(KTSG) - Số văn bằng được bảo hộ sở hữu công nghiệp của Việt Nam thấp, bên cạnh nguyên nhân không cố gắng đầu tư vào nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cũng có vấn đề về tập quán. Đồng bào ta có vẻ thích giấu nghề hơn là xin cấp văn bằng bảo hộ...?
Hồi đó Triệu Đà làm chúa đất Nam Hải, mấy lần đem quân sang cướp đất Âu Lạc nhưng đều thất bại vì An Dương Vương, vua đất Âu Lạc, có nỏ thần. Thấy dùng binh không lợi, Triệu Đà dùng kế: xin giảng hòa và xin cho con trai là Trọng Thủy cưới Mỵ Châu, con gái An Dương Vương, để nội gián khám phá bí quyết quân sự của vị vua này.
Mỵ Châu ngây thơ cho chồng xem cái nỏ thần của vua cha, cho xem cái lẫy của nỏ thần vốn là chiếc móng chân thần Kim Quy và chỉ cho cách bắn. Hôm sau, Trọng Thủy ăn cắp cái lẫy mang về nước. Nhờ có vũ khí đó Triệu Đà mới chiếm được Âu Lạc. Rút kinh nghiệm, người Việt Nam chúng ta có tập quán cấm con gái một làng nghề làm dâu một làng khác.
“Giấu nghề” không thúc đẩy cải tiến công nghệ
Bảo vệ sở hữu trí tuệ công nghiệp theo cách đó, mà đồng bào ta gọi là “giấu nghề”, gây ra một số hậu quả tiêu cực về kinh tế vĩ mô và về phát triển khoa học - kỹ thuật. Sản lượng đưa ra thị trường bị hạn chế bởi khả năng lao động của dân làng. Những làng khác không thể bắt chước được để thỏa mãn nhu cầu của nhiều người tiêu dùng hơn hay là để dùng làm cơ sở mà tìm cách sáng chế gì khác hay hơn.
Dân làng không có đối thủ cạnh tranh nên không bị thúc đẩy cải thiện liên tục công nghệ của mình. Do đó mà công nghệ lạc hậu của ta không kháng cự được vì khi Pháp xâm chiếm nước ta với công nghệ tiên tiến của họ.
Trong kinh tế thị trường có một bàn tay vô hình làm cho tất cả các đối thủ cạnh tranh bán cùng một mặt hàng có công dụng thích nghi với giá tối thiểu. Bàn tay đó cũng có thêm một hiệu ứng tích cực nữa là thúc đẩy tiến bộ công nghệ.
Một khi sản phẩm đạt được điểm cân bằng về công dụng và giá cả thì mỗi đối thủ cạnh tranh sẽ tìm cách gia tăng lãi của mình bằng cách sáng chế một phương pháp sản xuất khác để giảm giá thành, hay là sáng chế một sản phẩm khác với phẩm chất cao hơn để có thể bán với giá đắt hơn. Nhờ động lực đó mà khoa học kỹ thuật tiến bộ liên tục: phẩm chất của sản phẩm mỗi ngày mỗi cao, kỹ thuật sản xuất mỗi ngày mỗi hữu hiệu hơn.
Nghiên cứu để phát triển một sản phẩm hay một phương pháp sản xuất thì tốn công và tốn của. Không ai muốn đối thủ cạnh tranh biết sáng kiến của mình để họ làm hay hơn mà chống lại mình. Vì đó mà, thời Trung cổ, vua chúa châu Âu thường phong tước cắt đất thưởng những người sáng chế.
Vào đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất người ta quy định ban cho người công bố chi tiết về sáng chế của mình độc quyền khai thác sáng chế trong một thời hạn nào đó. Thời hạn đó thường là mười lăm năm cho tới hai chục năm, đủ để hoàn lại chi phí nghiên cứu - phát triển sáng chế và có thêm thu nhập bằng cách tự khai thác, cho thuê hay bán độc quyền khai thác sáng chế của mình cho người khác. Nhờ quy định đó, có lợi cho người sáng chế và cho cộng đồng, mà khoa học - kỹ thuật phát triển chóng mặt như ta thấy.
Đăng ký sáng chế trên bình diện quốc tế
Hiện nay có hai loại sáng chế được quốc tế công nhận và có một cơ quan quốc tế quản lý thủ tục đăng ký, điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ (patent) và quyền sở hữu công nghiệp kèm theo. Đó là:
(a) Sáng chế một sản phẩm hay một phương pháp sản xuất có áp dụng công nghiệp do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization, WIPO) và một cơ quan nhà nước của mỗi quốc gia thành viên quản lý.
(b) Sáng chế một giống cây trồng do Liên minh quốc tế bảo vệ các giống cây trồng mới (International Union for the Protection of New Varieties of Plants, UPOV) và một cơ quan nhà nước của mỗi quốc gia thành viên quản lý.
Nếu đăng ký ở WIPO hay UPOV thì cơ quan quốc tế đó sẽ kiểm tra và công bố báo cáo kết luận sáng chế hội đủ hay không hội đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Báo cáo đó có giá trị ở tất cả các nước thành viên của tổ chức. Nhưng người sáng chế phải xin cơ quan nhà nước mỗi nước mình muốn sở hữu công nghiệp được bảo hộ cấp cho một văn bằng. Các cơ quan này sẽ cấp văn bằng dựa trên báo cáo của WIPO hay của UPOV chứ không xét lại tính chính danh của đơn xin cấp.
Nếu chỉ muốn sáng chế của mình được bảo hộ ở một vài nước thôi thì đăng ký ở cơ quan quản lý nhà nước của mỗi quốc gia đó. Mỗi nước sẽ kiểm tra tính chính danh của đơn xin và quyết định cấp hay không cấp văn bằng theo luật lệ của nước đó. Trừ khi có hiệp định hợp tác giữa hai nước, mỗi nước xét hồ sơ riêng lẻ, báo cáo kiểm tra và văn bằng chỉ có giá trị ở nước đó thôi.
Việt Nam là thành viên của WIPO và UPOV. Khi cần đăng ký thì người sáng chế ở Việt Nam có thể đến sở công nghiệp và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành để được hướng dẫn.
WIPO chỉ công nhận sáng chế có áp dụng công nghiệp. Nhưng có nhiều nước thành viên công nhận và bảo hộ thêm những sáng chế có áp dụng khác, ví dụ như là dấu hiệu phân biệt (nhãn hiệu, tên miền, tên thương mại...), những sáng tạo thẩm mỹ, thiết kế (kiểu dáng, bản quyền), tên gọi xuất xứ, cơ sở dữ liệu, phần mềm, địa hình bán dẫn...
Một vài nước còn có thủ tục đăng ký đơn giản và ít tốn kém hơn thủ tục của WIPO với quyền sở hữu công nghiệp yếu hơn để khuyến khích người dân đăng ký sáng kiến của mình. Ví dụ ở Pháp có chứng nhận công dụng (Certificat d’Utilite) và phong bì Soleau (Enveloppe Soleau).
Quay lại câu chuyện Việt Nam
Bảng kèm đây cho thấy, về số văn bằng bảo hộ được cấp so với tổng sản lượng quốc nội thì chúng ta xếp hạng ba trong khối ASEAN. Nhưng về số văn bằng được cấp thì toàn khối ASEAN thua xa các cường quốc công nghiệp.
Nguyên nhân hiển nhiên là các nước ASEAN không cố gắng đầu tư vào nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Nhưng cũng có vấn đề về tập quán. Đồng bào ta có vẻ thích giấu nghề hơn là xin cấp văn bằng bảo hộ. Chọn lựa có thể là “nếu không được bảo vệ thì giấu nghề”. Chúng ta thường xuyên bị quốc tế than phiền vì bảo hộ sở hữu công nghiệp kém. Ở các nước công nghiệp thì một văn bằng bảo hộ được coi là tương đương với một báo cáo đăng trên báo khoa học có uy tín. Ở nước ta thì không.
Xin đơn cử hai ví dụ đau lòng. Kỹ sư Trương Trọng Thi sáng chế máy vi tính. Nhưng kỹ sư Thi đã để cho cộng sự viên đi đăng ký hộ sáng chế của mình. Người này đã ký tên mình trên đơn đăng ký. Ra tòa đòi sửa lại thì kỹ sư Thi thua kiện.
Kỹ sư Nguyễn Thành Long sáng chế phương pháp PNEUSOL củng cố ta - luy bằng vỏ lốp xe. Laboratoire des Ponts et Chausees đã tài trợ nghiên cứu của kỹ sư Long thì giữ quyền sở hữu công nghiệp là hợp lý. Kỹ sư Long được phát cho mảnh bằng tiến sĩ hạng “rất trân trọng với lời khen của ban giám thị”. Nhưng kỹ sư Long không có tên trên văn bằng bảo hộ.
Tôi không biết người sáng chế ra loại gạo được coi là ngon nhất thế giới (giải thưởng năm 2020) đã đăng ký để được cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng chưa. Nếu có thì sẽ được độc quyền sản xuất giống lúa, bất kỳ bộ phận nào của giống lúa, các yếu tố sinh sản hoặc nhân lên của giống lúa, và tất cả các giống lúa được tạo ra bằng cách lai tạo giống ban đầu.
Chủ nhân của văn bằng có thể nhường lại độc quyền đó cho bên thứ ba. Kiện tụng để đòi lại một thương hiệu bị đánh cắp là một việc phải làm. Nhưng cái được thua giữa một văn bằng và một thương hiệu khác nhau một trời một vực.
Báo chí trong nước thường xuyên đăng tin về “công nghệ hai lúa” hay về “tiến sĩ nước mắm” với những bình luận chê bai thậm chí hài hước. Điều này đáng tiếc tại vì bất công. Đồng bào ta cũng có đầu óc sáng tạo như mọi dân tộc khác và, suy ra, có nhiều sáng chế chưa được đăng ký.
Chính phủ cần tuyên truyền nhiều hơn về lợi ích của việc đăng ký sáng chế không những trong giới khoa học kỹ thuật mà cả bên ngoài xã hội. Tôi cũng xin Chính phủ tài trợ vài suất học bổng tiến sĩ khoa học nhân văn để nghiên cứu về tâm thế của đồng bào ta trước khoa học - kỹ thuật và vấn đề bảo vệ sở hữu công nghiệp.
Chỉ với kết luận của những nghiên cứu đó thì Chính phủ mới có thể đề ra được một chính sách phát triển khoa học kỹ thuật thực tế. Cho đến nay, những hội thảo, có khi với sự có mặt của “chuyên gia” quốc tế, chỉ đưa ra những kết luận không có giá trị và viển vông.
Tất cả những hiệp định thương mại mà ta đã ký với nước khác đều có điều khoản về bảo vệ sở hữu công nghiệp của công dân và công ty họ. Mấy năm gần đây, chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại lớn. Chính phủ cần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Để tôn trọng chữ ký của ta, những sửa đổi sẽ đúc kết các cam kết của ta trong tất cả các hiệp định.
Rất có thể có quan điểm e ngại việc đúc kết này sẽ dẫn tới việc phải bảo hộ quá nhiều đối tượng và luật sẽ phải được thi hành quá khắt khe. Không đâu. Các công ty công nghệ tiên tiến sẽ đến làm ăn ở nước ta vì thấy sở hữu công nghiệp của họ được bảo hộ chặt chẽ. Còn về những người sáng chế của ta thì sẽ được hưởng một hàng rào phi hải quan mà quốc tế không thể phản đối được vì chính họ đã áp đặt.
(*) Kỹ sư tư vấn