Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để thực hành tốt ESG

Trần Quốc Thái (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - ESG đang trở thành xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược ESG toàn diện. Trong đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một cách hiệu quả để doanh nghiệp hướng đến mục tiêu ESG.

Ảnh: Etftrends.com

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là phần quan trọng trong thực hành ESG

Trong những năm gần đây, ESG (Environmental, Social, and Governance) đã trở thành một trong những xu hướng quan trọng trong kinh doanh. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư có trách nhiệm với môi trường, xã hội và quản trị để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một khía cạnh quan trọng trong chiến lược thực hành ESG tổng thể của doanh nghiệp. Một chiến lược rõ ràng, hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp bảo hộ tài sản trí tuệ của mình (như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả…), đồng thời hỗ trợ các mục tiêu ESG theo nhiều cách để thúc đẩy đổi mới có tính bền vững.

Đầu tiên, bằng cách bảo hộ quyền SHTT, doanh nghiệp có thể dựng nên “hàng rào” bảo hộ các công nghệ xanh giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trước rủi ro bị sao chép và khai thác thương mại trái phép. Điều này giúp doanh nghiệp có thể thu hồi chi phí đầu tư nghiên cứu, tạo lợi thế cạnh tranh, đạt lợi nhuận từ việc thương mại hóa các công nghệ xanh, và khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục phát triển các công nghệ xanh mới.

Bên cạnh đó, bảo hộ quyền SHTT còn có khả năng giúp các doanh nghiệp hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề khi thực hành ESG. Chẳng hạn, sau khi đối tượng SHTT (công nghệ xanh, bền vững đáp ứng tiêu chí thực hành ESG) được bảo hộ, doanh nghiệp có thể cấp quyền sử dụng đối tượng này cho bên thứ ba trong hoạt động nhượng quyền thương mại, hay chuyển giao công nghệ, từ đó nhân rộng việc khai thác tài sản trí tuệ trong thực hành ESG.

Chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thực hành ESG

Bảo hộ sáng chế “xanh”

Bằng độc quyền sáng chế là một loại tài sản trí tuệ cho phép chủ sở hữu được pháp luật bảo hộ độc quyền đối với một giải pháp kỹ thuật (sản phẩm hoặc quy trình). Chẳng hạn, theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Luật SHTT), bằng độc quyền được Cục SHTT cấp cho sáng chế có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp trong thời hạn bảo hộ 20 năm kể từ ngày nộp đơn.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một khía cạnh quan trọng trong chiến lược thực hành ESG tổng thể của doanh nghiệp. Một chiến lược rõ ràng, hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp bảo hộ tài sản trí tuệ của mình, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu ESG theo nhiều cách để thúc đẩy đổi mới có tính bền vững.

Bằng độc quyền sáng chế “xanh” liên quan đến các giải pháp kỹ thuật giúp giảm thiểu tác động đến môi trường là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững, qua đó giúp doanh nghiệp đạt các mục tiêu ESG. Chẳng hạn, sáng chế “xanh” tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ hướng tới giải quyết các thách thức với môi trường như công nghệ hydrogen, trung hòa carbon (Net Zero), một loại pin mới có thể lưu trữ năng lượng hiệu quả hơn, hay quy trình sản xuất có hiệu quả giảm lượng phát thải, hoặc loại vật liệu mới có thể dễ dàng tái chế hơn.

Bằng cách bảo hộ các giải pháp kỹ thuật của mình, các doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận từ việc đổi mới và bù đắp chi phí đầu tư. Ngoài ra, khi được bảo hộ độc quyền cho sáng chế “xanh” đối với các công nghệ độc đáo của mình, doanh nghiệp có thể tạo ra lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, sáng chế “xanh” còn là “điểm cộng” dưới góc nhìn của nhà đầu tư khi thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với đổi mới và phát triển bền vững.

Một ví dụ về tầm quan trọng của sáng chế đối với sự phát triển bền vững là trường hợp của Exxon và công nghệ năng lượng mặt trời. Exxon đã nộp đơn đăng ký sáng chế cho pin năng lượng mặt trời vào năm 1978(1). Đây được coi là một trong những sáng chế quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tái tạo này, thu hút nguồn vốn đầu tư vào ngành công nghệ thân thiện với môi trường, và qua đó góp phần đảm bảo lợi ích kinh tế của chính Exxon thông qua hoạt động thương mại hóa sản phẩm hay ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép công nghệ.

Bảo hộ nhãn hiệu “xanh”

Nhận thức của người tiêu dùng được dự đoán sẽ dần thay đổi, hướng đến việc sử dụng nhiều hơn các sản phẩm, dịch vụ “xanh”. Dường như nắm bắt được tín hiệu này, doanh nghiệp cũng dần có xu hướng đăng ký nhãn hiệu “xanh” nhiều hơn, để thể hiện cam kết của doanh nghiệp khi thực hành ESG và thu hút người dùng.

Nhãn hiệu “xanh” là cách để doanh nghiệp truyền tải thông điệp về tính bền vững hoặc thân thiện với môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, khi lựa chọn đăng ký nhãn hiệu “xanh”, doanh nghiệp cần lưu ý những trường hợp dễ bị từ chối để thiết kế mẫu nhãn hiệu cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến chiến lược tiếp thị.

Thứ nhất, nhãn hiệu “xanh” có thể bị từ chối nếu chúng thiếu tính phân biệt tự thân. Điều 74.2(c) Luật SHTT ghi nhận rằng nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu dấu hiệu đó chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ hoặc dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước ngày nộp đơn.

Theo quy định này, dấu hiệu sẽ dễ bị từ chối bảo hộ là nhãn hiệu nếu chỉ đơn thuần là các từ như “sinh thái”, “bền vững”, “xanh”, “ecology” hay “wind energy” đứng độc lập, hoặc kết hợp đơn giản với các dấu hiệu mô tả cho chính sản phẩm, dịch vụ muốn đăng ký, ví dụ, dấu hiệu “GO ECO”, “Kiến tạo giá trị bền vững”, “BiofuelsPerfect”…

Thứ hai, nhãn hiệu “xanh” có thể bị từ chối nếu chúng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Điều 73.5 Luật SHTT ghi nhận rằng dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu nếu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Do đó, một dấu hiệu nếu ngụ ý thuộc tính thân thiện với môi trường có thể bị từ chối nếu gây nhầm lẫn. Ví dụ, nhãn hiệu theo đơn số 018531080 đăng ký cho sản phẩm “Túi và vật phẩm dùng để đóng gói, bọc và bảo quản nhựa” và “Ly nhựa”, đã bị cơ quan SHTT châu Âu từ chối bảo hộ(2). Lý do là dấu hiệu này bị coi là có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng khi sử dụng các từ “PAPER” và “RECYCLABLE” để gợi ý rằng sản phẩm được làm từ giấy và có thể tái chế, dẫn đến người tiêu dùng có thể nghĩ rằng họ đang mua một sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy khi sản phẩm được làm bằng nhựa, một loại vật liệu gây hại cho môi trường.

Đôi lời khuyên cho doanh nghiệp

Vấn đề bảo hộ quyền SHTT của doanh nghiệp cần được liên kết chặt chẽ với tổng thể chiến lược thực hành ESG. Bước đầu tiên, doanh nhiệp cần biết mình đang ở đâu, bằng việc đánh giá danh mục tài sản trí tuệ để có bức tranh toàn cảnh về mức độ phù hợp với các mục tiêu ESG đang hướng tới. Đây là tiền đề để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược SHTT như củng cố vị thế bằng cách duy trì hiệu lực các quyền SHTT đang có hiệu lực, thực hiện hoạt động xử lý hành vi xâm phạm trên thị trường, hay vạch ra kế hoạch tiếp tục đăng ký xác lập độc quyền cho các sáng chế và nhãn hiệu “xanh” mới của doanh nghiệp càng sớm càng tốt.

Đối với hoạt động bảo hộ quyền SHTT này, doanh nghiệp có thể lưu tâm hai điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, đối với nhãn hiệu, một mặt, doanh nghiệp nên chọn dấu hiệu mà người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận biết, ghi nhớ, thậm chí thể hiện được thông điệp ESG mà doanh nghiệp muốn truyền đạt; mặt khác, cần hạn chế chọn các dấu hiệu mang nghĩa mô tả hay dễ làm người dùng hiểu lầm về sản phẩm hoặc dịch vụ đăng ký liên quan tới các tuyên bố về môi trường hoặc tính bền vững có trong nhãn hiệu; đồng thời, tra cứu trước để hạn chế rủi ro nhãn hiệu trùng lặp hoặc tương tự với nhãn hiệu đã có trước.

Thứ hai, đối với sáng chế, để bảo hộ thành quả đổi mới sáng tạo của mình, doanh nghiệp nên nộp đơn đăng ký sáng chế sớm. Tuy nhiên, việc theo đuổi độc quyền đối với sáng chế là tương đối khó khăn, lâu dài và tốn kém. Do đó, doanh nghiệp nên đặt ra bộ tiêu chí chặt chẽ để xác định sáng chế nào là “xanh”, cần bảo hộ cho mục tiêu ESG, ví dụ giải pháp kỹ thuật phải làm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, có thể tái chế, giảm được khí thải hay các chất độc hại... Bên cạnh mục tiêu ESG, dĩ nhiên doanh nghiệp cũng cần đánh giá lợi ích kinh tế và lợi thế thương mại mà giải pháp kỹ thuật sẽ mang lại đảm bảo sáng chế phù hợp với chiến lược và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

(*) Cộng sự, Vision & Associates
(1) https://patents.google.com/patent/US4235643A/en
(2) https://euipo.europa.eu/copla/trademark/data/01853108/download/CLW/RFS/2022/EN/20221010_018531080.pdf?app=esearch&casenum=018531080&trTypeDoc=NA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới