Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo hộ nhãn hiệu ở EU, những điều cần biết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo hộ nhãn hiệu ở EU, những điều cần biết

Thanh Ngân

(TBKTSG Online) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm nay, kéo theo đó là vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hàng hóa xuất sang EU. Vậy những thông tin cơ bản nào về việc bảo hộ nhãn hiệu ở EU mà các doanh nghiệp cần nắm?

Bảo hộ nhãn hiệu ở EU, những điều cần biết
Cà phê Buôn Mê Thuột đã từng bị công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Trung Quốc.

Nhiều thương hiệu của Việt Nam từng bị đánh cắp

Chuyện những thương hiệu tên tuổi của Việt Nam bị đánh cắp ở nước ngoài không còn là điều xa lạ đối với các doanh nghiệp trong nước. Điển hình như năm 2001, thương hiệu thuốc lá hàng đầu Việt Nam là Vinataba (Tổng công ty thuốc lá Việt Nam) bị một công ty Indonesia là P.T. Putra Stabat Industri đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Vinataba nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Điều này đã gây hao tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của Vinataba trong công cuộc dành lại nhãn hiệu này.

Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam như cà phê Buôn Mê Thuột đã từng bị công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Trung Quốc.

Hay đến thời điểm hiện tại, nước nắm Phú Quốc vẫn là nhãn hiệu thuộc sở hữu của công ty Viet Huong Fishsauce một doanh nghiệp của Mỹ đang được bảo hộ ở Mỹ, Úc, EU và Malaysia.

Nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc của công ty Viet Huong Fishsauce (một doanh nghiệp của Mỹ) hiện tại đang được bảo hộ ở Mỹ, Úc, EU và Malaysia.

Những câu chuyện nói trên cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam còn rất lúng túng trong việc thiết lập hàng rào pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cụ thể là việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài - một tiền đề cho tấm vé xuất khẩu hàng hóa.

Sau khi có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, lộ trình của EVFTA là sau bảy năm sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế. Điều này mở cánh cửa “thông thoáng” hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU.

Lúc này vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt tại EU lại gấp rút đặt ra.

Cách thức đăng ký nhãn hiệu ở EU

Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các doanh nghiệp cần nắm những thông tin cơ bản về quy trình, thủ tục của EU.
Ở EU, ngoài hệ thống đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trực tiếp ở mỗi quốc gia, còn có Nhãn hiệu Liên minh châu Âu (European Union Trade Mark, viết tắt là EUTM) hình thành từ năm 1996, và tự động áp dụng nếu nước nào gia nhập EU.

Với nhãn hiệu này, chủ nhãn hiệu chỉ cần nộp một đơn đăng ký duy nhất, nếu được chấp nhận sẽ có phạm vi bảo hộ ở 28 quốc gia thành viên (hiện nay Anh trong giai đoạn rời khỏi EU nên sẽ còn 27 nước). Tuy nhiên, chỉ cần một quốc gia từ chối, nhãn hiệu này sẽ mất hiệu lực trong cả EU. Trong trường hợp này, chủ nhãn hiệu có thể chuyển đơn EUTM thành nhiều đơn đăng ký tại từng quốc gia mà mình muốn. Ngày ưu tiên của đơn vẫn được lấy từ đơn EUTM.

Do hệ thống đăng ký nhãn hiệu ở từng quốc gia hoàn toàn độc lập với hệ thống EUTM nên chủ nhãn hiệu có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở từng quốc gia, hoặc EUTM, hoặc cả hai; điều này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp để quyết định.

Như vậy, về hình thức đăng ký nhãn hiệu ở EU, chủ nhãn hiệu có bốn hình thức để lựa chọn. Một là, nếu chủ nhãn hiệu chỉ có nhu cầu hoặc đang kinh doanh chỉ một nước trong EU, chủ nhãn hiệu nên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp ở nước đó.

Hai là nếu chủ nhãn hiệu muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ ở Bỉ, Hà Lan và Luxembourg thì có thể đăng ký tại Văn phòng SHTT Benelux. Đây là văn phòng SHTT khu vực duy nhất ở EU chuyên bảo hộ nhãn hiệu cho ba nước trên.

Ba là, nếu chủ nhãn hiệu muốn đăng ký bảo hộ ở tất cả các nước trong EU, chủ nhãn hiệu có thể đăng ký nhãn hiệu tại Văn phòng SHTT EU (EUIPO).

Bốn là, chủ nhãn hiệu cũng có thể đăng ký EUTM bằng việc sử dụng hệ thống đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế theo Hệ thống Madrid (Madrid System). Trường hợp này, chủ nhãn hiệu có thể sử dụng đơn cơ sở (tức nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam), hoặc một đăng ký cơ sở (tức nhãn hiệu đã nộp đơn) để tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Văn phòng quốc tế của WIPO (World Intellectual Property Office) có chỉ định vào EU.

Luật nhãn hiệu của EU sau sửa đổi

Hệ thống Luật nhãn hiệu của EU sửa đổi có hiệu lực từ ngày 23-03-2016 (Regulation 2015/2424, Regulation 2017/1001; cùng hai văn bản chi tiết the Delegated Regulation (EU) 2018/625 và the Implementing Regulation (EU) 2018/626) ngoài việc thay đổi tên từ OHIM (Office for Harmonization of the Internal Market) thành EUIPO (European Union Intellectual Property Office) và Community Trade Mark (CTM) thành European Union Trade Mark (EUTM); cũng như thay đổi về phí.

Ba thay đổi quan trọng mà các doanh nghiệp cần nắm:

Tất cả thông tin về việc đăng ký nhãn hiệu ở EU, doanh nghiệp có thể dễ dàng truy cập website của EUIPO tại https://euipo.europa.eu/ohimportal/en.

Thứ nhất, ngoài các dấu hiệu được chấp nhận bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu khá tương đồng Điều 72 Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ của Luật SHTT Việt Nam 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019). EUTM đã loại bỏ yêu cầu bắt buộc nhãn hiệu phải được thể hiện dưới dạng hình ảnh, mà nhãn hiệu có thể thể hiện bằng cứ hình thức nào thông qua việc sử dụng những công nghệ hiện hành; miễn sự thể hiện là rõ ràng và chính xác.

Do đó EUTM có thể là nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu chuyển động (Motion mark), nhãn hiệu đa phương tiện (Multimedia mark), và các nhãn hiệu phi truyền thống khác. Việc mở rộng phạm vi bảo hộ đối với những đối tượng mới này được xem là sự thích ứng kịp thời của EU trong sự phát triển của công nghệ. Doanh nghiệp nếu có nhu cầu có thể đăng ký bảo hộ những dấu hiệu này là nhãn hiệu cho hàng hóa/dịch vụ của mình.

Cần lưu ý, Vương quốc Anh sẽ hoàn thành việc chuyển giao rời khỏi EU (Brexit) chính thức vào ngày 31-12-2020.

Do đó, doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ trực tiếp tại nước này nếu có nhu cầu, để tránh các thủ tục pháp lý của việc chuyển giao nhãn hiệu từ EU sang Anh sau này.

Thứ hai, nhãn hiệu chứng nhận lần đầu tiên được công nhận là một trong các loại của EUTM, dù nó đã tồn tại ở một số quốc gia thành viên trong EU. Theo đó, nhãn hiệu chứng nhận được định nghĩa là “nhãn hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ được chứng nhận của chủ nhãn hiệu về vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa hoặc cách thức thể hiện dịch vụ, chất lượng, sự chính xác hoặc các đặc điểm khác, trừ nguồn gốc địa lý, với những hàng hóa và dịch vụ không được chứng nhận.”

Thứ ba, những thay đổi về mặt thủ tục và quy định đáng chú ý như (1) yêu cầu chủ nhãn hiệu phải liệt kê rõ các hàng hóa/dịch vụ muốn đăng ký, không nên chỉ liệt kê các tiêu đề (Class heading) như trước đây; (2) việc EUIPO gửi thông báo đến các nhãn hiệu đối chứng (nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ hay nộp đơn trước) đối với nhãn hiệu nộp sau là tùy chọn, không bắt buộc; (3) mở rộng phạm vi quyền của chủ nhãn hiệu đối với cả những hàng hóa chỉ quá cảnh ở EU.

Như vậy, doanh nghiệp Việt muốn chinh phục thị trường xuất khẩu khó tính của EU thì bên cạnh sự chuẩn bị kỹ càng về chất lượng hàng hóa, tấm vé nhãn hiệu được bảo hộ là điều cần đầu tư cho sự phát triển trong dài hạn của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới