SHTT đánh giá là không có khả năng phân biệt vì là tên gọi thông thường của hàng hóa theo quy định nêu trên.

Bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp

Thị trường Việt Nam cũng có nhiều trường hợp tương tự, như The Face Shop, Flower Box, Capcuulaptop.com, The Coffee Bean & Tea Leaf, Kidz Plaza… hiện vẫn đang phải chấp nhận việc nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể và bị loại trừ các dấu hiệu chữ trong thương hiệu của mình. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các doanh nghiệp trong việc phát triển thương hiệu.

Do đó, một số bài học kinh nghiệm mà doanh nghiệp cần lưu ý khi xây dựng và bảo hộ thương hiệu: (1) tránh sử dụng các cụm từ là tên gọi thông thường hoặc mang tính mô tả chất lượng, đặc tính của hàng của hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp; (2) nếu còn phân vân liệu nhãn hiệu của mình có đảm bảo khả năng phân biệt hay không, cần tham vấn ý kiến của các luật sư, chuyên gia nhãn hiệu có uy tín để có giải pháp đăng ký và chiến lược bảo hộ nhãn hiệu phù hợp, hiệu quả; (3) xây dựng các bộ quy chế, đội ngũ nhân sự chuyên biệt để tiến hành các hoạt động quản trị và kiểm soát việc sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp…

(*) Chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK

(1) https://qandme.net/vi/baibaocao/nhung-cua-hang-ca-phe-duoc-yeu-thich-nam-2022.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới